Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay VKSND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Thuận Phong. Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục điều tra theo quy định của BLTTHS. Trước đó, ngày 31-5, VKSND Tối cao cũng có văn bản yêu cầu hủy quyết định không khởi tố để tiếp tục điều tra làm rõ.
Tưởng đã bị lãng quên
Ngày 23-4-2015, tổ liên ngành Ban 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) đã kiểm tra Công ty Thuận Phong (khu phố 7, phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai). Tại đây cơ quan chức năng phát hiện việc sản xuất, sang chiết, đóng gói phân bón giả về nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, đóng gói với số lượng lớn (giả phân bón của Mỹ) ngay tại khu vực sản xuất phân bón của công ty…
Sau đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã căn cứ vào kết luận của Bộ Công an và khoản 2 Điều 107, Điều 34, Điều 108 BLTTHS để ra quyết định không khởi tố vụ án.
Ngày 9-6, trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu (ĐB) đã đề cập đến tình trạng phân bón giả. Đặc biệt, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (tỉnh Ninh Thuận) đã đề cập thẳng vào vụ án này. ĐB Cương nói: “Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong được sáu bộ khẳng định mà sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý”.
Ông Cương gọi đây là “kỳ án” và nói tiếp: “Một vụ việc mà hai phó thủ tướng thường trực của hai nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản, chủ trì nhiều cuộc họp để chỉ đạo. Các bộ có liên quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn không bị khởi tố”. Từ đó ông Cương đề nghị Chính phủ nên có câu trả lời cho cử tri.
|
Kiểm tra phân bón tại Công ty Thuận Phong. Ảnh: CT |
“Nóng” chất vấn tại Quốc hội
Chiều 15-6, tại phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Sỹ Cương đã chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về vụ án này. Ông Cương đặt câu hỏi về tiến trình của vụ án và hỏi liệu có nên giao cho Công an tỉnh Đồng Nai tiếp tục điều tra.
Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng cho hay: “Vụ việc này bắt đầu từ năm 2015 khi các cơ quan chức năng phối hợp với tỉnh Đồng Nai phát hiện ra việc Công ty Thuận Phong đóng gói, chiết xuất phân bón có nhiều vi phạm, sau đó đã tiến hành giám định, xin ý kiến các bộ, ngành liên quan”.
Phó Thủ tướng giải thích lý do là vì có vướng mắc giữa luật, nghị định, thông tư hướng dẫn dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau đối với những vấn đề liên quan tới phân bón giả hay không giả. Vì thế Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ vụ án và VKSND tỉnh này đã đồng thuận. Nhưng sau đó dư luận xã hội không đồng tình, Hiệp hội Phân bón Việt Nam phản ứng quyết liệt. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó là phó thủ tướng, đồng thời là trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc đúng pháp luật.
“Khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, tôi được giao nhiệm vụ và đã chỉ đạo làm nghiêm. Tôi đã giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xem xét lại và có ý kiến với VKSND Tối cao chỉ đạo làm lại cho đúng pháp luật” - Phó Thủ tướng nói.
Cũng theo Phó Thủ tướng, VKSND Tối cao đã chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vì cơ quan này đã đồng ý không khởi tố nên phải ra quyết định hủy làm cơ sở phục hồi điều tra. Trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Công an sẽ có trách nhiệm xem xét cán bộ thừa hành nếu có sai phạm.
ĐB Cương mong Phó Thủ tướng thể hiện rõ quan điểm về vụ việc vì nó ảnh hưởng tới hàng chục triệu nông dân. Ông Cương đề xuất: “Nếu phục hồi điều tra mà giao cho Công an tỉnh Đồng Nai thì không khách quan. Nếu có thể được, đề nghị Chính phủ giao cho CQĐT của Bộ Công an hoặc CQĐT của VKSND Tối cao tiến hành”.
Sau đó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Vấn đề này Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo.
Theo CHÂN LUẬN/Pháp luật TP HCM