Chiều 28/5, thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, PGĐ Công an TP Hà Nội cho biết, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ khẩn trương điều tra vụ clip nhạy cảm của một nữ diễn viên được phát tán và lan truyền trên mạng xã hội.
Clip dài 8 phút ghi lại cảnh ân ái của một cặp đôi, một trong hai người được xác định là nữ diễn viên V.T.A.T (23 tuổi), từng đóng một số phim truyền hình.
Theo tường trình của nữ diễn viên, tối ngày 25/5, cô và một số người bạn có tụ tập ăn uống tại một chung cư thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và bị phản ánh bật nhạc to, gây ồn ào. Công an phường Trung Hoà có mời lên làm việc, yêu cầu thu điện thoại của tất cả mọi người để điều tra. Sau đó, sự cố lộ clip trên xảy ra khiến nữ diễn viên có ý định tự tử.
|
Ảnh minh họa. |
Nói về thông tin trên, thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn cho biết sẽ cho điều tra làm rõ, nếu phát hiện sai phạm, Công an thành phố sẽ xử lý nghiêm.
Dư luận quan tâm, người phát tán clip “nóng” trên sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?
Phát tán clip “nóng” là vi phạm pháp luật
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa cho biết, các clip “nóng” vốn mang tính chất riêng tư, là bí mật đời tư của một số người. Việc phát tán các clip này trên mạng khi không được sự đồng ý của đương sự là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Nhà nước nghiêm cấm việc lợi dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm vào mục đích tuyên truyền, kích động dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.
Người vi phạm sẽ phải chịu xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ mới mức phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng với hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trường hợp việc đăng clip nhằm mục đích xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự với mức phạt tù có thể lên tới 2 năm (đối với trường hợp nêu trên).
Trường hợp việc đăng clip nhằm phát tán cho mọi người xem, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy với mức phạt từ 10 đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Tùy theo mức độ nghiêm trọng do hành vi này gây ra mà người làm ra, phát tán các hình ảnh nhạy cảm này có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Thu giữ điện thoại của nữ diễn viên có đúng luật?
Nêu ý kiến về việc nữ diễn viên bị gây tiếng ồn do bật nhạc to, công an phường thu giữ điện thoại, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chưa đủ cơ sở để thu giữ điện thoại với hành vi gây mất an ninh trật tự như trên.
Luật sư Cường cho rằng, thông tin từ nữ diễn viên nếu đúng chỉ là vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 179/2013/NĐ-CP hoặc điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, đời sống bí mật cá nhân, thư tín, điện tín, điện thoại vẫn được pháp luật bảo vệ trên cơ sở các quy định về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Điều 21 Hiến pháp quy định, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Điều 38 BLDS năm 2015 quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc xử lý vi phạm hành chính phải tuân thủ trình tự thủ tục theo luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn.
Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, các công cụ, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm có thể bị thu giữ để làm căn cứ xử lý cũng như để thực hiện các biện pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, trường hợp này, theo quy định tại Điều 128 Luật xử lý vi phạm hành chính, Cơ quan công an có thẩm quyền chỉ được tiến hành việc khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ cho rằng trong đồ vật đó có cất giấu tang vật vi phạm hành chính. Khi tiến hành khám đồ vật phải có mặt chủ đồ vật và 1 người chứng kiến. Mọi trường hợp khám đồ vật đều phải lập biên bản và giao cho chủ đồ vật một bản.
Trong trường hợp thu giữ điện thoại của người vi phạm hành chính, phải có căn cứ chứng minh điện thoại đó là công cụ, phương tiện phạm tội hoặc là đồ vật vi phạm hành chính. Điện thoại thu giữ sẽ phải niêm phong, có chữ ký của các bên (đương sự và cơ quan chức năng) và người làm chứng.
Khi mở niêm phong phải có sự chứng kiến của các bên và những người có liên quan. Khi kiểm tra điện thoại phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, mở công khai và lập biên bản, ghi nhận những thông tin có trong điện thoại. Kiểm tra xong phải niêm phong lại. Trường hợp điện thoại không liên quan đến hành vi vi phạm thì không được phép thu giữ.
Cần làm rõ ai là người phát tán clip lên mạng xã hội
Luật sư Cường cho rằng, cần làm rõ có việc cán bộ công an khám điện thoại của nữ diễn viên hay không? Việc thu giữ, khám xét điện thoại có đúng căn cứ, trình tự thủ tục theo quy định hay không? Mục đích của việc khám xét là gì? Việc thu giữ điện thoại có lạm quyền hay không? Có hành vi xâm phạm bí mật đời tư cá nhân không?
Trường hợp nữ diễn viên nghi ngờ công an khám xét không đúng quy định có quyền khiếu nại hoặc tố cáo, hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật.
Trường hợp lời khai của nữ diễn viên là đúng, cán bộ công an có hành vi thu giữ điện thoại không có căn cứ, trái quy định của pháp luật sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính, trường hợp nếu vi phạm nghiêm trọng có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xác định clip trên mạng xã hội có phải được phát tán từ điện thoại của nữ diễn viên hay không? Ai là người đã thực hiện hành vi phát tán clip này lên mạng xã hội để xử lý theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, nữ diễn viên và bạn trai chủ động quay lại clip và lưu giữ trong điện thoại làm kỷ niệm, không có ý định phát tán. Tuy nhiên, nếu từ một sự việc vi phạm hành chính mà bị lộ, clip bị phát tán, người phát tán đã xâm phạm bí mật đời tư cá nhân và có dấu hiệu của tội truyền bá văn hóa đồi trụy theo quy định tại Điều 326 BLHS năm 2015. Bởi clip này ghi lại cảnh quan hệ tình dục, là văn hóa phẩm đồi trụy.
Trường hợp có căn cứ cho thấy, người đăng tải clip sex này với mục đích là nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của những người trong clip có thể bị xử lý hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 155 BLHS năm 2015.
Luật sư Cường cho rằng, việc clip nhạy cảm bị phát tán trên mạng xã hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống tâm lý, sức khoẻ của những người bị lộ thông tin cá nhân. Do đó, hai người trong clip bị xâm phạm bí mật đời tư cá nhân có quyền làm đơn trình báo tố giác tội phạm đề nghị xem xét xử lý đối với những người đã chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân trái phép và đăng tải trái phép trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, clip có nội dung đồi trụy, không được phép phổ biến, phát tán lên mạng xã hội. Do đó, trường hợp không có đơn trình báo tố giác tội phạm, cơ quan điều tra cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ ai đã phát tán clip này lên mạng xã hội để xử lý theo quy định pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt tạm giam 3 đối tượng đăng tải clip giả mạo tại ổ dịch Bar Sunny
Hải Ninh