Dư luận đang rúng động trước việc hàng loạt người ngộ độc nặng vì độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum - chất độc khét tiếng số 1 thế giới, 1 kg có thể giết hàng tỷ người – sau khi ăn pate Minh Chay.
Tại Hà Nội và TPHCM đều có bệnh nhân phải thở máy. Có bệnh nhân được bác sĩ tiên lượng phải thở máy hàng tháng nữa, tử thần đang rình rập và nếu phục hồi cũng phải mất rất nhiều thời gian. Việc điều trị gay go đến nỗi Bệnh viện Bạch Mai phải nhập khẩu thuốc giải độc từ Thái Lan với giá gần 190 triệu đồng/lọ.
Đáng sợ hơn, trong hơn 1.200 người tiêu dùng mua sản phẩm pate Minh Chay mà cơ quan chức năng thống kê, hiện vẫn còn hơn 100 người chưa liên lạc được. Nghĩa là những người này có thể đã, đang và sẽ gặp nguy hiểm vì những hộp đồ ăn chứa chất độc kinh khiếp đó.
Mức độ nghiêm trọng của vụ việc khiến dư luận nóng lòng muốn biết: Người nào có lỗi trong việc để pate nhiễm khuẩn, khâu nào có vấn đề trong quy trình sản xuất, bảo quản, phân phối? Cơ quan chức năng cần gấp rút điều tra ngay để có câu trả lời.
Sẽ thật ngớ ngẩn nếu cứ "túc tắc" kiểm tra như những vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm thông thường khác, bởi sự nguy hiểm của trường hợp này không kém gì một vụ đầu độc tập thể. Dù vô tình hay cố ý, thực tế vẫn là hàng chục người đã suýt mất mạng, có nạn nhân đến nay còn chưa chắc chắn thoát chết. Vì vậy, dù có động cơ đầu độc hay không, kẻ khiến cho pate Minh Chay thành vũ khí giết người phải bị xử lý thật nghiêm. Không thể viện cớ đây chỉ là "tai nạn nghề nghiệp" hay "sai sót không cố ý" để nương nhẹ, bởi trong nghề thực phẩm, sự tắc trách chính là tội ác, có thể biến người ta thành kẻ sát hại đồng bào mình.
Và dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm cơ quan chức năng trong vụ việc này. Bao nhiêu năm nay, người Việt Nam vẫn luôn phấp phỏng, bất an về tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khi đồ ăn bẩn tràn ngập, bủa vây khắp nơi, bệnh viện không lúc nào thiếu các ca ngộ độc. Để bảo vệ mình, ngày càng có nhiều người coi trọng khuyến cáo của cơ quan chức năng, chọn làm người tiêu dùng thông thái, chỉ dùng những thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ minh bạch, nhãn mác rõ ràng dù giá cao hơn.
Những người chọn mua pate Minh Chay chắc chắn hướng đến điều này, bởi pate là món được bán khắp hang cùng ngõ hẻm, ai cũng có thể tự nấu, tự bán. Vậy mà, chính họ lại phải chiến đấu với thần chết tại trung tâm chống độc.
|
Sản phẩm pate của Minh Chay. |
Ai đã biến những người tiêu dùng thông thái này thành kẻ ngốc? Đương nhiên, không thể bàn cãi về trách nhiệm của nhà sản xuất Minh Chay. Nhưng trong xã hội văn minh, người tiêu dùng luôn được bảo vệ bởi các cơ quan chức năng, hoạt động theo luật pháp. Tin vào cơ quan chức năng, dân an tâm mua ăn những sản phẩm được cấp phép – trong đó có pate Minh Chay, sản phẩm có nhãn hiệu của một doanh nghiệp sở hữu giấy phép kinh doanh, các sản phẩm được công nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhưng trong khi người ăn pate đường phố chưa làm sao thì họ bị ngộ độc, thậm chí rất nặng. Vậy quy trình kiểm tra, cấp phép, kiểm soát của nhà quản lý sai ở chỗ nào khiến thực phẩm độc lọt ra thị trường? Cơ quan nào, vị cán bộ nào phải chịu trách nhiệm trong việc này? Đến cả sản phẩm có nhãn mác hẳn hoi, nghĩa là độ an toàn được cơ quan chức năng thừa nhận mà còn gây ngộ độc thì người tiêu dùng biết mua gì nữa?
|
Cụ ông 70 tuổi ở Hà Nội ngộ độc pate Minh Chay phải thở máy. |
Một khi chưa có câu trả lời rõ ràng, người dân sẽ không biết dựa vào cái gì để xác định một sản phẩm an toàn và dám ăn, cũng như cho con cái, gia đình mình ăn. Một khi chưa có câu trả lời rõ ràng, “thảm họa Minh Chay” có nguy cơ tiếp tục lặp lại với những sản phẩm khác, thương hiệu khác. Các khuyến cáo sử dụng thực phẩm an toàn sẽ trở thành vô nghĩa. Mất lòng tin vào thực phẩm có nhãn mác, có thương hiệu, người dân sẽ lại mua các sản phẩm chưa được kiểm soát chất lượng và các vụ ngộ độc sẽ lại xảy ra.
Theo Hoàng Anh/VTC News