Là một con nghiện ma túy, kiêm hành nghề sửa xe, kẻ này không ngại ngần lên cầu rải đinh từ tháng 11 đến tháng 12, tổng cộng 8 lần. Mỗi lần sửa xe máy, Hiếu thu 20.000 đồng tiền vá và 90.000 đồng tiền thay săm.
Thế nhưng, thật trớ trêu là hành vi man rợ của Hiếu chỉ khiến hắn bị phạt hành chính. Nghĩ lại hình ảnh vốc đinh trên tay những công nhân đi thu gom mà càng thấy phẫn nộ về mức phạt này. Liệu chăng các nhà chức trách đang thỏa hiệp với một tội ác mà nó đã kéo dài suốt nhiều năm qua?. Thoả hiệp với tội ác cũng chính là tội ác.
|
Số lượng đinh được đơn vị quản lý cầu thu gom trong nhiều ngày trên mặt cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. |
Với tốc độ lưu thông cho phép 70 km/h trên cây cầu vượt biển Tân Vũ - Cát Hải, nếu những chiếc xe chẳng may cán phải những chiếc đinh đó thì hậu quả sẽ rất khôn lường.
Nói thẳng, chỉ cần rải đinh thôi thì hành vi này cũng đã rất man rợ, không lẽ còn cần phải chờ người đi đường cán lên, ngã chết rồi mới xử lý hình sự hay sao?
"Bài ca" phạt hành chính liệu có phải là cách tốt nhất trừng trị "đinh tặc" hay càng khiến cơn thèm tiền, sự táng tận lương tâm của chúng trỗi dậy thêm.
Hãy nhìn xem, để lấy vài ba trăm nghìn, nhiều kẻ táng tận lương tâm sẵn sàng kiếm ăn trên sự nguy hiểm của đồng bào mình bằng thủ đoạn, cách thức như thời trung cổ. Một mảnh đinh nhìn thì nhỏ xíu nhưng câu chuyện đằng sau đó lại không hề nhỏ khi mà hiểm hoạ do chúng gây ra có thể sẽ khiến biết bao gia đình chồng mất vợ, con mất cha mẹ.
Đã bao nhiêu người vô tội mất đi mạng sống của mình bởi những chiếc đinh. Trong khi đó đã có bao nhiêu kẻ rải đinh phải chịu những hình phạt nặng nhất cho tội ác mà chúng gây ra?
Phạt vài triệu đồng liệu có phải là cách khiến những tên "đinh tặc" man rợ phải chùn bước? Không, phải bắt những kẻ đê hèn ấy ra trừng trị với tội danh giết người hàng loạt, giết người đầy toan tính và chủ ý.
Chúng ta vẫn tự đi tìm câu trả lời cho câu hỏi rằng chừng nào thì nạn "đinh tặc" biến mất hẳn. Câu trả lời chẳng phải ở đâu xa mà nằm ở cách luật pháp đang trừng trị chúng.
Chỉ có thể nói là quá nhẹ, hãy cho chúng một bản án thật thích đáng, đừng răn đe nữa, không có tác dụng gì đâu khi "đinh tặc" vốn chẳng còn là con người nữa bởi nếu là người thì không ai nỡ giết hại đồng bào mình man rợ như thế đâu.
Một giáo sư ngôn ngữ nổi tiếng người Úc gốc Việt bao năm tìm từ tương đương trong tiếng Anh để dịch từ "RẢI ĐINH", nhưng ông đã thất bại và thốt lên: "Đến hết đời tôi không bao giờ dịch được từ này sang tiếng Anh".
Có lẽ vị giáo sư kia và những người ở thế giới văn minh không bao giờ ngờ được rằng con người ta có thể tàn nhẫn đến mức cắt ra loại đinh hình thoi, hàn những chiếc chông nhiều cạnh để rải trên đường, kiếm tiền trên sinh mạng người khác.
Đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn có những kẻ đội lốt người được gọi là người như những tên "đinh tặc" còn tồn tại. Chúng chính là hiện thân của động vật man rợ chưa thoát khỏi thời kỳ ăn lông ở lỗ.
