Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Google News

Nếu để môi trường bị ô nhiễm, sau này có hàng chục tỷ USD cũng không khắc phục được. Do đó, công tác phòng chống sớm, hiệu quả về ô nhiễm môi trường là quan trọng nhất.

Đất nước ta sau gần 40 năm đổi mới (1986 – 2024), kinh tế phát triển đáng khích lệ, đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế của Việt Nam ngày càng được đề cao trên trường quốc tế.
Trong mấy năm gần đây, Việt Nam đã vượt qua đại dịch COVID-19 và từng bước khắc phục một cách hiệu quả đi tới ổn định và phát triển và có nhiều triển vọng sáng sủa được các nước ghi nhận. Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong 30 nền kinh tế lớn của thế giới, những thành quả đã đạt được dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành và sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp cùng mọi người dân.
Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là vấn đề phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường của đất nước.
Phat trien kinh te phai di doi voi bao ve moi truong
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú 
Qua dư luận báo chí, các chuyên gia và dư luận nước ngoài cho chúng ta thấy tình hình môi trường Việt Nam chưa mấy khả quan trong giai đoạn hiện nay. Ô nhiễm không khí, đất, nước, rác thải nhựa… đang ngày càng trở nên bức xúc với cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp cũng như việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài.
Tôi cho rằng, đó là một thực tế cần khắc phục trong thời gian tới một cách hiệu quả và bền vững. Chúng ta nên nhớ lại những bài học của các nước đi trước như Trung Quốc, Nhật Bản... một khi tăng trưởng nóng dẫn tới việc giải quyết các phế thải sản xuất sinh hoạt...không theo kịp với yêu cầu đề ra, chính các quốc gia này đã phải dành thời gian dài để khắc phục vấn đề này.
Từ tình hình nêu trên, thực tế Chính phủ, bộ ngành và các địa phương cũng rất quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo để từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường ở Việt Nam trong một số năm tới.
Tuy nhiên, để giải quyết một cách đồng bộ, hiệu quả, mang tính khoa học và thực tiễn cao, đem lại một môi trường sống và hoạt động lành mạnh hơn so với hiện nay quả là một bài toán không dễ gì khắc phục ngay được. Theo tôi, cần phải có những nhận thức và giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Cụ thể, về mặt nhận thức, phải hiểu rằng nếu chúng ta để môi trường bị ô nhiễm thì sau này chúng ta có hàng chục tỷ USD cũng không khắc phục được để trả lại được môi trường trong sạch ban đầu. Vì vậy, công tác phòng chống sớm và hiệu quả về ô nhiễm môi trường là quan trọng nhất.
Một khi đã nhận thức được vai trò của môi trường, chúng ta cần đầu tư kinh phí nhân lực, công nghệ, đủ sức để giải quyết vấn đề môi trường một cách cơ bản trong một mốc thời gian nhất định. Không để tình hình ô nhiễm kéo dài thêm nhiều năm nữa. Chúng ta có thể học tập thêm ở các nước để xử lý môi trường trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần khoanh vùng, chọn lựa xử lý dứt điểm các tác nhân môi trường quan trọng nhất, có quy mô ảnh hưởng rộng tới các vùng, các địa phương trên toàn quốc, đặc biệt chú ý về ô nhiễm môi trường của khâu phương tiện giao thông như ô tô, xe máy và chất thải của các công nghiệp dệt, thuỷ sản, hoá chất... là những trọng điểm môi trường mà chúng ta cần ưu tiên quan tâm và giải quyết.
Cần phát động một phong trào giữ gìn và bảo vệ môi trường rộng lớn trong toàn quốc, nâng cao ý thức tự giác, khép vào kỷ luật môi trường của từng người, từng doanh nghiệp và từng địa phương.
Chúng ta cần xác định đúng những địa chỉ chịu trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu ở từng địa phương, từng doanh nghiệp. Việc xử phạt những vi phạm môi trường chỉ là thứ yếu, từ trước đến nay đã không giải quyết được cơ bản vấn đề xả thải trộm, vi phạm pháp luật về môi trường ở Việt Nam.
Với nhận thức đầy đủ về vấn đề môi trường cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao chất lượng sống cho nhân dân, tạo môi trường xanh sạch đẹp cho du lịch và đầu tư nước ngoài ngày càng thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam, chúng ta phải từng bước tiến tới phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thực hiện đầy đủ những cam kết của Chính phủ tại COP26 năm 2021.
Chúng ta tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tự giác của các doanh nghiệp và mọi người dân Việt Nam, chắc chắn việc cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường của chúng ta trong 5 đến 10 năm tới sẽ có những bước chuyển biến tích cực, làm cơ sở cho việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước nhanh và bền vững. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Mời quý độc giả xem video: Bà Lê Thị Kim Loan, quận Tây Hồ, Hà Nội nói về việc không nên vứt bát hương, tro... xuống Hồ Tây gây ô nhiễm môi trường.
 
   
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú