Ngày 5/12, TAND tỉnh Hòa Bình cho biết, cơ quan này đã tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Nguyễn Quang Huy (SN 1973, ngụ TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), Chánh văn phòng TAND huyện Cao Phong để phối hợp điều tra. Ông Huy là người vừa bị Công an tỉnh Hòa Bình bắt giữ khẩn cấp ngày 28/11 do liên quan tới tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh Quốc gia" xảy ra 26 năm trước.
|
TAND huyện Cao Phong - nơi ông Nguyễn Quang Huy đang làm chánh văn phòng.
|
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, TAND tỉnh Hòa Bình, cho biết lý do ông Nguyễn Quang Huy bị truy nã 26 năm trước mà tòa mới nhận được hồ sơ từ Công an là do ông Huy có liên quan đến vụ trộm cắp dầu trong Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Vụ án được truy tố năm 1992 và đưa ra xét xử năm 1993.
Khi được hỏi về việc xét xử năm 1993 thì hồ sơ lúc đó bên tòa án có yêu cầu phát lệnh truy nã không, ông Nguyễn Thanh Tùng trả lời: "Trong trường hợp này Cơ quan CSĐT đã phát lệnh truy nã và đã được chuyển sang tòa. Việc này, thông thường cơ quan điều tra sẽ tiến hành truy nã, còn trình tự tố tụng do Cơ quan CSĐT tiến hành. Tòa án không theo dõi lệnh truy nã đó".
Bị truy nã, tên cướp thành công an trong suốt 10 năm: Ngày 16/10, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Trịnh Hữu Vinh (30 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) 2 năm tù về tội “Cướp giật tài sản”.
|
Bị cáo Trịnh Hữu Vinh tại tòa.
|
Theo bản án sơ thẩm, trưa ngày 6/7/2007, Vinh rủ nhóm bạn cướp chiếc điện thoại. Được sự đồng thuận của cả nhóm, Khi bị giật điện thoại, nạn nhân truy hô rồi tăng ga đuổi theo nhóm cướp.
Tháng 10/2007, Công an quận Tân Phú khởi tố bị can đối với Vinh nhưng người này bỏ trốn khỏi địa phương và tới đầu năm 2008, Cơ quan công an đã phát lệnh truy nã. Tuy nhiên, lúc này Vinh không hề biết mình đang bị truy nã.
Trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2010, Vinh phục vụ tại Phòng chiến sĩ bảo vệ - Công an TP.HCM và học tại Trường ĐH Cảnh sát nhân dân. Từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2018, anh ta về công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an TP HCM.
Đến ngày 21/12/2018, khi phát hiện ra mình bị truy nã về tội lỗi xảy ra cách hơn chục năm, Vinh đã tới cơ quan công an đầu thú. Ngày 24/12/2018, anh ta bị tước danh hiệu Công an nhân dân và tới đầu năm 2019 thì bị khai trừ khỏi Đảng.
Trốn truy nã 26 năm, bị bắt khi đang làm... công an viên: Trốn lệnh truy nã từ Nghệ An vào Đắk Lắk, Nguyễn Văn Kế thay tên đổi họ, tham gia các hoạt động địa phương và... được bầu làm công an viên. Khi công an bắt giữ Kế, bà con hàng xóm đều ngỡ ngàng.
|
Đối tượng Nguyễn Văn Kế.
|
Theo hồ sơ vụ việc, năm 1993, Nguyễn Văn Kế (53 tuổi, ngụ xã Nghĩa Hoàn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) phạm tội hủy hoại công trình an ninh quốc gia và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Sau khi gây án, Kế bỏ trốn khỏi địa phương. TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử đồng bọn của Kế, riêng Kế bị xử vắng mặt. Kế bị truy nã về tội trốn thi hành án.
Trong suốt những năm qua, lực lượng chức năng đã nhiều lần tổ chức tìm kiếm, phối hợp vận động gia đình, xác minh các mối quan hệ của Kế nhưng không có kết quả. Sau khi bỏ trốn vào huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, Kế đổi tên mình là Nguyễn Duy Thành rồi lấy vợ, sinh con, tu chí làm ăn.
