|
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi.
|
Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi để hiểu hơn về những khó khăn, vất vả, sự cống hiến của đội ngũ những người làm báo trong bối cảnh dịch Covid-19.
Hy sinh cống hiến cho nghề
Thưa ông, chương trình VTV Đặc biệt với chủ đề “Ranh giới” phát sóng ngày 8/9 gây xúc động với khán giả truyền hình với những hình ảnh chân thực, đặc sắc về đội ngũ y bác sĩ. Để có được những hình ảnh đó, đội ngũ phóng viên, nhà báo đã phải cống hiến, dấn thân vào nơi nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao. Ông đánh giá thế nào về sự xả thân với nghề của các phóng viên, nhà báo?
- Bộ phim trong chương trình VTV Đặc biệt “Ranh giới” là bộ phim gây xúc động sâu sắc và đã truyền cảm xúc mạnh mẽ trong xã hội về tinh thần quả cảm, cống hiến, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng tại Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh) và Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 16, phường Phú Nhuận, quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Có thể nói, thông qua những hình ảnh của bộ phim, người xem trực tiếp chứng kiến một cuộc chiến đấu vô cùng quyết liệt của y bác sĩ, hộ lý như ngay trước mắt mình để giành giật sự sống cho các sản phụ ở lằn ranh sinh tử. Trong thời khắc nguy nan giữa cuộc sống và cái chết, đội ngũ y bác sĩ đã chắt chiu từng giây phút một để giành giật hơi thở cho bệnh nhân như hành động đặt nội khí quản trên giường bệnh. Qua đó, người xem cảm nhận như bác sĩ đang truyền hơi thở của chính họ cho bệnh nhân.
Chúng ta thấy, đội ngũ y bác sĩ không chỉ cứu chữa cho bệnh nhân mà còn cả những hành động chăm sóc, động viên người bệnh, hướng dẫn người bệnh cách thở, cách trở mình, đặc biệt là cách vỗ về và trực tiếp bón cháo cho bệnh nhân. Những hành động đó không chỉ là giữa bác sĩ với bệnh nhân mà còn như là của những người ruột thịt dành cho nhau.
|
Ê-kíp sản xuất phim ''Ranh giới'' trong quá trình tác nghiệp. Ảnh: VTV
|
Từ đó, chúng ta hình dung ra một cuộc chiến đấu không chỉ ở Bệnh viện Hùng Vương mà là cuộc chiến đấu ở quy mô lớn hơn ở TP Hồ Chí Minh. Ở đó, tinh thần cống hiến, hy sinh của đội ngũ y bác sĩ tại TP Hồ Chí Minh và lực lượng được chi viện từ Hà Nội và các thành phố khác để hỗ trợ cho TP Hồ Chí Minh đang diễn ra với cấp độ hết sức khẩn trương.
Chúng ta vô cùng biết ơn, cảm phục, đánh giá cao đội ngũ những người làm báo ở VTV đã thực hiện một phóng sự vô cùng chân thực về cuộc chiến đấu để cứu chữa người bệnh ở Bệnh viện Hùng Vương. Qua bộ phim, mọi người đều biết, ở tuyến đầu chống dịch không chỉ có y bác sĩ mà còn có những người làm báo. Từng thước phim ghi lại được một cách chân thực, đồng nghĩa với việc phóng viên phải bám trụ tuyến đầu, trận địa chống dịch như y bác sĩ. Trong đó, đội ngũ y tế dùng kiến thức y khoa của mình để chữa bệnh, còn nhà báo dùng nghiệp vụ báo chí để phản ánh cuộc chiến đấu này. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và giới báo chí cả nước rất tự hào có những hội viên, nhà báo đã nêu cao phẩm chất của các nhà báo - chiến sĩ ở trên mặt trận gian nguy này.
Nhiều khán giả nhận xét, phim đã lột tả chân thực nhất sự nguy hiểm, lằn ranh giữa sự sống và cái chết của dịch bệnh Covid-19. Phim như một lời cảnh báo và có giá trị tuyên truyền lớn cho người dân trong việc chấp hành các quy định chống dịch. Ông có cùng quan điểm như vậy với khán giả?
