Sau rất nhiều phản ánh của Kiến Thức về sự việc Cụm công nghiệp Quang Trung (huyện Vụ Bản, Nam Định) biến thành khu dân cư, cộng với việc người dân mất ruộng chưa được đền bù thỏa đáng, dân làng nghề không có đất xây dựng nhà xưởng sản xuất, phải ở lại vị trí cũ gây ồn ào, khói bụi ô nhiễm.
Ông Lê Đức Tâm, Chánh Văn phòng UBND huyện Vụ Bản khẳng định: Sau khi có ý kiến phản ánh của
Báo Kiến Thức, huyện Vụ Bản đã cho thành lập đoàn kiểm tra để về làm việc với xã Quang Trung về việc "
phù phép Cụm công nghiệp thành khu dân cư"
|
Những ngôi nhà kiên cố mọc trên đất công nghiệp ở xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, Nam Định. |
Mới đây nhất, UBND huyện Vụ Bản đã cung cấp cho Kiến Thức, Văn bản số 30/BC-UBND ngày 23/4/2019 do Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Vụ Bản Phạm Đình Mậu ký, Báo cáo về kết quả kiểm tra, xác minh một số nội dung báo chí phản ánh liên quan đến Cụm công nghiệp xã Quang Trung.
Có tình trạng mua bán đất, xây nhà trái phép trên đất công nghiệp
Đối với nội dung Kiến Thức phản ánh về công tác thu hồi và đền bù đất, UBND xã Quang Trung không thực hiện đúng trình tự và quy định của pháp luật, dẫn tới việc khiếu kiện kéo dài. Kết luận của Đoàn kiểm tra cho biết, năm 2007, xã Quang Trung đã họp bàn dân và phổ biến kế hoạch, có 113 hộ gia đình tham dự trên tổng số 119 hộ có ruộng phải thu hồi.
Theo đó, xã Quang Trung đã thực hiện theo phương án: Hộ gia đình sẽ được nhận 3.500.000đ/sào. Đây là số tiền sinh lời khi cấy 1 sào ruộng trong vòng 7 năm (từ 2007-2013). Về sau, năm 2008, xã đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với từng hộ riêng biệt, tuy nhiên, đến giờ vẫn còn 15 hộ chưa chấp nhận các phương án đề ra.
|
Sự việc Cụm công nghiệp Quang Trung biến tướng thành khu dân cư đang khiến dư luận bức xúc. |
Đối với sự việc cụm công nghiệp Quang Trung biến tướng thành khu dân cư, kết luận của đoàn thanh tra cũng thừa nhận rằng, cho đến hiện tại, trên địa bàn Cụm công nghiệp Quang Trung mới chỉ có 1 doanh nghiệp và 1 hộ gia đình sản xuất là có hợp đồng cho thuê, còn lại tất cả đều mới tạm giao đất và đã tự ý xây dựng.
Văn bản này lý giải: Việc một số hộ gia đình mới chỉ là tạm giao đất, chưa có hợp đồng thuê đất nhưng vì nhu cầu sản xuất họ đã xây dựng xưởng và ở lại xưởng để trông coi cũng như để sản xuất.
Tuy nhiên thực tế PV Kiến Thức ghi nhận thì nhà xưởng mà UBND huyện Vụ Bản nói đến trong báo cáo, thực chất là nhà ở kiên cố.
|
Những ngôi nhà ở được xây ngang nhiên, bề thế như thế này nhưng UBND huyện Vụ Bản vẫn dùng "xảo ngữ" để nói đây là nhà xưởng sản xuất. |
Không chỉ đánh tráo khái niệm trong việc xây nhà trái phép trên đất công nghiệp, kết luận thanh tra của UBND huyện Vụ Bản còn lý giải cho tình trạng mua bán đất công nghiệp trái phép một các rất thiếu thuyết phục.
"Do tình hình lạm phát, suy giảm kinh tế, khủng hoảng tài chính, nên một số hộ gia đình trước đây đã đăng ký thuê đất do không còn nhu cầu sản xuất đã tự ý chuyển diện tích đất của mình cho hộ khác và tự ý nhận tiền của hộ mới. Đó cũng là nguyên nhân gây ra việc chênh lệch giá đất khi nhiều hộ muốn chuyển sản xuất ra ngoài khu dân cư cũ như phải mua lại với giá rất cao, thông qua cò" - báo cáo nêu.
|
Đất công nghiệp bị mua bán trái phép 1 cách công khai. |
Báo cáo của đoàn kiểm tra thừa nhận, việc nắm bắt thông tin và kịp thời chấn chỉnh, khắc phục, xử lý các hộ tự ý chuyển nhượng đất trong Cụm công nghiệp Quang Trung của UBND xã còn hạn chế.
Nhưng hạn chế cụ thể ở đâu, như thế nào và cá nhân, tập thể và đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cho hàng loạt sai phạm trong việc để tình trạng xây nhà trái phép, mua bán đất công nghiệp diễn ra công khai; làm trái quy hoạch của tỉnh, chủ trương của Đảng, Nhà nước; chậm trễ giải quyết đền bù gây bức xúc cho nhân dân... thì báo cáo của huyện Vụ Bản lại không đề cập tới.
