Ngày 11/10 vừa qua, nhóm phụ huynh Trường THCS Yên Nghĩa đột xuất kiểm tra việc giao nhận thực phẩm buổi sáng và chia khẩu phần ăn buổi trưa tại trường này.
|
Suất ăn lèo tèo vài món vài miếng dành cho học sinh Trường THCS Yên Nghĩa.
|
Cụ thể, trong ngày kiểm tra, có khoảng 500 học sinh đăng ký bán trú nhưng Cty TNHH Thương mại và chế biến suất ăn Hoa Sữa (Công ty Hoa Sữa), đơn vị cung cấp thực phẩm chỉ giao 29 kg cá rô phi; 12,5 kg giò nạc; thịt lợn 0,5 kg để nấu canh. Đối chiếu với bảng định lượng, phụ huynh phát hiện thiếu 3,5 kg cá rô phi, chưa kể cả 500 học sinh chỉ có 0,5 kg thịt để nấu canh là quá ít.
Cùng ngày, nhóm phụ huynh kiểm tra khẩu phần ăn của học sinh sau khi nhân viên bếp chia phần và ngỡ ngàng phát hiện mỗi suất ăn chỉ có vài món lèo tèo 4-5 miếng cá rô mỏng; 1 lát giò và khoai tây, ít cọng giá trong khay. Phụ huynh phản ánh, trước đó nhiều bữa ăn trường này cung cấp cũng xảy ra tương tự.
Có mặt tại cổng trường chiều 17/10, chị Trần Thị T. cho biết, gia đình có 2 con gái đang học lớp 7 và lớp 8 tại trường. Trước đây, con đi học về thường xuyên kêu thức ăn ít và bị đói. Tuy nhiên, do bận công việc nên chị chưa từng đến trường xem phần ăn của con ra sao cho đến khi thấy hình ảnh những suất ăn của phụ huynh chụp lại.
“Chúng tôi nộp 32.000 đồng/suất nhưng nhìn vào khay thức ăn ước chừng chỉ 15-18.000 đồng nếu mua lẻ ngoài thị trường. Thương nhất là nhiều bữa con bị đói. Sau đợt này, tôi sẽ cho cháu đạp xe về nhà, không ăn bán trú nữa”, chị T. nói.
Trước nhiều ý kiến bất bình của phụ huynh, Trường THCS Yên Nghĩa buộc phải tổ chức buổi đối thoại 3 bên giữa đại diện nhà trường, Công ty cung ứng thực phẩm và ban đại diện phụ huynh các lớp để giải trình rõ mỗi suất ăn thực tế đến học sinh giá bao nhiêu, đồng thời lắng nghe ý kiến phụ huynh.
Theo lý giải của bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa, mỗi suất ăn học sinh có giá 32.000 đồng nhưng trong đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 8% tương đương 2.560 đồng; giá nhân công 3.300 đồng; tiền điện nước 230 đồng; khấu hao tài sản 500 đồng; vệ sinh 320 đồng; lãi dự kiến của công ty 270 đồng. Tổng chi phí khác hết 7.180 đồng. Như vậy, mỗi suất ăn chỉ còn lại 24.800 đồng để chi mua thực phẩm.
Phụ huynh yêu cầu Công ty Hoa Sữa cung ứng thực phẩm làm rõ vấn đề thực phẩm thiếu hụt tại thời điểm kiểm tra cũng như công bố định lượng các bữa ăn hằng ngày để giám sát. Phía Công ty Hoa Sữa, người đại diện là ông Vũ Thanh Bình xin lỗi toàn thể phụ huynh và nói: “Công ty sẽ chịu trách nhiệm, có phương án bổ sung thực phẩm thiếu sang một ngày khác. Việc thiếu 3,5 kg cá rô phi là do đối tác giao hàng không đủ”, ông Bình nói.
Không chấp nhận các lý giải của Ban Giám hiệu nhà trường cũng như phía Công ty Hoa Sữa, một phụ huynh bức xúc nói: trong ngày 11/10, mỗi học sinh chỉ được ăn 65g cá, 25g giò, 80g khoai tây và cơm. Số lượng thực phẩm như vậy không phù hợp với mức chi phí 24.820 đồng”, phụ huynh yêu cầu Công ty Hoa Sữa nâng định lượng bữa ăn.
Sự việc ồn ào, cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, phía Công ty Hoa Sữa cung cấp thực phẩm giải quyết bằng cách cho đổi bếp trưởng, dừng mua hàng của đơn vị giao thiếu.
Tuy nhiên, phụ huynh đặt ra nhiều vấn đề trong đó có có nghi ngờ suất ăn bị cắt xén. Trường THCS Yên Nghĩa quyết định tạm dừng bếp ăn bán trú từ hôm nay (19/10) để chấn chỉnh các khâu.
Quy trình có kẽ hở
Trao đổi với PV, bà Hoàng Thị Thu Trinh cho biết, trong kế hoạch nhà trường đã có tổ phụ trách bán trú và phân công rõ việc ai nhận thực phẩm, ai lưu mẫu thức ăn. Việc này, nhân viên không làm một mình mà có đại diện ban giám hiệu trực cùng giám sát.
Tuy nhiên, trong ngày phụ huynh đột xuất kiểm tra, nhà trường chỉ có một nhân viên giao nhận. Đó là sơ suất và vì tin tưởng đối tác. Thừa nhận quy trình có kẽ hở, hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa cho rằng, sắp tới sẽ lắp thêm camera khu vực bếp ăn đồng thời yêu cầu nhân viên cân đong hằng ngày phải chụp ảnh gửi lại ban giám hiệu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, từ đầu năm học, sở đã yêu cầu các trường tổ chức ăn bán trú phải kiểm tra, rà soát điều kiện an toàn thực phẩm, đảm bảo quy trình bếp một chiều, tổng vệ sinh bếp ăn trước khi đưa vào sử dụng, không để xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.
Về nghi ngờ của phụ huynh, suất ăn ít món, học sinh thường xuyên bị đói, liệu có chuyện bớt xén khẩu phần ăn, bà Trinh nói rằng, hằng ngày ban giám hiệu giám sát chặt chẽ bằng việc chia nhau kiểm tra và ăn cùng học sinh. Nếu có vấn đề, trường sẽ có ý kiến ngay với nhà bếp.
“Đối với bếp ăn này, trường đã từng có ý kiến nhưng bếp trưởng thay đổi chậm, không đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông bà Phạm Thị Lệ Hằng cho biết, khi nhận được phản ánh đã có đoàn kiểm tra tại bếp ăn của trường. Thời điểm đoàn kiểm tra bếp ăn, thực đơn đúng như thông báo, thực phẩm đủ định lượng và không phát hiện sai phạm.
Theo Hà Linh/ Tiền Phong