Phó Chi cục Hải quan gây tai nạn bỏ chạy, đạo đức tệ hại, xử lý nghiêm

Google News

(Kiến Thức) - Phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu gây tai nạn rồi bỏ chạy nhưng bị người dân đuổi theo chặn lại, giao công an xử lý. Sự việc diễn ra khiến nhiều người bức xúc, yêu cầu cần xử lý nghiêm với những người đạo đức tệ hại này. 

Khoảng 16h30 ngày 26/6, ông Mai Như Vệ, 54 tuổi, phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước, lái xe Honda CR-V trên đường ĐT759, hướng từ huyện Bù Đốp đi TP HCM.

Pho Chi cuc Hai quan gay tai nan bo chay, dao duc te hai, xu ly nghiem
Ông Mai Như Vệ tại hiện trường. Ảnh cắt từ video.  

Khi đến khu vực thôn Bình Tân, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, xe này tông trực diện vào xe máy do chị P.T.N., 36 tuổi, ngụ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, cầm lái chạy hướng ngược lại.

Chị N. ngã văng ra đường, bị thương nặng phải nhập viện cấp cứu. Sau khi gây tai nạn, ông Vệ tiếp tục phóng xe đi nhưng chạy được khoảng 5km thì bị một số người dân đuổi theo chặn lại. Người dân đã gọi điện thoại báo công an. Công an huyện Bù Gia Mập xác định ông Vệ vi phạm về nồng độ cồn trong lúc lái xe.

Anh Nguyễn Văn Hà (Hà Tĩnh), một người từng bị tai nạn giao thông và người gây tai nạn bỏ trốn sau khi đâm, bức xúc cho biết, anh được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu sau 2 giờ đồng hồ, rất may đã qua khỏi.

Tuy nhiên di chứng để lại là một bên chân anh bị teo. Bác sĩ cho hay, nếu muộn hơn, anh có thể đã tử vong do mất máu nhiều, suy hô hấp.  Nếu được cấp cứu sau tai nạn, khả năng chân anh có thể được điều trị và trở lại bình thường.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt.

Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu.

Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương. Nâng cao chất lượng sơ, cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ TNGT.

Tuy nhiên, thực tế khi TNGT xảy ra, thông thường những người đầu tiên tiếp xúc với nạn nhân lại rất thiếu các kỹ năng cần thiết để sơ cứu kịp thời.

Vì thế, theo các chuyên gia, việc gây tai nạn rồi bỏ trốn như trường hợp ông Mai Như Vệ, 54 tuổi, phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước là một hành vi đáng lên án.

Pho Chi cuc Hai quan gay tai nan bo chay, dao duc te hai, xu ly nghiem-Hinh-2
Hành vi bỏ trốn của ông Mai Như Vệ cần xử lý nghiêm. 

Hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn, không đưa người bị nạn đi cấp cứu có thể làm mất đi cơ hội sống, điều trị kịp thời dẫn đến họ có những thương vong hay di chứng là một hành vi thiếu đạo đức, xuống cấp về nhân cách. Đặc biệt, ở vai trò là một người lãnh đạo, hành động này càng đáng bị phê phán.

Ngoài ra, hành vi bỏ trốn sau khi gây tai nạn của ông Vệ có thể lý giải một điều khác, chính là ông muốn trốn tránh, vô hiệu hóa các tội danh khác người điều khiển không được vi phạm đó chính là sử dụng rượu bia, có nồng độ cồn.

Bởi, sau khi bỏ trốn sau một thời gian, nồng độ cồn có thể giảm, vì thế hành vi gây tai nạn giao thông của ông Vệ sẽ giảm xuống. Điều này đồng nghĩa ông “né” được hành vi vi phạm điều khiển phương tiện gây TNGT nghiêm trọng khi có nồng độ độ cồn trong máu.

Theo chuyên gia tâm lý, xã hội học Thạc sĩ Nguyễn Hồng Vân, Trung tâm tư vấn tâm lý Ánh sáng,  trường hợp ông Mai Như Vệ, phó Chi cục hải quan cửa khẩu Hoàng Diệu, Cục Hải quan tỉnh Bình Phước bỏ trốn sau khi gây tai nạn trong khi tình trạng chị N. bị thương nặng cần phải nghiêm khắc xử lý. Đây là hành động xuống cấp của đạo đức cán bộ, sự tệ hại về nhân cách, không có sự tương thân tương ái.

Vì thế, ngoài việc pháp luật xử lý theo các vi phạm giao thông như gây tai nạn và bỏ chạy, có sử dụng rượu bia khi lái xe thì trường hợp bỏ trốn, cần có các với các tình tiết tăng nặng khi không dừn lại, đưa người bị nạn đi cấp cứu.  

 


Hà Trang