Mời quý vị độc giả xem video: Huyện Vụ Bản phù phép cụm công nghiệp thành khu dân cư
Thật vô lý khi cả loạt bài "Phù phép Cụm công nghiệp thành khu dân cư ở Vụ Bản" mà Kiến Thức phản ánh đã chỉ rõ rất nhiều sai phạm, và ngay trong báo cáo của huyện Vụ Bản cũng đã thừa nhận. Thế nhưng, huyện lại trả lời kiểu "hòa cả làng", và chẳng ai phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm đó cả.
Câu hỏi này, PV sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Nam Định để làm rõ.
Có dấu hiệu bao che, lấp liếm
Đó là lời khẳng định của luật sư Nguyễn Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Luật Đại Nam, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội về vụ việc.
Luật sư Tuấn nói: “Qua thông tin báo chí phản ánh, bà con không hề nhận được quyết định thu hồi đất. UBND xã Quang Trung nói rằng tạm thuê đất của họ đến năm 2013. Nhưng Báo cáo của Đoàn kiểm tra lại bảo rằng có quyết định thu hồi đất từ 2008, quyết định đền bù được công khai.
Tôi thấy nhiều người dân không nắm được cái đó, ở đây sự việc này hoàn toàn mâu thuẫn. Cũng như việc chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: Quyền lợi của những người dân đã bị thu hồi đất đã thực hiện đúng quy trình hay chưa và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho họ hay chưa?.
Thuật ngữ mà Đoàn kiểm tra của huyện Vụ Bản trả lời là tạm giao đất, theo như bà con phản ánh, nhiều hộ có nhu cầu sản xuất và muốn được ra đấy thì lại không được sắp xếp, vậy tạm giao đất cho ai? Và tạm giao theo hình thức nào? Có thu tiền không hay để Nhà nước thất thu trong sự việc này. Hay vì còn mục đích tư lợi cá nhân không mà lại tạm giao, sự việc này có gây sự thất thoát, lãng phí nguồn lực của xã hội, cụ thể ở đây là ngân sách của tỉnh, và mục tiêu về mặt kinh tế, chính trị đã không đạt được?"
|
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng có dấu hiệu bao che, lấp liếm sai phạm trong sự việc. |
Luật sư Tuấn nói thêm: "Mặt khác, mục đích sử dụng của cụm công nghiệp Quang Trung đã đảm bảo đúng hay chưa? Đảm bảo cho mục tiêu của tỉnh Nam Định khi phê duyệt thành lập cụm Công nghiệp Quang Trung là tạo điều kiện và quy tập những hộ làm nghề rèn đảm bảo môi trường cho cụm dân cư… Tất cả đều chưa hề có câu trả lời thỏa đáng”.
Ông Tuấn khẳng định, Báo cáo số 30/BC-UBND ngày 23/4/2019 có dấu hiệu của sự bao che, lấp liếm những sai phạm đã xảy ra tại Cụm công nghiệp Quang Trung.
Với việc quy hoạch, trước khi người ta có nhu cầu chuyển ra đó, thì phải cho thuê đất, chứ không phải là tạm giao đất. Nếu thuê đất thì phải xem xét xem người ta thuê và sử dụng đất vì mục đích gì. Khi không có nhu cầu nữa, thì phải trả lại cho đơn vị chủ quản chứ không phải là sang nhượng, chuyển cho người khác được. Điều đó cho thấy cách quản lý lỏng lẻo.
“Có sự buông lỏng quản lý dẫn đến việc người dân sử dụng đất sai mục đích, và tôi cho rằng kết luận thanh tra đó chưa thỏa đáng bởi vì không phản ánh đúng thực trạng. Cho nên việc này rất cần các cấp cao hơn phải vào cuộc, ở đây có 2 nội dung cần phải làm rõ, thứ nhất để trả lại đúng mục đích sử dụng đất, và để xử lý đúng những vi phạm, đạt được mục tiêu của UBND tỉnh. Thứ 2 là thông qua việc này, đoàn thanh tra trả lời như thế, thử hỏi đã làm hết trách nhiệm và làm đúng chưa? Ở đây nếu có dấu hiệu bao che cần phải xử lý.
Cách làm việc vẫn có dấu hiệu bao che, lấp liếm những việc sai phạm, nó sẽ đi ngược lại cái tôn chỉ mà Đảng và Chính phủ đang phát động.
Đoàn thanh tra chưa chỉ ra được cái sai khi sự việc đang gây xôn xao dư luận. Có sai thì phải có người chịu trách nhiệm với cái sai đó. Chưa nhìn nhận ra được cái sai thì chưa thể xử lý được, quy trách nhiệm cho những cá nhân hay tập thể nào vi phạm”, luật sư Tuấn tiếp lời.
Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.
Minh Hải