Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến khắc phục hậu quả mưa lũ ở các tỉnh miền Trung và ứng phó với cơn bão số 7 – Sarika.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng, trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường bày tỏ quan ngại: “Việc ứng phó với cơn bão số 7 đúng lúc các tỉnh miền Trung đang khắc phục hậu quả nặng nề do mưa lũ sau áp thấp nhiệt đới gây ra”.
Nói về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ 4 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Các địa phương cần tiếp tục tập trung giải quyết những điểm còn ngập úng cục bộ tại khu dân cư, tuyến giao thông; những diện tích ngập sâu, rộng sau khi nước rút cần xử lý môi trường ngay, đảm bảo nước sạch cho người dân, vệ sinh chuồng trại, tránh dịch bệnh; tiếp tục tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích, tổ chức hỗ trợ, động viên kịp thời, không để người dân thiếu đói”.
|
Mưa lũ gây thiệt hại lớn cho các tỉnh miền Trung. |
Về ứng phó với bão Sarika, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Bão số 7 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rất rộng trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh. Do vây, việc ứng phó với cơn bão số 7 đặt ra những tình huống hết sức phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc quyết tâm ở mức cao nhất của tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương, nhằm chủ động và hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, sản xuất của nhà nước và nhân dân”.
“Các tỉnh ven biển từ Khánh Hòa - Quảng Ninh theo dõi sát cơn bão, kiên quyết, kiên trì cảnh báo thông tin nguy hiểm đến ngư dân, rà soát hoạt động du lịch trên các đảo, tàu thuyền; các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đa số đã đầy nước, cần rà soát, kiểm tra, có phương ứng phó, vận hành đảm bảo an toàn; các đô thị cũng cần có phương án giảm thiểu ngập lụt; vùng miền núi cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Định Dũng chỉ đạo: “UBND các tỉnh, thành phố từ Khánh Hòa đến Quảng Ninh theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, hoặc thoát ra khỏi, không đi vào khu vực nguy hiểm; Kiểm đếm, quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền, kể cả các tàu vận tải, tàu du lịch; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, tùy theo tình hình diễn biến cụ thể của bão chủ động việc cấm biển, di dời người dân khỏi những nơi xung yếu.Tổ chức kiểm tra an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, vận hành cửa van, xả nước đón lũ đảm bảo an toàn đập, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các đập xung yếu; Rà soát các khu nuôi trồng thủy sản, dân cư tại những vùng thấp trũng có nguy cơ ngập lụt ven sông, ven biển để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn; đồng thời chỉ đạo việc chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây và triển khai phương án đảm bảo an toàn các hầm lò, bến cảng, khu du lịch; riêng đối với các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế (đang xảy ra lũ lụt): Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các công điện số 1826/CĐ-TTg và số 1827/CĐ-TTg ngày 15/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ ngành là thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương sẵn sàng, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để ứng phó và khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ”.
|
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc họp khắc phục hậu quả mưa lũ và ứng phó bão số 7 (Ảnh: Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai).
|
Như Kiến Thức đã đưa tin, mưa lũ miền Trung đã để lại những thiệt hại nặng nề. Thống kê của Văn phòng thường trực ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ ngày 13/10 đến sáng 16/10, mưa lớn làm mực nước lũ trên các sông lên nhanh, nhiều sông tại Hà Tĩnh và Quảng Bình lên mức xấp xỉ lũ lịch sử, gây ngập úng diện rộng, nhiều tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông bị ngập sâu, đường sắt Bắc-Nam đi qua khu vực tỉnh Quảng Bình đã bị ngập nhiều đoạn, cản trở, ách tắc giao thông tuyến đường huyết mạch của đất nước; thiệt hại bước đầu tính đến ngày 16/10 bao gồm: 21 người chết (Nghệ An 02 người, Hà Tĩnh 02 người, Quảng Bình 15 người, Huế 02 người); 08 người mất tích (Hà Tĩnh 01 người, Quảng Bình 07 người); 18 người bị thương (Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 03 người, Huế 02 người); Tổng số nhà ngập, hư hỏng 100.383 nhà.
Trong khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương, sáng 16/10, bão Sarika đã vượt qua đảo Lu dông đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 7 năm 2016. Hồi 10 giờ ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 750km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 16. Dự báo trong khoảng 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 10 giờ ngày 17/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 114,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 16-17.Vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên): phía Bắc Vĩ tuyến 140N và phía Đông Kinh tuyến 111.50E. Vùng gió mạnh từ cấp 8 trở lên phía Bắc Vĩ tuyến 150N và phía Đông Kinh tuyến 112.50E. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cơn bão số 7 có cường độ mạnh, diễn biến phức tạp có khả năng gây mưa lớn trên diện rộng dự kiến sẽ đổ bộ vào các tỉnh từ Khánh Hòa trở ra, sẽ tạo ra những thách thức lớn đối với chính quyền và người dân các tỉnh nói chung và các tỉnh miền Trung nói riêng trong việc đối phó với bão và mưa lũ trong tình trạng “bão chồng bão”.
Hải Ninh