Vụ cháy khủng khiếp ở nhà máy Rạng Đông (Hà Nội) kéo dài cả đêm 28/8 đã gây thiệt hại vô cùng lớn khi hàng nghìn m2 nhà kho bị thiêu rụi. Dù không có thiệt hại về người nhưng vụ hỏa hoạn đã gây thiệt hại về tài sản lên tới 150 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn sau vụ cháy, nỗi lo nguy cơ nhiễm độc trên diện rộng khiến dư luận hoang mang.
Sự hoang mang của dư luận và người dân xung quanh khu vực nhà máy về nguy cơ nhiễm độc được khẳng định bởi ngay sau khi xảy ra vụ cháy, UBND phường Hạ Đình đã phát đi những khuyến cáo.
Trong thông báo do thông báo do Phó chủ tịch UBND phường Hạ Đình, bà Trần Thị Nhiên ký ngày 29/8, cho biết, sau đám cháy kho bóng đèn phích nước, tồn dư khói bụi, không khí nhiễm bẩn đã gây ảnh hưởng sức khỏe cán bộ, viên chức tại một số khu vực và cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Phường Hạ Đình nằm giáp ranh phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), nơi có nhà kho bị cháy.
|
Hình ảnh vụ cháy Nhà máy Rạng Đông. |
Do đó, UBND phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không tiêu thụ các loại rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn... trong bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Các loại rau, trái cây tự trồng trong bán kính 500 m cần được tiêu huỷ. Ngoài ra, theo thông báo của UBND phường Hạ Đình, cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.
Không chỉ có văn bản gửi các tổ dân phố, phường Hạ Đình cũng phát loa tại khu dân cư, đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe các thành viên, nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đến bệnh viện.
Khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình được đánh giá là cần thiết khi ngay sau đó, nhiều chuyên gia hóa học đã lên tiếng cho rằng không loại trừ khả năng có lượng thủy ngân bị thoát ra kèm theo khói bụi. Ngoài thủy ngân, khói bụi từ vụ cháy này có thể kèm theo cả photpho, bột kẽm, và một số hóa chất khác. Các chất này cũng có hại cho sức khỏe con người.
Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 30/8, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trong vụ cháy này có các nguy cơ phổ biến như, ngộ độc khói hay ngộ độc thuỷ ngân. Khói có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, gây kích ứng đường hô hấp. Khí CO gây ngộ độc máu. Thậm chí hơi nóng cũng rất nguy hiểm, có thể gây bỏng đường hô hấp. “Chúng ta tính đến xem xét ô nhiễm thuỷ ngân. Tuy nhiên cho tới nay, đây là những yếu tố suy luận, đánh giá, theo dõi và chưa có thông tin chính thức từ đơn vị chuyên môn”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Trước thông tin về nguy cơ nhiễm độc cùng khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình, nhiều người dân hoang mang đã đưa trẻ nhỏ, người già đi sơ tán vì sợ khí độc sau hỏa hoạn ở nhà máy Rạng Đông. Hàng chục người đã đến Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai khám và tiến hành làm các xét nghiệm về ngộ độc thuỷ ngân.
Tuy nhiên sáng 30/8, UBND quận Thanh Xuân cung cấp một số nội dung liên quan đến vụ cháy và vấn đề môi trường sau cháy tại kho chứa hàng thuộc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Một lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cho biết, UBND phường Hạ Đình đã thu hồi văn bản thông báo người dân không sử dụng thực phẩm, nước trong bán kính 1 km tính từ Công ty cồ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, bởi văn bản này được ban hành không đúng nội dung và thẩm quyền.
Trong khi đó, trong văn bản báo cáo UBND quận Thanh Xuân trả lời các lo ngại của người dân cũng như báo chí về nghi vấn rò rỉ thủy ngân sau vụ hỏa hoạn, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, các vật tư – nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn gồm: Bầu đèn CFL làm bằng nhựa PC – đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, kể cả khi cháy. Công ty này khẳng định, đã nghiên cứu, sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Như vậy đến nay, khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình cảnh báo người dân tự bảo vệ sức khỏe vì lo ngại tác động từ vụ cháy công ty Rạng Đông, đặc biệt là ảnh hưởng của thủy ngân sau vụ cháy được cho là chưa có cơ sở khoa học. Tuy nhiên trước đó, khi khuyến cáo được đưa ra thì dư luận rất hoang mang về ô nhiễm thủy ngân từ nhà máy, nhất là khi trong khuyến cáo đưa thông tin về ô nhiêm thủy ngân nguy hại sức khỏe và cuối cùng lại thu hồi khuyến cáo làm người dân đặt vấn đề: Tại sao lại làm thế, có sự ẩn khuất gì không?
Bởi việc UBND phường Hạ Đình khuyến cáo khi chưa có cơ sở, không đúng thẩm quyền không chỉ làm người dân, dư luận hoang mang mà còn gây nên sự lãng phí khi người dân được khuyến cáo tiêu hủy trái cây, thay đổi cây trồng là gây lãng phí.
Dư luận cho rằng, nếu việc UBND phường Hạ Đình ban hành khuyến cáo không đúng nội dung, thẩm quyền cần phải kiểm điểm những cá nhân liên quan. Tuy nhiên, từ sự việc trên, dư luận cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội cần thực hiện công tác quan trắc, đánh giá hiện trạng môi trường sau vụ cháy, để đưa ra những khuyến cáo phù hợp cho người dân.
Khi chưa có kết luận chính thức từ kết quả quan trắc, tất nhiên nỗi hoang mang về nguy cơ nhiễm độc do vụ cháy vẫn khiến người dân hoang mang.
Thiên Nga