- Bộ phim được hoàn thành và phát sóng vào thời điểm cả đất nước đang hướng về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với những thông tin kịp thời, chân thực, bộ phim đã có sức truyền cảm mạnh mẽ, gây xúc động sâu sắc trong dư luận xã hội vào thời điểm này để củng cố thêm quyết tâm, ý chí vượt qua khó khăn, thách thức để chiến thắng dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Báo chí vào cuộc tích cực
Thời gian qua, đã có nhiều tác phẩm truyền hình chất lượng về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các tác phẩm này?
- Bộ phim “Ranh giới” được phát sóng vào đúng thời điểm Đài Truyền hình Việt Nam đang kỷ niệm 51 năm Ngày thành lập. Cùng với hàng nghìn tác phẩm báo chí khác được phát sóng trong thời gian qua, tác phẩm xuất sắc này đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Đài Truyền hình Việt Nam. “Ranh giới” không chỉ đã thể hiện ngời sáng tinh thần dấn thân, quả cảm, bám sát trận địa chống dịch mà còn thể hiện rõ tinh thần lao động sáng tạo và tính chuyên nghiệp của nhóm tác giả. Có thể nói, tính tư tưởng của tác phẩm được truyền đi rất sâu sắc, hiệu ứng xã hội rất tích cực.
Bên cạnh tác phẩm “Ranh giới”, gần đây Đài Truyền hình Việt Nam còn có nhiều tác phẩm truyền hình xuất sắc khác như “Chuyện ở thành phố thức” ghi lại hình ảnh sống động về một bệnh viện dã chiến; VTV9 có phóng sự nhiều kỳ “Đi qua miền chống dịch” đề cập đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở phạm vi rộng hơn, giúp khán giả hình dung được cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay…
Thay mặt lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an đến tất cả lực lượng phóng viên cả nước đang tác nghiệp ở nơi gian khổ, nguy hiểm nhất của mặt trận chống dịch để có nhiều tác phẩm xuất sắc, góp phần xứng đáng vào cuộc chiến chống Covid-19 trên cả nước.
Thưa ông, đội ngũ phóng viên, báo chí cả nước đang nỗ lực tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên cả nước. Đối với đội ngũ báo chí Thủ đô, ông nhận xét như thế nào về công tác tuyên truyền, phòng chống dịch Covid-19?
- Trận chiến chống dịch hiện nay không chỉ diễn ra quyết liệt ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, mà ngay cả tại Thủ đô Hà Nội, chúng ta đang thực hiện những biện pháp rất mạnh mẽ để khoanh vùng chống dịch. Chúng ta cố gắng thực hiện các vùng đỏ, vùng cam, vùng xanh theo một cách thức phù hợp. Để từ đó nỗ lực thu hẹp vùng đỏ, mở rộng hơn vùng xanh, dần dần đưa cuộc sống trở lại bình thường ở Thủ đô.
Tôi thấy để tham gia vào cuộc chiến này, trên địa bàn Hà Nội, lực lượng của các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội vào cuộc rất tích cực và hiệu quả, trong đó có báo Kinh tế & Đô thị. Tôi tình cờ được chứng kiến cuộc họp giao ban của một ban trong báo Kinh tế & Đô thị họp từ 21 giờ đến hơn 22 giờ, các ý kiến trao đổi của các thành viên rất sôi nổi, trách nhiệm. Tôi tin tưởng rằng, từ các cuộc họp như vậy sẽ có những tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ cho công cuộc chiến đấu chống dịch.
Xin cảm ơn ông!
"Chúng ta vô cùng biết ơn, cảm phục, đánh giá cao đội ngũ những người làm báo ở VTV đã thực hiện một bộ phim, phóng sự vô cùng chân thực về cuộc chiến đấu để cứu chữa người bệnh ở Bệnh viện Hùng Vương. Qua bộ phim, mọi người đều biết, ở tuyến đầu chống dịch không chỉ có y bác sĩ mà còn có những người làm báo." - Nhà báo Hồ Quang Lợi
Theo Lại Tấn/Kinh tế và Đô thị