Còn nhớ khi quốc lộ 1A đoạn từ Pháp Vân tới Cầu Giẽ (Hà Nội) chưa cấm xe máy di chuyển vào, đoạn đường này từng là nỗi khiếp sợ với những người đi đường.
Mỗi dịp gần Tết, lợi dụng người dân các tỉnh về quê, lượng phương tiện di chuyển đông đúc nên nạn rải đinh một thời diễn ra ở đây rất nhiều. Có lúc cao điểm, đi vài trăm mét lại thấy mấy người dắt bộ. Lượng xe dính đinh nhiều tới mức, đội thay vá lốp xe lập hẳn những chốt dã chiến ngay bên lề đường.
Trên làn đường dành cho xe máy, xe thô sơ, nhiều người không dám đi vào mà phải lấn sang làn ô tô vì phía trong là đầy những chiếc đinh đang nằm sẵn chờ chực. Trên mỗi thành dải phân cách lúc đó là chi chít những số điện thoại vá xe, thay xăm lốp.
Những người đi xe chẳng may cán phải đinh buộc phải gọi “cứu hộ” theo số điện thoại để lại hai bên lan can đường và chịu mức giá "cắt cổ".
|
Đinh tặc một thời hoành hành trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. |
Mất vài chục nghìn để sửa xe rồi đi tiếp không phải vấn đề đáng bàn, mà mấu chốt nằm ở chỗ hành động nhẫn tâm, man rợ của bọn "đinh tặc" có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người tham gia giao thông.
Thực tế, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông chết người do "đinh tặc" gây nên, đủ mọi cấp độ từ nhẹ cho tới thảm khốc.
Bất chấp việc chính quyền nhiều địa phương đã làm mạnh tay dẹp nạn "đinh tặc", nhưng giống như một thứ bệnh dịch, vấn nạn này chỉ tạm lắng một thời gian ngắn ở nơi này, rồi lại bùng phát lên ở một nơi khác.
Chúng xuất hiện trên khắp những cung đường đông đúc từ Bắc chí Nam, trong khi đó cách thức hoạt động ngày càng tinh vi hơn và man rợ hơn.
Có nơi đinh nhiều tới mức, dùng nam châm hút hàng ngày cũng không xuể. Có nơi phải dùng tới xe lu để hạn chế độ "sát thương" từ những chiếc đinh.
Không chỉ rải đinh đơn thuần, bọn "đinh tặc" giờ còn chế bàn chông 5 cạnh, đinh chữ U, đinh 4 chân, thậm chí gắn đinh vào xốp rồi ngụy trang lên bằng một lớp lá, hay “bẫy” chông 5 cạnh phủ rơm trên đường… để bẫy những chiếc xe.
Nhìn những chiếc lốp bám đầy đinh sắt xuất hiện trên những tờ báo, mạng xã hội mà không khỏi lạnh sống lưng, chúng nguy hiểm chẳng khác gì những bẫy chông thời chiến, nhưng mục đích thì lại khác nhau hoàn toàn.
Sự man rợ, dã man của bọn "đinh tặc" có lẽ chẳng cần phải nói nhiều nữa. Mọi thứ đều đã phơi bày, nhưng tiếc rằng trong nhiều năm qua, luật pháp dù có thay đổi nhưng thực tế vẫn không thấm vào gì so với mức độ tàn độc mà "đinh tặc" gây ra.
Chúng hàng ngày, hàng giờ vẫn đi gieo rắc nỗi sợ hãi, những cái chết bất thình lình trên mỗi cung đường, nhưng mức phạt thì lại quá nhẹ, thậm chí còn chẳng đủ sức răn đe.
Nếu Nhà nước không tiêu diệt đám "đinh tặc" trơ trẽn, mất nhân tính thì sẽ không bao giờ chấm dứt tệ nạn giết người này.
Chừng nào luật vẫn còn có mức độ phạt hành chính với "đinh tặc" thì khi đó vẫn còn nhiều gia đình mất đi người thân. Hành động của chúng đã là tội ác, xét theo bất cứ luật pháp, luân lý nào, vậy thì tại sao, những tội ác như thế mà mãi bao năm qua chúng ta vẫn cứ phải thỏa hiệp với chúng?
Theo VTC News