Sở GD&ĐT TP HCM mới đây có văn bản gửi Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ về xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hoá của ông Vương Tấn Việt (thượng toạ Thích Chân Quang).
Theo đó, Sở GD&ĐT TP HCM xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp THPT của ông Vương Tấn Việt (sinh năm 1959) như sau: “Không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở GD&ĐT TP HCM. Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GD&ĐT TP HCM".
|
Ông Vương Tấn Việt (người đứng ở giữa) nhận bằng tiến sĩ năm 2022.
|
Từ kết quả rà soát của Sở GD&ĐT TPHCM có thể thấy, ông Vương Tấn Việt không có văn bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa. Dư luận đặt câu hỏi về việc trường hợp ông Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba, các văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ và đại học đã cấp có bị thu hồi, hủy bỏ cũng như trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan vụ việc này?
Ông Vương Tấn Việt từng tốt nghiệp Đại học ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội) vào năm 2001. Đến năm 2017, ông Vương Tấn Việt trúng tuyển văn bằng 2, khóa 1 trình độ Đại học Luật, hình thức vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật Hà Nội mở tại Trường Cao đẳng Bách Việt, TP HCM. Tháng 3/2022, ông Vương Văn Việt được cấp bằng Tiến sĩ ngành luật Hiến pháp - Hành chính.
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Trường Đại học Hà Nội cho biết nhà trường vừa nắm được thông tin xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt. Tuy nhiên, Đại học Hà Nội chưa nhận được yêu cầu hay văn bản nào từ Bộ GD&ĐT về trường hợp của ông Vương Tấn Việt. Khi có yêu cầu của cơ quan chức năng, trường sẽ thực hiện, xử lý bằng Đại học theo quy định của bộ GD&ĐT.
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội khi trao đổi với báo chí cũng nói rằng đã nắm được thông tin qua các kênh truyền thông. Tuy nhiên, phía trường Đại học Luật Hà Nội cũng chưa nhận được bất kỳ văn bản, thông tin chính thức nào liên quan đến vấn đề này. Nếu trường Đại học Luật Hà Nội nhận được chỉ đạo của cơ quan quản lý hoặc thông tin từ những nguồn chính thức, trường sẽ thực hiện các quy trình theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Hừng Đông cho rằng, trường hợp ông Vương Tấn Việt không có bằng tốt nghiệp cấp ba, đương nhiên, các văn bằng tiến sĩ, thạc sĩ và đại học đã cấp sẽ bị thu hồi. Bởi một trong những điều kiện để dự thi, xét tuyển vào bậc đại học phải có bằng tốt nghiệp cấp ba. Khi chưa tốt nghiệp cấp ba đương nhiên không đủ điều kiện.
Theo khoản 3, Điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18/3/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học quy định: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".
Điểm a, khoản 3, Điều 16, Thông tư 23/2021/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ cũng quy định: "Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng Thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ GD&ĐT: Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ".
Theo khoản b, Điều 21, thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ GD&ĐT ban hành quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ quy định, nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng Tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp sau: Hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được hội đồng thẩm định thông qua theo quy định.
Như vậy, theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.
Theo luật sư Nguyễn Danh Huế, ông Vương Tấn Việt tốt nghiệp văn bằng 1 tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Hà Nội), khoa tiếng Anh nên nếu không có bằng cấp 3 sẽ bị thu hồi văn bằng này. Ông Việt tiếp tục dùng văn bằng 1 này để nộp sang Đại học Luật Hà Nội để học văn bằng 2 ngành luật nên văn bằng cử nhân này cũng bị thu hồi. Ông Việt dùng văn bằng 2 để làm điều kiện xét tuyển, thi tuyển nghiên cứu sinh, do đó bằng tiến sĩ cũng bị thu hồi.
“Tôi cho rằng, căn cứ vào công văn của Sở GD& ĐT TPHCM, Trường Đại học Hà Nội cần thu hồi bằng cử nhân Tiếng Anh, Đại học Luật Hà Nội cần thu hồi bằng cử nhân Luật, bằng Tiến sĩ Luật đối với ông Vương Văn Việt do không đủ điều kiện”, luật sư Nguyễn Danh Huế nêu ý kiến.
Ngoài ra cần xem xét trách nhiệm trường Đại học Hà Nội như thế nào. Bởi Đại học Hà Nội là cơ sở đầu tiên tiếp nhận, họ có thẩm tra xác minh bằng tốt nghiệp cấp ba của ông Vương Văn Việt hay không? Đối với trường Đại học Luật Hà Nội cần xem xét quy trình đào tạo người học và người dạy có khuất tất hay không.
“Bộ GD&ĐT cần thanh tra toàn diện quá trình dạy và học tại các cơ sở đào tạo đã cấp bằng cho ông Vương Văn Việt”, luật sư Huế đề nghị.
Trước đó, ngày 25/6, Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đã có công văn hỏa tốc gửi Trường đại học Luật Hà Nội yêu cầu báo cáo về quá trình tuyển sinh, đào tạo đối với nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt.
Theo Vụ Giáo dục đại học, hiện nay có nhiều thông tin trái chiều về việc tuyển sinh, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ đối với ông Vương Tấn Việt tại Trường đại học Luật Hà Nội.
Để có thông tin đầy đủ, