Pháo lậu vào nội địa và chiêu trò lập công ty ma bán hàng

Google News

Đến hẹn lại lên, các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu lại tìm cách tuồn hàng vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán. 

Đặc biệt, tình trạng vận chuyển pháo lậu các loại từ nước ngoài về, trong đó có việc núp bóng công ty ma để hoạt động đang dần nở rộ.
Liều lĩnh
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, các đối tượng mua bán pháo lậu đang rao đủ mặt hàng. Chưa rõ các đối tượng này có cung cấp được hàng hay không, tuy nhiên nhìn giá bán và cách thức giao dịch, PV có cơ sở tin rằng các đối tượng “có hàng thật”. Thậm chí, các đối tượng còn núp bóng công ty “ma” để hoạt động.
Điển hình, người tên Hải (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) rao: “Pháo dàn, loại 36 quả có giá 600 ngàn đồng, loại 64 quả là 1 triệu đồng. Riêng loại pháo hoa cây (lốc 12 cây) có giá 100 ngàn đồng. Pháo trứng loại 2 (hộp 12 quả) kèm ống giá 215 ngàn đồng”.
Khi PV yêu cầu giao dịch, Hải cho biết: “Em sẽ cho nhân viên giao hàng tại điểm hẹn trước, anh nhận hàng rồi thanh toán hoặc bên em sẽ chuyển qua dịch vụ giao hàng, tùy anh chọn. Bên em không nhận bất cứ khoản cọc nào. Khi nhận hàng, anh cứ kiểm tra, nếu không vừa ý thì trả lại”.
Hải cho biết anh ta là đại diện của một công ty chuyên cung cấp các loại pháo nổ, pháo điện cho thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Tây. PV phải đóng giả là mối hàng lớn đưa hàng đi miền Đông tiêu thụ, Hải mới cho địa chỉ, nếu cần liên lạc. Hải còn dặn kỹ, trước khi đến phải gọi trước. Tuy nhiên, lần theo địa chỉ 17A/25/2 đường Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, PV phát hiện không hề có địa chỉ nào như trên. Hỏi người dân, xe ôm và cán bộ phường, PV cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu.
Bên cạnh các loại pháo “truyền thống”, vài ba năm trở lại đây, pháo điện cũng đang được những đối tượng mua bán cung ứng nhiều cho thị trường Tết. Theo tìm hiểu của PV, hiện nay có đủ loại pháo điện mô phỏng giống như pháo thật, từ âm thanh, ánh sáng cho đến hình thức.
“Nổ” với PV, người tên Tám (ngụ xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Hiện đang cung cấp nhiều loại pháo điện, như pháo điện xoay tam giác, có giá 70.000 đồng/bánh. Loại này có thời gian cháy 30 giây, khi cháy sẽ xoay tròn với bán kính 2m. Pháo điện dàn có giá thành hơi cao chút, 1 triệu đồng/dàn (25 quả) cũng cháy trong thời gian 30 giây. Ngoài ra còn pháo điện con chuột hỏa tiễn, loại này có giá 60.000 đồng/quả, khi bắn nó sẽ bay như tên lửa... Tất cả hàng đều của Thái”.
Theo thông tin mà các đối tượng này cung cấp, các loại pháo này chủ yếu mua từ Campuchia, Thái Lan và cái khó là đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ. “Giờ việc vận chuyển hết sức khó khăn vì lực lượng quản lý thị trường, cảnh sát giao thông cũng tham gia bắt hàng nữa. Việc mua pháo tại Campuchia không khó, quan trọng là đưa từ biên giới Tây Ninh về TP.HCM. Nếu không cẩn thận là bị hốt ngay”, Tám cho biết thêm.
Ngoài các điểm rao bán trên, thời gian gần đây lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ nhiều đồi tượng mua bán, vận chuyển pháo các loại. Điển hình, ngày 23/12, Bùi Duy Huỳnh (27 tuổi, ngụ Đồng Nai) đang trên đường đi giao 3kg pháo nổ các loại cho một khách hàng ở tỉnh Bình Dương thì bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ. Theo thông tin PV có được, số hàng này gồm pháo bi (loại nhỏ), pháo hoa cây và pháo diêm.
Hay mới đây, Lê Minh Tú (20 tuổi ngụ tỉnh Cà Mau) và Nguyễn Quý Nhi (24 tuổi ngụ TP.HCM) nhận vận chuyển cho một người chưa rõ lai lịch 3 thùng pháo (mua từ Campuchia) từ biên giới tỉnh Đồng Tháp (giáp Campuchia) về huyện Hóc Môn (TP.HCM) với cước phí 2,6 triệu đồng. Khi nhận pháo và di chuyển tại khu vực cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp), hai đối tượng này đã bị công an bắt giữ.
