Tòa án nhân dân quận 10 đã thụ lý đơn kiện của nguyên đơn là 60 phụ huynh học sinh tại các trường trong Hệ thống trường Dân lập quốc tế Việt Úc (thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt Úc - VAS) vào tháng 8.
Trong đơn kiện, các phụ huynh yêu cầu trường Việt Úc tính lại học phí trực tuyến là 30% trên tổng số tiết học quy đổi ra thành tuần và hoàn trả cho phụ huynh số tiền học phí học trực tuyến đã tính sai
Phụ huynh đề nghị trường trả lại số tiền học phí không sử dụng trong thời gian học không cần thiết từ ngày 1 đến 15/7.
|
Phụ huynh ký đơn ủy quyền luật sư kiện trường Việt Úc hồi tháng 7. Ảnh: M.N. |
Mới đây, luật sư Nguyễn Việt Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, đại diện phía bị đơn - Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt Úc (đơn vị sở hữu Hệ thống trường Dân lập Quốc tế Việt Úc) - đã có thư kiến nghị gửi Tòa án nhân dân quận 10.
Theo đó, luật sư Hà cho rằng các nguyên đơn kiện Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt Úc là sai đối tượng vì mỗi trường thuộc hệ thống này đều có pháp nhân độc lập. Luật sư Hà cũng đề nghị xem xét đại diện được nguyên đơn ủy quyền.
Luật sư của phía bị đơn cũng đề nghị tòa xét xử kín vụ án này với lý do vụ án có liên quan trực tiếp đến con của các nguyên đơn là học sinh nên cần xử kín để bảo vệ người chưa thành niên, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý các em. Ngoài ra, vụ án còn liên quan đến thông tin tài chính của trường.
Ngược lại, luật sư Nguyễn Japan, Đoàn luật sư TP.HCM, đại diện cho các phụ huynh Việt Úc khẳng định rằng các nguyên đơn đã khởi kiện đúng đối tượng, bị đơn trong vụ án này phải là “Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Việt Úc”.
Luật sư Nguyễn Japan cũng không đồng ý việc xét xử kín, đây cũng là nguyện vọng của những phụ huynh - nguyên đơn trong vụ kiện.
Ông cho biết, theo quy định tại khoản 2 điều 15 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì tòa án có thể xét xử kín”.
Theo vị luật sư này, căn cứ theo nội dung trên, nếu thấy cần thiết, các nguyên đơn sẽ tự mình yêu cầu với tòa án. Hơn nữa, nếu phía bị đơn quan tâm đến tâm lý của học sinh thì đã không ra các công văn không tiếp nhận học sinh tiếp tục theo học tại trường.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Japan cũng cho rằng thông tin trong vụ án chỉ liên quan đến biểu phí, cách tính học phí của trường vốn đã được công khai trên website, cũng như được công khai gửi đến phụ huynh có con học hoặc có ý định học tại trường. Do đó, nếu vụ án được xét xử công khai thì cũng không ảnh hưởng đến thông tin tài chính của VAS.
Do đó, ông cho rằng vụ án cần được xét xử công khai để làm tiền lệ. Vụ án này liên quan đến các bất đồng trong vấn đề tài chính, mà cụ thể ở đây là việc tính và thu học phí học trực tuyến trong giai đoạn dịch Covid-19 của các trường quốc tế được dư luận rất quan tâm. Vấn đề học và thu học phí trực tuyến cũng cần có quy định thống nhất và có tiền lệ vì có thể trong thời gian tới học trực tuyến sẽ là xu hướng.
Theo Zing