Thời gian này, "Thành" luôn gương mẫu, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương và được bầu làm công an viên. Vì vậy "Thành" đã tạo được lòng tin đối với chính quyền, người dân địa phương. Tuy nhiên vào cuối tháng 8/2019, tổ công tác phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Kế đã khiến nhiều người hết sức ngỡ ngàng.
Cán bộ xã mượn danh em trai đã chết trốn nã suốt 12 năm: Ngày 9/10/2018, Phòng cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã bàn giao Trương Huy Kiên (SN 1970, nguyên cán bộ địa chính xã Nghĩa Xuân, Quỳ Hợp, Nghệ An) cho đơn vị liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
|
Đối tượng Nguyễn Huy Kiên.
|
Theo hồ sơ, thời điểm năm 2004 - 2006, Trương Huy Kiên khi đó đang là cán bộ địa chính xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp. Lợi dụng nhu cầu làm bìa đỏ của người dân, người đàn ông này đã làm giả bìa đất, rồi chiếm đoạt luôn số tiền mà người dân nộp. Kiên tiếp tục dùng các bìa đỏ giả này để vay mượn ngân hàng số tiền 210 triệu đồng. Ngoài ra, Kiên còn vay “nóng” bên ngoài nhưng không có khả năng chi trả.
Ngày 10/6/2006, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳ Hợp ra Quyết định truy nã Trương Huy Kiên do đã có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Giả mạo trong công tác”. Đến cuối tháng 9/2018, các trinh sát nắm được thông tin, một người đàn ông mang tên là Nguyễn Phi Hùng (SN 1981) trú tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có hình dáng, đặc điểm nhận dạng rất giống Trương Huy Kiên.
Khoảng 10 giờ ngày 3/10/2018, phát hiện Nguyễn Phi Hùng đang có mặt trong nhà và xác định chính xác Hùng chính là Trương Huy Kiên, Ban chuyên án bất ngờ ập đến khống chế bắt giữ đối tượng trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Dù hơi hoảng sợ nhưng Trương Huy Kiên vẫn quanh co chối tội và luôn khẳng định mình là Nguyễn Phi Hùng.
Quá trình lẩn trốn, Kiên dùng CMND của Nguyễn Phi Hùng - 1 người em kết nghĩa đã mất - dán ảnh mình lên để hợp thức hóa giấy tờ thủ tục, dưới vỏ bọc là một người đàn ông lương thiện. Sau khi ly hôn người vợ đầu, 6 năm trước Trương Huy Kiên đã lấy vợ 2 là người Yên Bái, hiện có với nhau 2 đứa con.
Kiên còn là em vợ của một công an viên xã Vĩnh Kiên, nên càng được mọi người tin tưởng. Thời điểm bị bắt, vợ con và bà con lối xóm hết sức ngỡ ngàng khi biết Kiên là một kẻ lừa đảo trốn nã lâu nay.
22 năm trốn lệnh truy nã vẫn "ngoi" lên làm cán bộ ngành giáo dục: Ngày 26/6/2015, Công an thị xã Đồng Xoài - Bình Phước đã bắt giam đối với Lê Văn Nam (SN 1970, ngụ phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước).
|
Đối tượng Lê Văn Nam trước khi bị bắt từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành Giáo dục Bình Phước.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bình Phước cho biết, sau khi tiến hành bắt người, công an thị xã Đồng Xoài đã thông báo cụ thể về vụ việc. Nam bị bắt theo lệnh truy nã về hành vi trộm cắp tài sản.
Nam có hộ khẩu thường trú tại đội 6, xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1993, Nam phạm tội trộm cắp tài sản rồi bỏ trốn và bị cơ quan Công an tỉnh Nghệ An phát lệnh truy nã. Trong thời gian này, Nam chạy vào tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước) để lẩn trốn.
Tại đây, Nam khai man lý lịch, giả mạo hồ sơ để thi vào viên chức trong ngành Giáo dục tỉnh Bình Phước. Trước khi bị bắt, Nam từng tham gia giảng dạy ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bình Phước và làm đến chức vụ Trưởng phòng Đào tạo của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Bình Phước thì bị bắt.
>>> Xem thêm video: Chánh văn phòng tòa án 26 năm bị truy nã: TAND tỉnh Hoà Bình bất ngờ
Trung Vương