Thời gian gần đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển pháo các loại. 
Dùng học sinh để vận chuyển
Thực tế, các đối tượng mua bán pháo lậu cho biết, nguồn hàng chủ yếu lấy từ Trung Quốc hoặc Campuchia. Tuy nhiên, lấy từ Campuchia thì hàng cũng là của Trung Quốc. Hoàng, tay chuyên bán pháo lậu ở quận Tân Bình tiết lộ: “Hàng này là của Trung Quốc nhưng đưa sang Campuchia rồi tuồn qua biên giới vào nước ta. Hiện nay, 100% hàng trên thị trường đều là của Trung Quốc, quan trọng là chất lượng của từng loại”.
Cũng theo đối tượng này, nguồn hàng ở các tỉnh phía Nam chủ yếu là từ các tỉnh biên giới tuồn về nhưng một phần không nhỏ là chuyển từ các tỉnh phía Bắc vào. Để vận chuyển pháo và các loại hàng lậu có khối lượng tương tự pháo, các đối tượng đã xé lẻ, chia nhỏ cho vào túi xách hoặc các thùng giấy đưa lên xe khách, dùng xe gắn máy chở hoặc đi bằng xuồng, ghe...
Thông tin với PV, một cán bộ đồn cửa khẩu biên phòng Hoàng Diệu (tỉnh Bình Phước) cho biết: “Do lợi nhuận cao nên các đối tượng buôn lậu bất chấp, vận chuyển pháo từ Campuchia vào nội địa để tiêu thụ. Bên cạnh đó, so với các loại hàng lậu khác thì pháo dễ ngụy trang, cất giấu hơn, các đối tượng buôn lậu thường chẻ nhỏ hàng để vận chuyển”.
Đặc biệt, tinh vi và ranh mãnh hơn, các đối tượng buôn lậu còn lợi dụng các em học sinh trên tuyến biên giới vận chuyển hàng. Điển hình tại Tây Ninh, các địa bàn như: Xã Tân Đông, Tân Hà (huyện Tân Châu), Tân Lập (huyện Tân Biên), Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng)... nổi lên tình trạng buôn lậu, vận chuyển pháo nổ trái phép. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều đối tượng, trong đó có các em học sinh trên địa bàn các xã này.
Đây đều là các xã biên giới, giáp Campuchia nên tình hình tuồn pháo về Việt Nam hết sức phức tạp. “Ngoài các thủ đoạn cất giấu pháo trong mặt hàng thông thường để tìm cách vận chuyển qua biên giới, các đối tượng còn thuê các em học sinh, thanh thiếu niên trên địa bàn vận chuyển pháo”, một cán bộ ban Chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh cho biết.
Điển hình, sau dịp cao điểm Tết Nguyên đán Đinh Dậu (2017), đồn Biên phòng Chàng Riệc (Tây Ninh) đã tổ chức tiêu hủy 45kg pháo nổ và hơn 2.000 viên pháo các loại do lực lượng biên phòng tỉnh bắt giữ. Bên cạnh đó, trong khoảng 2 tháng cao điểm Tết Đinh Dậu, lực lượng biên phòng Tây Ninh còn phát hiện và bắt giữ 13 vụ, xử lý hành chính và bàn giao 16 đối tượng cùng 30kg pháo các loại cho công an các huyện tiếp tục điều tra xử lý.
Ông Huỳnh Văn Đức, Cục trưởng cục Hải quan Tây Ninh cho biết: “Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó có pháo các loại không còn diễn ra công khai như trước nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, đường mòn, lối mở, sử dụng phương tiện có phân khối lớn... và sẵn sàng manh động gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển hàng cấm”.
Cao điểm chống hàng lậu
Không chỉ pháo, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán (2018), các lực lượng chức năng TP.HCM cũng đã “lên dây cót” sẵn sàng ứng phó với các loại hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng nhái... Ông Phan Hoàng Kiếm, Chi Cục trưởng chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Trong đợt cao điểm chống buôn lậu dịp Tết, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ngành liên quan phải thực hiện tốt công tác dự báo, diễn biến tình hình... Đồng thời, các đơn vị chức năng cũng sẵn sàng ứng phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đặc biệt, tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không, tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại... nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới”.
Theo Dương Thanh Tùng/Người Đưa Tin