Sáng 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn so với báo cáo ở kỳ họp Quốc hội trước.
Chẳng hạn, GDP tăng 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); thu NSNN năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng (cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội)…
Điều này phản ánh sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt trong những tháng cuối năm để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, trong thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng nặng nề trên nhiều lĩnh vực, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động kép" từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm.
Chúng ta vừa phải thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao; vừa phải tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài và kịp thời ứng phó với những vấn đề cấp bách, mới phát sinh.
Bối cảnh đó đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở.
Sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%. Đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải… Thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Chủ động rà soát điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, còn thiếu vốn.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư để đẩy nhanh triển khai dự án.
“Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH trong thời gian tới là rất nặng nề; đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần đổi mới sáng tạo, tự lực, tự cường, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mời quý độc giả xem video Tân Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ cảm xúc đầu tiên bên hành lang Quốc hội.