Phán quyết của Tòa Trọng tài: Thuận lợi cho Việt Nam

Google News

Đó là khẳng định của PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo về việc phán quyết ngày 12/7.

Đó là khẳng định của 
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, trước những băn khoăn, thậm chí lo lắng của không ít người về việc phán quyết ngày 12/7 có thể khiến Việt Nam mất chủ quyền ở Trường Sa.
PGS.TS Vũ Thanh Ca - Ảnh: C.T. 
PGS.TS Vũ Thanh Ca là một trong những chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về Luật biển quốc tế cũng như theo dõi vụ Philippines kiện Trung Quốc.
* Trong phán quyết, Tòa trọng tài có đưa ra các quy chế đảo và đảo đá ở quần đảo Trường Sa. Có ý kiến cho rằng điều này khiến Việt Nam mất chủ quyền ở Trường Sa. Những nghi ngại này có cơ sở không, thưa ông?
- PGS.TS Vũ Thanh Ca: Cần chú ý rằng đây là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), mà công ước chỉ điều chỉnh các vấn đề liên quan tới biển mà không điều chỉnh các vấn đề liên quan tới chủ quyền đảo. Chủ quyền đảo được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.
Phán quyết sẽ giúp ta giữ nguyên vẹn vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; và nếu từ nay Trung Quốc vẫn cố tình vi phạm các khu vực này của Việt Nam, họ sẽ càng chứng tỏ cho thế giới họ là kẻ hung bạo, sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế
PGS.TS Vũ Thanh Ca
Căn cứ vào quy định của công ước, trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, tòa chỉ có thẩm quyền đối với các phán quyết liên quan đến việc giải thích và áp dụng UNCLOS mà không có bất cứ thẩm quyền nào để giải quyết các vấn đề liên quan tới chủ quyền quốc gia đối với các đảo.
* Công ước nói rằng “Đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” nên được hiểu như thế nào?
- Khoản 3 điều 121 của công ước nói rằng “Đảo đá không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
Do tính chất không rõ ràng của cụm từ “không phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nên từ trước đến nay có rất nhiều quan điểm về việc giải thích cụm từ này nhằm xác định quy chế pháp lý cho một thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao.
Thậm chí có quan điểm cho rằng với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại, tất cả các thực thể nổi trên mặt nước ở mức triều cao đều có thể thỏa mãn điều kiện “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” nếu được tôn tạo phù hợp, và do vậy có thể được coi là đảo.
Kết luận của tòa đã chấm dứt những tranh luận thuộc dạng này khi xác định “phù hợp cho con người sinh sống và cho một đời sống kinh tế riêng” có nghĩa là “phụ thuộc vào khả năng khách quan của một thực thể khi chúng ở tình trạng tự nhiên để có thể duy trì một cộng đồng dân cư hoặc các hoạt động kinh tế ổn định mà không phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài hoặc không phải là các hoạt động thuần túy mang tính chất khai thác”.
Do vậy, tòa cho rằng các đảo trên quần đảo Trường Sa chỉ có những nhóm người đánh cá trú ngụ tạm thời và một số công ty Nhật Bản khai thác phân chim hoặc đánh cá. Những hoạt động đó không tạo ra một cộng đồng dân cư ổn định hoặc các hoạt động kinh tế chỉ là khai thác.
Vì vậy, các đảo trên quần đảo Trường Sa không thể được coi là đảo và không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Vì tính chất các đảo trên quần đảo Hoàng Sa tương tự như trên quần đảo Trường Sa, chắc chắn các đảo này cũng chỉ được hưởng quy chế pháp lý như các đảo trên quần đảo Trường Sa.
Phán quyết này của tòa là cực kỳ quan trọng vì nó sẽ giới hạn vùng tranh chấp trên Biển Đông. Như ta đã biết, theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có chiều rộng tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở và vùng thềm lục địa có chiều rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Nếu các đảo thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, một phần vùng đặc quyền kinh tế của các đảo này sẽ chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Như vậy, tự nhiên quy chế các đảo đã biến vùng không có tranh chấp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thành vùng có 
tranh chấp.
* Tòa cũng “tuyên” Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường rạn san hô. Liệu có cơ chế nào buộc Trung Quốc phải có những hành động phục hồi môi trường biển và dừng các hoạt động phá hoại này?
- Thực ra không có cơ chế nào để buộc Trung Quốc phục hồi môi trường biển mà Trung Quốc đã phá. Phần san hô bị lấp sẽ không bao giờ phục hồi được. Phần san hô bị nạo vét nếu không tiếp tục bị phá và đảm bảo môi trường tốt sẽ có thể phục hồi sau 40 - 50 năm. Hiện tại, đường lưỡi bò của Trung Quốc đã bị vô hiệu hóa và điều đó sẽ tạo thuận lợi cho các nỗ lực hợp tác khu vực để khôi phục các rạn san hô.
Mời quý độc giả xem video về đảo Trường Sa (nguồn VTC):
Theo Tuổi Trẻ