Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có công điện yêu cầu Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI) khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu của dự án sửa chữa mặt đường QL5.
Theo đó, đối với toàn bộ các gói thầu xây lắp, yêu cầu trình Tổng cục Đường bộ VN xem xét thiết kế kỹ thuật trước ngày 10/9/2020 để đảm bảo tiến độ lựa chọn nhà thầu trước ngày 30/10 và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công trước ngày 15/11/2020.
“VIDIFI cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý các hư hỏng mặt đường ảnh hưởng đến ATGT. Đồng thời, chỉ đạo nhà thầu thi công trên các tuyến đường đang khai thác có phương án tổ chức giao thông, hoàn trả mặt đường, đảm bảo phương tiện lưu thông an toàn. Quá trình xử lý khắc phục mặt đường cần đối chiếu với hồ sơ thiết kế kỹ thuật của dự án sửa chữa lớn để nghiên cứu phươg án khắc phục phù hợp, tránh lãng phí” - Tổng cục Đường bộ yêu cầu.
|
QL5 xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông lớn. |
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ cũng giao Cục Quản lý đường bộ 1 kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì của VIDIFI; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện công tác này đảm bảo an toàn giao thông.
Trường hợp nhà đầu tư VIDIFI không thực hiện hoặc thực hiện không đảm bảo yêu cầu gây mất ATGT, báo cáo Tổng cục xử lý theo quy định như: dừng thu phí để khắc phục đảm bảo ATGT.
Trước đó, Bộ GTVT cũng có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương tổ chức kiểm tra, đôn đốc nhà đầu tư khẩn trương sửa chữa, bảo trì đảm bảo ATGT tuyến QL5; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhà đầu tư và kiên quyết xử lý theo quy định của hợp đồng dự án nếu nhà đầu tư không kịp thời có giải pháp xử lý khắc phục.
Quốc lộ 5 nối Hải Phòng với Hà Nội đã được nâng cấp và khai thác được trên 20 năm và chưa đại tu lần nào (theo định mức yêu cầu 5-10 năm phải đại tu). Tuyến đường hiện đã xuống cấp trầm trọng, thường ngày vẫn phải “gồng mình” để “cõng” hàng chục nghìn lượt xe qua lại, đặc biệt là xe container lưu thông, gấp hơn 3 lần lưu lượng thiết kế.
Khi được giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì Quốc lộ 5, VIDIFI đã triển khai bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ các hạng mục công trình. Tuy nhiên, kinh phí dành cho công tác duy tu, bảo dưỡng hàng năm còn thấp nên việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.
Những bất cập về kết cấu hạ tầng chưa được xử lý triệt để được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT tuyến Quốc lộ 5 qua tỉnh Hải Dương tiếp tục diễn biến phức tạp trong suốt thời gian qua. Năm 2019, toàn tuyến QL5 qua Hải Dương xảy ra 32 vụ, khiến 43 người chết, 25 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 15/6), tuyến QL5 đoạn qua tỉnh Hải Dương đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông khiến 14 người tử vong và 4 người bị thương. Đáng chú ý ngày 14/7/2020, liên tiếp xảy ra 3 vụ TNGT khiến 2 người tử vong, 1 người bị thương.
Tại cuộc giao ban báo chí ngày 8/7, đại diện Ban An toàn Giao thông tỉnh Hải Dương thẳng thắn chỉ ra rằng, TNGT tiếp tục xảy ra tại các tuyến quốc lộ, trong đó có quốc lộ 5. Đồng thời nhấn mạnh, hạ tầng giao thông trên một số tuyến quốc lộ vẫn còn nhiều bất cập. Quốc lộ 5 vẫn còn tồn tại tình trạng hằn lún vệt bánh xe, dải phân cách giữa hư hỏng không được duy tu, sửa chữa kịp thời.
Việc duy tu bảo dưỡng, cải tạo, nâng cấp trên các tuyến quốc lộ, trong đó có quốc lộ 5 chưa được thực hiện kịp thời do nguồn vốn hạn chế. UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã nhiều lần kiến nghị đơn vị quản lý đường bộ nhưng những tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh vẫn chưa được khắc phục.
Trạm CSGT Ba Hàng cũng có kiến nghị về những bất cập tại các nút giao trên tuyến QL5 đi qua tỉnh Hải Dương. Trong đó nhấn mạnh, hiện nay, trên tuyến QL5 tốc độ cho phép cao nhất của phương tiện là 90km/h, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình TNGT diễn biến phức tạp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người. Từ đó, Trạm CSGT Ba Hàng kiến nghị Phòng CSGT đề nghị Tổng cục đường bộ triển khai cắm cụm biển báo tốc độ tối đa cho phép (50km/h) và biển hết hạn chế tốc độ tối đa tại các nút giao.
Trước đó, vào năm 2019, tỉnh Hải Dương đã đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, sớm hỗ trợ tỉnh Hải Dương kinh phí 550 tỷ đồng để xây dựng cầu vượt tại Km50+630 và 4,93 km đường gom, xóa bỏ 109 lối đi dân sinh giao cắt đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng và đấu nối trực tiếp quốc lộ 5.
Đồng thời, sớm có phương án thu hút các phương tiện tham gia giao thông vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để nâng cao hiệu quả hoạt động đường cao tốc, giảm tải các phương tiện lưu thông trên quốc lộ 5, quốc lộ 37 và 38B. Hải Dương cũng đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ sớm bổ sung nguồn kinh phí xây dựng đường gom Dự án xây dựng nút giao lập thể điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5 và ĐT 390 tỉnh Hải Dương.
Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, dự án sửa chữa lớn mặt đường QL5 dài 30 km (từ km 46 – km76) được thông qua và triển khai trong năm 2020. Dự án có tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng được lấy từ các nguồn thu trong phương án tài chính dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Dự án do Tổng công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) làm chủ đầu tư và được chia làm 6 gói thầu xây lắp, 7 gói thầu tư vấn. Trong đó có 4 gói thầu xây lắp chính sửa chữa mặt đường và an toàn giao thông. Năm 2020, dự án đã được bố trí 280 tỷ đồng và sẽ được bố trí thêm trong năm 2021. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đến nay vẫn chậm so với kế hoạch.
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diệnVIDIFI cho biết, đơn vị cũng tính toán số tiền duy tu, bảo trì quốc lộ 5 theo quy định của Nhà nước trong thời gian 30 năm với tổng số tiền khoảng 10.526 tỷ đồng.
Đối với các vị trí hư hỏng khác, VIDIFI cũng lập phương án, dự toán kinh phí để thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, do lưu lượng phương tiện quá lớn, ý thức tham gia giao thông của một số người điều khiển phương tiện còn hạn chế nên gây khó khăn trong việc tổ chức giao thông đồng thời việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu dân cư dọc hai bên tuyến quốc lộ 5 không đồng bộ với phát triển hạ tầng (đường gom, cầu vượt, điểm đấu nối dân sinh..tình trạng lấn chiếm hành lang hai bên tuyến làm thu hẹp lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Mặt khác, trên tuyến đường này còn có tình trạng xe quá tải lưu thông khiến kết cấu mặt đường xuống cấp nhanh dẫn đến chi phí sửa chữa lớn hơn phương án tài chính của hợp đồng BOT. Do đó, VIDIFI phải tính toán, cân đối và ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện sửa chữa những vị trí, công việc thực sự cần thiết.
>>> Mời độc giả xem thêm video 80% tai nạn giao thông bị chấn thương sọ não
Tâm Đức