Sự việc cô giáo Lê Thị Quy trường THCS Tô Hiệu (huyện Thường Tín, Hà Nội) phạt học sinh quỳ trước bảng lớp đang khiến dư luận xôn xao, tranh luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cô phạt trò khi trò mắc lỗi là chuyện bình thường, "trò hư thì nên phạt". Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ lại có ý kiến trái ngược. Họ cho rằng việc phạt học sinh quỳ như vậy là xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh.
|
Hình ảnh nam sinh lớp 9D bị phạt quỳ trong lớp. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vụ việc trên, PGS. Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Xu thế giáo dục hiện nay đang ngày càng hướng đến việc phát triển nhân cách của học sinh. Ngày xưa, người ta thường dùng phong cách giáo dục quyền uy để dạy học sinh, cụ thể là dùng đến quyền lực của bố mẹ, họ hàng, thầy cô.
Việc bắt học sinh quỳ, theo tôi là xúc phạm thân thể của các em. Đây là điều nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới".
PGS. Bùi Hiền phân tích: "Với một học sinh lớp 9, ở độ tuổi đó các em đang trong quá trình hình thành nhân cách. Các em còn chưa phân định được đúng sai, chỉ muốn khẳng định mình.
Các thầy cô là những đại diện cho giáo dục. Việc phạt học sinh quỳ là xúc phạm đến tự trọng của các em. Khi bị xúc phạm, theo bản năng các em sẽ kháng cự.
Khi các em đã trở nên kháng cự, thì đó là thất bại của giáo dục.
Hãy làm thế nào để các em kính phục thầy cô, chứ không phải sợ sệt, gượng ép trước quyền lực của người thầy.
Chúng ta cần thuyết phục các em trước hết bằng nhân cách của người thầy, rồi sau đó bằng lý lẽ. Khi bạn tôn trọng chúng, chúng sẽ tôn trọng lại bạn. Đừng để các em cảm thấy cô đơn, bị bủa vây".
|
PGS. Bùi Hiền cho rằng việc giáo dục học sinh cần sự phối hợp của cả nhà trường, gia đình và xã hội. |
Bày tỏ về giải pháp cho vấn đề này, PGS. Bùi Hiền nói: "Giáo dục cần sự hợp tác của cả nhà trường, gia đình, xã hội và chính học sinh. Hiện nay, nhiều gia đình không quan tâm, chăm sóc con cái, gần như đùn đẩy trách nhiệm dạy dỗ con em mình cho nhà trường. Nhiều người nghĩ rằng, giáo dục giờ chỉ như một loại hình dịch vụ, bỏ tiền ra mua kiến thức.
Có những người cho rằng nền giáo dục đã hỏng, nhưng tôi không nghĩ thế, không nên từ một số điều mà khái quát toàn bộ. Những điều lệ giáo dục, tôi nghĩ đã đầy đủ rồi, vấn đề chỉ còn là cách người người quản lý thực thi như thế nào".
Quý An