Panorama Mã Pì Lèng “càng sửa càng sai”, ai chịu trách nhiệm?

Google News

Mặc dù bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục vi phạm nhưng Panorama Mã Pì Lèng lại sửa chữa bề thế hơn trước đây và vẫn mở cửa đón khách thu tiền tham quan, ngắm cảnh.

Chưa cải tạo xong vẫn đón khách
Cuối tháng 12/2020, hình ảnh chụp nhà hàng Panorama Mã Pì Lèng sau khi chỉnh trang lan truyền trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, công trình có phần bề thế hơn trước đây và vẫn mở cửa đón khách thu tiền tham quan, ngắm cảnh.
Ngay sau khi có phản ánh, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã ra văn bản gửi Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang về việc đề nghị cung cấp thông tin cải tạo, sử dụng công trình Panorama Mã Pì Lèng, tỉnh Hà Giang.
Về phần chủ đầu tư đã tiến hành cải tạo, Sở Xây Hà Giang dựng khẳng định phần phá dỡ toàn bộ mái đua tầng 2 công trình phía tiếp giáp mặt đường giao thông thực hiện đúng theo phương án cải tạo. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng chỉ ra nhiều phần chưa được thực hiện khi cải tạo Panorama như chưa phá dỡ phần sàn thép theo phương án kiến trúc.
Cũng trong văn bản về việc kiểm tra thực tế công trình cải tạo tòa nhà Panorama trên đèo Mã Pì Lèng ngày 30/12/2020, Sở Xây dựng Hà Giang đưa ra các kiến nghị trong đó UBND huyện Mèo Vạc (Hà Giang) yêu cầu chủ đầu tư tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh cho đến khi hoàn tất cải tạo công trình. Đồng thời yêu cầu chủ đầu tư sửa lại thiết kế theo phương án kiến trúc đã được phê duyệt.
Panorama Ma Pi Leng “cang sua cang sai”, ai chiu trach nhiem?
 Công trình Panorama trên Mã Pì Lèng càng sửa càng sai
Dù vậy, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” vẫn diễn ra tại Panorama khi đang trong quá trình cải tạo, sửa chữa, công trình này vẫn đón khách, hoạt động dịch vụ, đặc biệt là vào các ngày cuối tuần và các dịp nghỉ lễ thu hút rất đông khách.
Nhà hàng, điểm dừng chân chỉ đón khách dừng chân ngắm cảnh, chụp ảnh "check in" với phong cảnh hùng vĩ của đèo Mã Pì Lèng nơi hẻm vực Tu Sản và bán vé thuyền du lịch trên dòng Nho Quế, chứ không phục vụ nghỉ đêm, nhưng bảng biển cho thuê phòng nghỉ vẫn được treo ở quầy bar, dù không có thông tin giá phòng.
Nhà hàng chỉ sử dụng tầng giật cấp đầu tiên cho khách ngắm cảnh, chụp hình, và phần công trình trên mặt đất gồm tầng 1 để bán quà, đồ lưu niệm, lễ tân, quầy bar. Hai tầng trên được dùng làm phòng nghỉ cho nhân viên, theo nhân viên ở đây. 4 tầng giật cấp xuống sườn đèo khóa cửa, không sử dụng, nhân viên Panorama cho hay.
Đợt nghỉ lễ Tết dương lịch vừa qua, nơi đây mỗi ngày thu hút hàng ngàn người đến ngắm cảnh với giá 50.000 đồng/người, bao gồm một đồ uống. 3 nhân viên của nhà hàng cùng với người quản lý luôn tất bật tiếp khách ra vào không ngớt.
Giám sát nhưng vẫn “lọt”?
Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Giang cho biết, UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Sở là yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng hoạt động nhà hàng cho đến khi cải tạo xong theo đúng phương án được phê duyệt. Đồng thời, chủ đầu tư phải phá dỡ 4 sàn nhô ra phía sông Nho Quế (mỗi sàn phá dỡ một nửa).
Theo đó, cuối tháng 12/2020, Sở Xây dựng Hà Giang đã lập đoàn công tác kiểm tra việc cải tạo công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng. Qua đó ghi nhận chủ đầu tư đã phá dỡ toàn bộ mái đua tầng hai phía tiếp giáp đường giao thông, diện tích 33 m2. Phần phá dỡ này đúng theo phương án cải tạo đã được cơ quan quản lý ở địa phương phê duyệt (phương án cải tạo).
Tuy nhiên, sau khi cải tạo, cao độ của hai đỉnh mái nhà hàng đều vượt gần 2m so với phương án cải tạo. Chủ đầu tư giải thích, do giữ lại bể nước phía trên, nên đã xây thu hồi để lợp mái, dẫn đến đỉnh tòa nhà vượt quy định.
Theo Sở Xây dựng, việc toà nhà lợp ngói màu xanh đen là không phù hợp. "Chủ đầu tư đã lợp ngói âm dương theo đúng phương án kiến trúc được duyệt, tuy nhiên do điều kiện gió lốc tại khu vực, mái ngói âm dương bị tốc, trượt không đảm bảo an toàn, nên phải thay loại vật liệu như hiện tại", báo cáo của Sở Xây dựng nêu.
Ngoài ra, phương án cải tạo yêu cầu chủ đầu tư phá dỡ 4 sàn thép nhô ra phía sông Nho Quế, tổng diện tích cần phá dỡ gần 100 m2, song chưa được thực hiện.
Quá trình kiểm tra, đại diện huyện Mèo Vạc giải thích đã cùng chủ đầu tư tìm kiếm các đội thi công để tháo dỡ những hạng mục này, nhưng do đây là các cấu kiện thép được thi công kiên cố, nên việc tháo dỡ gặp nhiều khó khăn.
"Qua kiểm tra cho thấy việc cải tạo công trình của chủ đầu tư không tuân thủ đúng phương án kiến trúc được duyệt", báo cáo của Sở Xây dựng nêu và khẳng định, nếu thực hiện đúng phương án, tổng diện tích sàn của nhà hàng Panorama sẽ giảm 131 m2 so với ban đầu.
Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh của nhà hàng, cho đến khi hoàn tất cải tạo công trình. Đồng thời, chủ đầu tư phải sửa lại kiến trúc nhà hàng đúng phương án được duyệt. Huyện Mèo Vạc "giám sát chặt chẽ quá trình cải tạo, không để chủ đầu tư tự ý thay đổi thiết kế, không tuân thủ đúng theo thiết kế đã thẩm định".
Mặc dù trong các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Giang về việc khắc phục vi phạm của công trình Panorama đều yêu cầu UBND huyện Mèo Vạc, Sở Xây dựng Hà Giang phải giám sát và thường xuyên báo cáo nhưng việc “càng sửa càng sai” vẫn diễn ra tại đây dẫn đến tình trạng vi phạm kéo dài, khiến dư luận bức xúc.
Mặc dù Sở Xây dựng đã đề nghị UBND huyện Mèo Vạc yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh của nhà hàng, tuy nhiên về phía trách nhiệm của các cơ quan quản lý vẫn chưa thấy Hà Giang lên tiếng.

Nguồn: VTV 


 
Hiểu Lam