|
Ông Nguyễn Hải Nam |
Sau khi được cấp giấy bào chữa, LS Lưu Vũ Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) bào chữa cho ông Nguyễn Hải Nam cho biết đã tiếp xúc với ông Nam tại trại giam. LS Vũ Anh nói: “Tình hình sức khỏe, tinh thần ông Nam ổn định. Trong một ngày làm việc, ông Nam cung cấp một số thông tin riêng cho luật sư nhưng chúng tôi chưa thể công bố do quá trình điều tra. Ông Nam chấp nhận tôi là luật sư bào chữa. Ông Nam nói hành vi của ông không thể bị xử lý hình sự nói chung; và không cấu thành tội danh “Xâm phạm chỗ ở của người khác” nói riêng. Ông Nam yêu cầu CQĐT khi làm việc với ông phải có mặt của luật sư và phải được ghi âm, ghi hình. Nếu không có luật sư, không ghi âm ghi hình, ông sẽ giữ quyền im lặng cho đến khi ra tòa”.
Theo LS Vũ Anh, những yêu cầu của ông Nam là đúng luật. “Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 1/2/1018 đã hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/3/2018. Việc ghi âm, ghi hình sẽ hạn chế được bức cung, nhục hình, oan sai và những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; đảm bảo sự minh bạch, quyền công dân, quyền con người trong hoạt động tố tụng hình sự; để từ đó việc giải quyết vụ án được khách quan. Bên cạnh đó sẽ hạn chế việc phản cung”.
“Mặc dù Bộ Công an thống nhất đến 1/1/2020 mới triển khai trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên đó là việc bắt buộc phải làm. Còn ở đây, ông Nam yêu cầu theo đúng Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và Thông tư số 03/2018”, LS Vũ Anh nêu.
LS Vũ Anh giải thích, kể từ ngày có luật sư tham gia bào chữa thì việc lấy lời khai của ông Nam phải có sự chứng kiến của luật sư. Toàn bộ những lời khai từ thời điểm có luật sư mà không có sự tham gia của luật sư là vi phạm pháp luật.
Vẫn theo LS Vũ Anh, ông khá ngạc nhiên khi hồ sơ sự việc vẫn còn ở CQĐT công an quận 1, dù sự việc đã được phân tích là không thuộc thẩm quyền của cơ quan này. “Nhận đơn tố giác, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nam chỉ vỏn vẹn 6 ngày. Nhưng đến nay đã 10 ngày vẫn không chuyển hồ sơ dù không thuộc thẩm quyền điều tra. Tại sao có điều đó? Trong những ngày tới tôi sẽ có đơn đề nghị trả tự do cho ông Nam”, LS Vũ Anh nói.
Trong các số báo trước, PLVN đã có các bài phân tích về chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật và căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm có phải chỗ ở hợp pháp của bà Thảo hay không? Sau khi báo đăng, một số chuyên gia pháp luật tiếp tục nhận định khía cạnh pháp lý vụ việc, trong đó có ông Hirota Fushihara, Tiến sĩ thực hành pháp luật tại Nhật, Cử nhân Luật Đại học Luật Hà Nội.
Ông Hirota Fushihara nói: “Đến nay chưa xác định được ai là chủ sở hữu căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm vì đang tranh chấp tại tòa. Việc tranh chấp này là dân sự, tòa án mới có quyền tuyên bố căn nhà này của bà Thảo hay bà Chi. Ngoài ra chưa xác định được có những ai khác có quyền sử dụng hợp pháp (thuê hoặc mượn) với căn nhà đó hay không?”.
“Khi mà quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng nhà còn chưa được xác định là của ai thì không thể khởi tố, bắt giam ông Nam và ông Tùng về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”. Bởi đó là vấn đề tranh chấp dân sự, cần phải giải quyết theo cơ chế tranh chấp dân sự. Cơ quan hình sự không được phép can thiệp. Phải nhấn mạnh rằng, trong vụ án này vì đang tranh chấp dân sự nên công an không có thẩm quyền đưa ra biện pháp quyền lực liên quan đến quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng nhà này. Từ đó tôi cho rằng không đủ căn cứ để khởi tố, bắt tạm giam ông Nam và ông Tùng về tội “Xâm phạm chỗ ở của người khác”, chuyên gia pháp luật Hirota Fushihara nói.
“Mớ bùng nhùng” liên quan căn nhà số 29
Theo hồ sơ, căn nhà được cấp phép xây dựng số 205/GPXD ngày 27/4/2017 do UBND quận 1 cấp. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, căn nhà bị phát hiện xây dựng sai so với giấy phép nên ngày 20/11/2017 Đội Thanh tra địa bàn quận 1 – Thanh tra Sở Xây dựng lập Biên bản số 35/BB-VPHC yêu cầu ngưng thi công.
Ngày 21/11/2017 Chủ tịch UBND phường ĐaKao ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng với căn nhà. Ngày 23/11/2017, Thanh tra Sở Xây dựng ra Quyết định 1761/XPVPHC xử phạt hành chính về việc vi phạm xây dựng và yêu cầu bà Chi tự tháo dỡ diện tích vi phạm.
Sau đó Thanh tra ra Quyết định số 153/QĐ-CCXP ngày 18/1/2018 cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, việc cưỡng chế không được tiến hành, công trình vẫn tiếp tục được xây dựng. Đến ngày 29/11/2018, Đội thanh tra địa bàn quận 1 tiếp tục lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng với căn nhà. Ngoài phần vi phạm đã bị xử phạt nhưng chưa khắc phục trước đây, lần này công trình tiếp tục phát sinh khối lượng vi phạm so với nội dung giấy phép. Lần này bà Chi bị xử phạt 37 triệu và buộc tháo dỡ phần công trình vi phạm.
Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng bà Chi không thực hiện tháo dỡ nên ra Quyết định 262/QĐ-CCXP ngày 24/1/2019 cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Quyết định này nêu rõ thời gian thực hiện 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
Tuy nhiên, không hiểu tại sao Quyết định cưỡng chế trên không được thực hiện và công trình vẫn tiếp tục hoàn thiện gồm cả phần sai phép. Đến nay công trình không thể hoàn công. Trong tất cả các quyết định nói trên, đều ghi rõ bà Hoàng Trọng Anh Chi là người vi phạm và chịu trách nhiệm, không có tên bà Hoàng Thị Thu Thảo.
Do công trình không thể hoàn công, tháng 4/2018 bà Thảo kiện bà Chi đến TAND quận 1 đòi 7 tỷ tiền cọc, phạt cọc 7 tỷ, cùng số tiền đã đưa để hoàn thiện công trình là hơn 1,8 tỷ; tổng cộng 16,2 tỷ. Đến tháng 10/2018, TAND quận 1 ra Quyết định 123 tạm đình chỉ giải quyết vụ án do “cần đợi kết quả thu thập chứng cứ của UBND quận 1”. Đến nay vụ án chưa được mở lại.
Theo Yên Tâm/Báo Pháp Luật