Phòng khám Trần Đức Minh bỏ mặc người gặp nạn: “Đánh rơi” y đức?

Google News

(Kiến Thức) - Dù lãnh đạo phòng khám Trần Đức Minh cho rằng các nhân viên y tế bỏ mặc người gặp nạn ngay trước phòng khám là xử lý tình huống kém, nhưng người dân cho rằng, đây là hành động “đánh rơi” y đức. 

Sáng 10/8, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 4 phút ghi lại hiện trường vụ tai nạn làm hai người bị thương nặng. Bên cạnh hiện trường là Phòng khám Trần Đức Minh (cách khoảng 20m).

Dù người dân chứng kiến sự việc đã chạy tới cầu cứu cho nạn nhân, nhưng nhân viên y tế phòng khám không hỗ trợ, dù xe cứu thương và bác sĩ, y tá đứng ngay đó.

Phong kham Tran Duc Minh bo mac nguoi gap nan: “Danh roi” y duc?
 Hiện trường cách phòng khám Trần Đức Minh 20m. 

Ngay sau khi clip được đăng tải lên mạng xã hội phản ánh vấn đề này, ông Trần Đức Minh, Giám đốc phòng khám đại diện lãnh đạo Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh thừa nhận việc bác sĩ và y tá không ra cấp cứu cho bệnh nhân là sai.

Theo vị này, thời điểm xảy ra vụ việc có nhiều yếu tố bất lợi cho phòng khám, khi không có mặt lãnh đạo. Tài xế xe cấp cứu cũng không có mặt, trong khi bác sĩ, y tá xử lý tình huống kém.

“Chúng tôi đã triệu tập cuộc họp khẩn để tiến hành kiểm điểm những nhân viên y tế có mặt thời điểm xảy ra tai nạn. Phòng khám đang làm tường trình để báo cáo với Sở Y tế” - Đại diện Phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh nói.

Lãnh đạo phòng khám Đa khoa Trần Đức Minh cũng cho biết thêm, đơn vị đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để tiến hành kiểm điểm những nhân viên y tế có mặt thời điểm xảy ra tai nạn. Sau khi họp đã ra quyết định tạm đừng chỉ công tác đối với một bác sĩ tên V.T.M.D và 3 nhân viên y tế liên quan đến việc thấy người gặp nạn không cứu.

Trước vấn đề trên, dư luận cho rằng, các y bác sĩ không cứu người trong clip xử lý tình huống kém, vi phạm lời thề Hippocrates về cứu người bệnh.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang hoành hành, hàng trăm y bác sĩ đã không quản ngại khó khăn, gian khó, nguy hiểm cũng như đi hàng trăm cây số để đến Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh có dịch để cứu người. 
Họ đã vui vẻ chia tay gia đình, để lại những đứa con thơ cần bố và mẹ, chia tay đồng nghiệp, cơ quan với lời hứa khi nào hết dịch sẽ về. 
Hàng ngày, hàng trăm cán bộ CDC không kể ngày đêm, mưa gió vẫn truy tìm các F nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Họ, những y bác sĩ hy sinh thầm lặng luôn khoác trên mình những bộ quần áo bảo hộ nóng bức, dẫn đến mất nước và kiệt sức nhưng không bỏ cuộc trong cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người dân.
Nếu so sánh những y bác sĩ đang gồng mình chống dịch COVID-19 với các y bác sĩ phòng khám Trần Đức Minh thờ ơ, quay mặt đi khi người bệnh cần giúp đỡ, chắc chắn bản thân những người bác sĩ, y tá và cán bộ làm y tế này sẽ tự cảm thấy hổ thẹn với tương tâm.
Bình luận về vấn đề này, BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Bệnh viện Thành An cho rằng, những nhân viên y tế không cứu người khi gặp tai nạn, nhất là khi họ có điều kiện là cơ sở vật chất của phòng khám, xe cứu thương... thể hiện sự vô cảm, thờ ơ trước nguy hiểm tính mạng, sức khỏe của người khác.
Hành vi này cần lên án nhằm xây dựng nền y tế nhân văn hơn như Nhà nước và Bộ Y tế nước ta đang hàng ngày xây dựng. 
Không những thế, nhưng y bác sĩ này vi phạm nghiêm trọng lời thề Hippocrates trong việc cứu người bất kể họ là ai, điều kiện thế nào, cứu người không vụ lợi. Nhưng với hoàn cảnh này, không phải họ ứng xử kém mà là y đức của họ có vấn đề. 
Vị bác sĩ này nhấn mạnh, nếu là những người bác sĩ kia, bản thân ông sẽ cảm thấy tự trách bản thân và xấu hổ. Không chỉ khi đất nước đang gồng mình chống dịch, mà ngay cả khi bình yên, hành động thờ ơ của người làm ngành y luôn bị lên án.
"Mỗi người bác sĩ, y tá chúng tôi luôn phải học hỏi, trau dồi và bồi dưỡng không chỉ về tay nghề mà cả y đức, nhân cách sống, sự chia sẻ, cảm thông. Chính vì thế, không chỉ trong bệnh viện, khi ra ngoài xã hội người dân vẫn có thể thấy chúng tôi giúp đỡ người bệnh dù không khoác trên mình áo blue trắng" - BS Phạm Thái Nguyên cho hay. 

 


 

Hà Trang