Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD); Dự án Danan - Iran và Dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD); 2 Dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD).
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cho biết PVN còn chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài vượt hạn mức quy định trong giấy chứng nhận đầu tư.
Đó là trường hợp Dự án Lô 67 chuyển vượt 142 triệu USD; dự án SK 305 chuyển vượt 15 triệu USD.
|
Việc đầu tư ra nước ngoài của PVN chưa hiệu quả như mong đợi. |
Song Kiểm toán Nhà nước lưu ý: Tại thời điểm chuyển vốn đầu tư, pháp luật về đầu tư ra nước ngoài chưa quy định về hạn mức chuyển vốn. Tuy nhiên, từ ngày 13/8/2016, Thông tư số 12/2016/TT-NHNN có hiệu lực, tại Khoản 6 Điều 15 quy định "Tổng số tiền chuyển ra nước ngoài... không vượt quá tổng vốn đầu tư ra nước ngoài bằng tiền theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" và tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 124/2017/NĐ-CP cũng có quy định "Nhà đầu tư góp vốn thực hiện dự án dầu khí nước ngoài trong hạn mức vốn đầu tư ra nước ngoài ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài" nhưng đến nay vẫn chưa điều chỉnh.
Ngoài ra, một số dự án của PVN đang gặp khó khăn trong việc huy động vốn, có nguy cơ không đảm bảo cơ cấu vốn được phê duyệt hoặc tiềm ẩn rủi ro phát sinh chi phí, giảm hiệu quả đầu tư. Đó là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Kiểm toán Nhà nước cho hay hàng nghìn tỷ đồng Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên gửi ở OceanBank bị “kẹt”.
Theo Kiểm toán Nhà nước, một số doanh nghiệp thuộc PVN gửi tiền tại OceanBank bị chậm luân chuyển do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện kiểm soát trực tiếp.
Cụ thể, Công ty mẹ PVN có 5.026 tỷ đồng, 86.016.801 USD và 2.171 Euro.
PTSC 229 tỷ đồng; PV Power 21 tỷ đồng và 102 USD;
Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau 333 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn 2.743 tỷ đồng; PVOil 262 tỷ đồng, PV Trans 181 tỷ đồng; PVFCCo 284 tỷ đồng.
Đặc biệt, giai đoạn năm 2010-2015, Ban Quản lý Dự án công trình Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã gửi tiền tại 2 ngân hàng nhưng tiền lãi nhận được để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, có dấu hiệu vi phạm pháp luật 22,1 tỷ đồng.
Cụ thể, từ năm 2010 đến năm 2015, bằng nhiều Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và các văn bản thỏa thuận, Ban Quản lý Dự án đã để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khoản tiền lãi nhận được qua các hợp đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) - Chi nhánh Thanh Hoá và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Ocean Bank) - Chi nhánh Thanh Hóa. Số tiền để ngoài sổ sách theo rà soát ban đầu của PVN là 22,1 tỷ đồng.
Số tiền lãi để ngoài sổ sách trên được hình thành từ việc sử dụng nguồn vốn cấp của PVN và nguồn tiền thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ với Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi ngân hàng thông qua các Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn. Theo đó, Ban quản lý đã ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nhưng không theo dõi, hạch toán đầy đủ lãi tiền gửi có kỳ hạn vào sổ kế toán mà chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận tiền chênh lệch lãi suất, để ngoài sổ sách kế toán, vi phạm quy định khoản 3 điều 14 Luật Kế toán số 03/2003/QH-11 ngày 17.6.2003.
Vụ việc này đã được Kiểm toán Nhà nước gửi sang Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Theo Hà Duy/Việt Nam Net