Sáng 4/8, sau khi kiểm tra một số cơ sở cách ly, khu phong tỏa, điểm tiêm chủng ở Hà Nội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) chủ trì cuộc làm việc với Sở Chỉ huy phòng chống dịch thành phố Hà Nội.
Theo Phó thủ tướng, Hà Nội đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng vẫn trong tâm thế bình tĩnh và chủ động. Vì vậy, những gì cần thiết thì phải làm ngay, chuẩn bị ngay.
“Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở TP.HCM và một số tỉnh nhưng cũng phải chuẩn bị cho tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ, lúng túng”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Triệt để giãn cách, khoanh vùng dứt điểm những ổ dịch lớn
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Thành phố phải kiên trì, thực hiện nghiêm phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực”.
Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải làm mạnh, triệt để hơn; việc thực hiện Chỉ thị 16 phải thật chặt, thật nghiêm, triệt để giãn cách giữa người với người, gia đình với gia đình, đặc biệt trong các khu vực phong tỏa, cách ly, không để “ngoài chặt, trong lỏng”.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Anh ninh Thủ đô.
|
Khi triển khai các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly để khoanh vùng, làm sạch các ổ dịch, Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện khẩn trương, “làm đến đâu chắc đến đó”, xử lý dứt điểm, nhằm mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh) vững chắc, khoanh gọn những ổ dịch lớn, từng bước đưa vùng nguy cơ cao, rất cao về mức thấp hơn và dần an toàn trở lại.
“Từng khu, từng cụm phát động người dân giữ vùng xanh. Đây là một trong những chìa khoá để kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, ông Đam nói.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của xét nghiệm, Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội rà soát năng lực, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt ông yêu cầu trong vòng 48 giờ nữa, Hà Nội phải liên thông kết quả xét nghiệm, huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia.
“Hà Nội phải xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang”, Phó thủ tướng quán triệt. Ông gợi ý nơi có nguy cơ cao cần “quét” bằng xét nghiệm nhanh, 3 ngày/lần hoặc dùng mẫu gộp, lấy mẫu đại diện gia đình để tăng tốc thành 1 ngày/lần. Song, điểm cốt yếu nhất vẫn là làm nghiêm giãn cách trong khu phong tỏa, cách ly.
Trong công tác điều trị, phân tầng điều trị, thành phố Hà Nội phải chuẩn bị nhanh, thiết lập hệ thống oxy tại cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân có triệu chứng để giảm tối đa số chuyển sang có dấu hiệu chuyển nặng. Thành phố cần có phương án chuẩn bị bệnh viện đa khoa (có khoa hồi sức cấp cứu tốt) chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19; đảm bảo vật tư, trang thiết bị điều trị cho các bệnh viện...
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc Hà Nội cần có phương án chuẩn bị bệnh viện đa khoa (có khoa hồi sức cấp cứu tốt) chuyên điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Ảnh: An ninh Thủ đô.
|
Đối với việc đảm bảo phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, Phó thủ tướng cho biết về nguyên tắc trong thời gian ngắn phải làm rất nghiêm nhưng khi kéo dài phải điều chỉnh, mở rộng khái niệm hàng hóa thiết yếu trên cơ sở tổ chức được lực lượng vận chuyển hàng, giao hàng đến từng hộ gia đình mà vẫn an toàn.
Dịch trong tầm kiểm soát nhưng nguy cơ rất cao, khó lường
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27/4 đến nay) Hà Nội có 1.429 ca bệnh, trong đó có 864 ca cộng đồng, 565 ca đã được cách ly từ trước.
Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường, vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với Sở Chỉ huy phòng chống dịch thành phố Hà Nội. Ảnh: VGP.
|
Công tác chủ động rà soát, giám sát người ho, sốt ngoài cộng đồng đã giúp phát hiện nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với nhiều ca mắc, nguy cơ lây nhiễm trong chuỗi cung ứng.
Về việc triển khai tiêm vaccine, đến nay, Hà Nội được phân bổ tổng số 959.820 liều. Ở đợt 6, đợt 7, thành phố tiếp nhận 626.320 liều và đã tiêm được 660.149 liều (105%). Cộng dồn các đợt tiêm đến nay, thành phố đã tiêm 871.555 mũi cho 812.100 người.
Để tăng cường, quyết liệt hơn nữa biện pháp phòng chống dịch, Hà Nội sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ người dân ra khỏi nhà; các quận, huyện, thị xã tiếp tục kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, kể cả cơ quan Trung ương.
Bên cạnh đó, Hà Nội đang tận dụng tối đa những ngày giãn cách để truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; cách ly triệt để người liên quan, dập tắt nhanh nhất ổ dịch mới.
Đồng thời, thành phố tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm vaccine tiến tới tiêm chủng cho toàn dân khi lượng vaccine được phân bổ nhiều.
Theo Hoài Thu/Zing