Chiều 18/8, nguồn tin của GD&TĐ cho hay, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình đã ký quyết định của Tỉnh ủy. Trong quyết định mới ký, ông Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình không còn tên trong danh sách Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực của tỉnh này.
|
Ông Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình |
Được biết, quyết định số 688-QĐ/TU, được ký bởi bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh Ninh Bình.
Quyết định này được ký về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình. Theo đó, ông Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn trong danh sách Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình.
Cũng theo quyết định đã ký trên, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình sau khi được kiện toàn gồm 14 thành viên, trong đó bà Nguyễn Thị Thu Hà - Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình giữ chức Trưởng ban.
Các Phó trưởng ban gồm: ông Lưu Danh Tuyên - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy (Phó Trưởng Ban Thường trực); ông Mai Văn Tuất - Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; ông Tô Văn Từ - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh ủy và ông Giám đốc Công an tỉnh. Ngoài ra, còn có 9 ủy viên khác.
Ông Trần Hồng Quảng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình không còn nằm trong danh sách Ban Chỉ đạo so với Quyết định số 655-QĐ/TU về việc thành lập Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình ngày 30/6/2022.
Như vậy, sau khi kiện toàn, Ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Ninh Bình giảm 1 người và giảm 1 Phó ban.
Trước đó như GD&TĐ phản ánh, trả lời báo chí sau Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về vấn đề vì sao ông Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình bị kỷ luật đảng nhưng vẫn được làm Phó Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ninh Bình? Ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Cần phải xem lại quyết định thành viên Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ninh Bình.
Phải rà lại việc vi phạm của ông Trần Hồng Quảng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực tỉnh Ninh Bình giải trình về vấn đề này trong thời gian tới.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học dẫn lời Tổng Bí thư khẳng định, những người được lựa chọn vào Ban chỉ đạo phải tiêu biểu, gương mẫu, có tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Với tinh thần này, "không phải vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn về sự gương mẫu, liêm khiết". Do đó, với những người đã tham gia Ban Chỉ đạo mà bây giờ mới bị phát hiện sai phạm, khuyết điểm thì sẽ phải xử lý, sau khi xử lý thì chắc chắn phải đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo. Quan trọng là "không bao che, giấu giếm, sai đến đâu xử lý tới đó".
Theo Thiều Khang/Giáo dục & Thời đại