PGS.TS Trần Đình Thiên: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, nhưng chậm lớn

Google News

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng.

Nghịch lý đang tồn tại với ngôi sao kinh tế
Trình bày tham luận "Khơi thông nguồn lực, phát huy nội lực, đưa nền kinh tế sớm phục hồi và bứt phá phát triển" tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 sáng 19/9, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam được ví với ngôi sao kinh tế nhưng đang ở trong một tình thế phát triển có nhiều nét khác biệt, thậm chí khác thường.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, điểm nhấn mạnh đầu tiên là sau 3 năm trải qua đại dịch Covid-19 và vượt qua khó khăn, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng – phát triển tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng – ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.
PGS.TS Tran Dinh Thien: Doanh nghiep Viet Nam gioi chong chiu, nhung cham lon
PGS.TS Trần Đình Thiên 
Những thành tích đó đều chứng tỏ “năng lực trụ hạng”, khả năng “đối mặt các con gió ngược” rất ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam thật sự xứng đáng với lời khen tặng “là ngôi sao sáng giữa bầu trời kinh tế thế giới ảm đạm năm 2020” cũng như đánh giá tích cực của cộng đồng thế giới về sức hấp dẫn đầu tư và triển vọng sáng sủa.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có những vấn đề lớn đặt ra.
Trước hết là xu hướng suy giảm liên tục và kéo dài động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam hiện có một số “nghịch lý”. Trong đó, có nghịch lý tăng trưởng GDP cao – lạm phát thấp, nền kinh tế Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng GDP khá cao trong điều kiện lạm phát thấp được duy trì trong nhiều năm. Đặc biệt trong năm 2022, GDP tăng trưởng 8,02% trong khi lạm phát được giữ ở mức khá thấp, chỉ khoảng 3,6%. Thực tế này “nghịch chiều” với xu hướng lạm phát tăng, GDP suy giảm tăng trưởng mạnh ở đa số các nền kinh tế trên thế giới.
Một nghịch lý khác là doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành. Thực tế, dù có những khó khăn khi gánh nặng chi phí, trình độ thấp và thực lực yếu, ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính thế giới… thì các doanh nghiệp nước ta vẫn tồn tại - một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
Với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy, nhưng thực tế cho thấy, đa số doanh nghiệp Việt lại vẫn là những thực thể nhỏ bé, “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của doanh nghiệp, mặc dù đây là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng năm, số doanh nghiệp “rút khỏi thị trường” xấp xỉ 70-75% số “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường, cho thấy “tuổi thọ” của doanh nghiệp không cao và cũng có nghĩa là cơ sở tăng trưởng cho những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, từ góc độ doanh nghiệp Việt, bị suy giảm mạnh và khó được “bù đắp” kịp thời bằng số doanh nghiệp mới “đăng ký thành lập”.
Một nghịch lý khác được ông Trần Đình Thiên đưa ra là nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Đến hết tháng 8/2023, giải ngân đầu tư công - trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm: mới đạt 39,6% kế hoạch. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.
“Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển”, PGS. Trần Đình Thiên lưu ý.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.
“Thông mạch, thông các nguồn lực”
Để bảo đảm lưu thông các nguồn lực trong nền kinh tế thị trường, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần hạn chế phân bổ nguồn lực theo cơ chế “xin – cho”, “hành chính”; Ưu tiên thúc đẩy phát triển các thị trường, đặc biệt là các thị trường “đầu vào”, tạo cơ sở để việc phân phối các nguồn lực diễn ra theo đúng nguyên tắc thị trường (cạnh tranh). Các thị trường đầu vào càng đồng bộ, hiệu quả phát triển càng cao.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu rõ, cần đảm bảo hạ tầng thông suốt, cơ chế thông thoáng, vận hành thông minh. Đó là những đúc kết mang tính nguyên tắc – nguyên lý, nhưng thực chất là trực tiếp hướng tới giải quyết những vấn đề căn cốt đang đặt ra cho cho nền kinh tế Việt Nam ở khía cạnh tạo động lực và giải phóng năng lực phát triển.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, có đủ căn cứ và cơ sở để nhận định rằng vấn đề mấu chốt của kinh tế Việt Nam hiện nay chính là “thông mạch, thông các nguồn lực” để giải phóng các nguồn lực, tạo động lực mạnh và mới cho tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết nhiệm vụ đó, định hướng ưu tiên được nhằm vào chính là phát triển đúng hướng và đúng cách các thị trường; xây dựng một bộ máy quản trị và điều hành phát triển thông minh, biết dựa vào thị trường và có trách nhiệm.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết, dưới những áp lực mạnh mẽ của thực tiễn, trong sự đồng thuận phối hợp của Quốc hội, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã có những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận chính sách và giải pháp để cải thiện tình hình. Nhiệm vụ là định hình một khung khổ chính sách định hướng “bình thường mới” để thích ứng. Trong những điều kiện đặc biệt khó khăn “hậu Covid” của nền kinh tế thế giới lẫn kinh tế Việt Nam, đây là nhiệm vụ có tính thách thức rất cao.
Trên thực tế, quy trình xây dựng và thực chất của các chính sách và giải pháp mà Chính phủ – Quốc hội thực thi thời gian gần đây, rõ nhất là từ nửa sau năm 2022 đến nay, được triển khai theo tinh thần “tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường”. Cách tiếp cận này thể hiện đúng nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực ở những mức độ khác nhau, tạo động thái phục hồi và tăng trưởng tích cực cho nền kinh tế trong hoàn cảnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bủa vây.
Cùng với đó, trong thời gian gần đây, bên cạnh những nỗ lực “chỉnh sửa, tháo gỡ, thay đổi” những trói buộc và cản trở của hệ thống cơ chế, chính sách hiện tồn, Đảng và Nhà nước còn tích cực nhận diện và định hình chân dung mới của nền kinh tế theo nguyên tắc “hướng tới tương lai”, trên cơ sở đó, định hướng xây dựng các nguồn lực và động lực phát triển mới chủ yếu cho nền nền kinh tế.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cách lựa chọn đường lối này là đúng đắn, và cần phải coi đây là cách thức ngày càng chủ đạo để xây dựng và phát triển năng lực quốc gia. Việc Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam sẽ đạt mục tiêu “zero carbon” vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26 là một minh chứng điển hình cho tầm nhìn và cách tiếp cận phát triển mới của Việt Nam – đi sau những nỗ lực vượt trước để “tiến kịp thế giới, tiến cùng thời đại”.
“Đây là cách đặt nhiệm vụ theo kiểu “tạo thách thức chính mình”, còn mới mẻ ở Việt Nam. Nếu triển khai được, cách làm này, chứa đựng trong nó hạt nhân của tinh thần cạnh tranh và hệ thống khuyến khích hoạt động mang tính thị trường sẽ tạo đột phá mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của bộ máy”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Điều động, bổ nhiệm Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Nguồn: THĐT


 
Hải Ninh