Phúc thẩm Phó CT Nha Trang 29/5: Sao chưa cách chức ông Lê Huy Toàn?

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã bị tuyên án sơ thẩm 9 tháng tù có có sai phạm tại dự án KĐT Hoàng Long nhưng đến nay, ông Lê Huy Toàn vẫn là Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang.

Ngày 29/5, TAND cấp cao tại Đà Nẵng sẽ đưa vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại dự án khu đô thị Hoàng Long (TP Nha Trang) liên quan đến ông Lê Huy Toàn - Phó Chủ tịch TP Nha Trang, cùng các đồng phạm.
Trước đó, vào tháng 2/2020, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án trên, TAND tỉnh Khánh Hòa đã tuyên phạt bị cáo Lê Huy Toàn (SN 1964) 9 tháng tù. Đáng chú ý, dù đã bị tuyên án nhưng đến nay, ông Lê Huy Toàn vẫn là Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang. Ông Toàn mới chỉ bị đình chỉ sinh hoạt Đảng, đình chỉ sinh hoạt đại biểu HĐND TP Nha Trang.
Việc ông Lê Huy Toàn bị khởi tố, xét xử và bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 9 tháng tù vẫn giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao chưa cách chức đối với bị cáo này?
Phuc tham Pho CT Nha Trang 29/5: Sao chua cach chuc ong Le Huy Toan?
 Bị cáo Lê Huy Toàn. Ảnh: Zing.
Theo tìm hiểu, ông Lê Huy Toàn hiện là cán bộ thuộc diện quản lý của Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ngày 28/11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Huy Toàn.
Ngay sau đó, Ban thường vụ Thành ủy Nha Trang đã có báo cáo kiến nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Khánh Hòa xử lý theo quy định của Đảng đối với ông Toàn. Hai ngày sau, ngày 30/11/2018, UBKT Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có quyết định đình chỉ sinh hoạt cấp ủy đối với ông Toàn. Ngày 3/12/2018, Thường trực HĐND TP. Nha Trang đã ban hành nghị quyết tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP. Nha Trang đối với ông Lê Huy Toàn.
Nói về lý do chưa cách chức Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang đối với ông Lê Huy Toàn, lãnh đạo HĐND TP Nha Trang cho biết trường hợp ông Toàn bị tòa tuyên có tội và khi bản án có hiệu lực đương nhiên sẽ bị bãi nhiệm đại biểu HĐND và chức vụ chính quyền theo luật định. Đồng thời cho hay, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn không còn được phân công đảm nhiệm nhiệm vụ lãnh đạo cụ thể nào nữa. Từ tháng 11/2018, ông Toàn cũng không còn đến cơ quan làm việc.
Ngày 19/5, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn cho rằng hiện nay bản án sơ thẩm với ông Lê Huy Toàn vẫn còn phải chờ kết quả xét xử phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng vào ngày 29/5.
“Theo quy trình, lẽ ra cơ quan tố tụng phải có kiến nghị xử lý nhưng sao không thấy có kiến nghị. Vì vậy, việc này sẽ kiểm tra lại?” – ông Nguyễn Khắc Toàn nói về việc ông Lê Huy Toàn vẫn còn chức phó chủ tịch UBND TP. Nha Trang dù đã bị tuyên 9 tháng tù.
Ông Tạ Hồng Quang, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết, căn cứ để cho thôi chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang đối với ông Lê Huy Toàn hiện nay cũng chưa rõ. Các cơ quan đang tìm quy định pháp luật liên quan để xử lý về mặt chính quyền đối với ông Lê Huy Toàn.
Đồng thời cho hay, sau phiên tòa phúc thẩm, bản án có hiệu lực pháp luật, nếu tòa tuyên ông Lê Huy Toàn là có tội thì bắt đầu tính đến việc khai trừ Đảng, cách chức, buộc thôi việc, lúc đó các chế độ chính thức sẽ không còn.
Được biết hiện nay, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa căn cứ quy định pháp luật để xử lý về mặt chính quyền liên quan đến việc ông Lê Huy Toàn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019, cán bộ phạm tội bị tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đương nhiên thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm.
Trường hợp bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, theo quy định khi bản án có hiệu lực pháp luật, cán bộ phạm tội bị thôi giữ chức vụ hiện tại và bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Trong trường hợp này, mặc dù TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm và tuyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo Lê Huy Toàn – Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang 9 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, sau đó có kháng cáo theo quy định nên bản án này chưa có hiệu lực pháp luật.
Do đó, vụ án này phải trải qua phiên tòa xét xử giai đoạn phúc thẩm và căn cứ Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bởi vậy, khi bản án phúc thẩm có hiệu lực và tuyên bị cáo có tội, có hình phạt tù thì bị cáo đó đương nhiên bị thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm và bị buộc thôi việc từ ngày bản án có hiệu lực.
Liên quan vụ án trên, ngày 28/2, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt ông Lê Huy Toàn (SN 1964) - Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang 9 tháng tù về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, bị cáo Võ Mỹ, 58 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang) lĩnh 6 tháng tù. Bị cáo Lương Như Giáp (35 tuổi, nguyên chuyên viên Phòng tài chính - kế hoạch TP Nha Trang) bị phạt 6 tháng tù treo.
Hai bị cáo Vũ Thị Mai Hương (51 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND phường Phước Long) và Võ Đức Cường (41 tuổi, nguyên công chức địa chính, xây dựng, đô thị, môi trường UBND phường Phước Long) cùng lĩnh 18 tháng tù về tội Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Cáo trạng nêu rõ, năm 2015, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định chấp thuận đầu tư dự án khu đô thị Hoàng Long, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng và địa chất UPGC (Công ty UPGC).
Dự án được UBND TP Nha Trang phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thành lập hội đồng 11 thành viên, do ông Lê Huy Toàn làm chủ tịch. Tổ công tác 7 người giúp việc cho hội đồng gồm: Đỗ Thế Vinh (tổ trưởng), Nguyễn Ngọc Khánh (nhân viên Công ty UPGC), Châu Trần Thái Huyền (cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Nha Trang), Huy Tôn Hạnh (đại diện hộ có đất bị thu hồi). Ba người còn lại là Cường, Mỹ, Giáp.
Từ năm 2014 đến 2016, một số cá nhân được giao trách nhiệm trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trước hết là ông Lê Huy Toàn, chủ tịch hội đồng, đã thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Toàn đã chủ trì tất cả cuộc họp của hội đồng để xét, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với thành phần tham gia hầu hết là thành viên tổ công tác, không phải thành viên hội đồng.
Các thành viên tổ công tác gần như được giao quyền từ giai đoạn kiểm kê hiện trạng ban đầu đến xét duyệt hồ sơ. Điều này tạo sơ hở cho một số bị can lợi dụng tham gia xuyên suốt quá trình mà không có sự kiểm soát, thẩm tra.Từ đó dẫn đến việc quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư không đúng, sai đối tượng, sai lệch diện tích, sai về nhà, loại đất.
Hành vi sai phạm của các bị can đã làm thiệt hại hơn 278 triệu đồng. Đồng thời, UBND TP Nha Trang phải hủy bỏ 71/77 hồ sơ có quyết định bồi thường, hỗ trợ tái định cư để xác minh lại từ đầu.
>>> Mời độc giả xem thêm video Công bố quyết định kỷ luật các lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa

Nguồn: VTC Now.

Tâm Đức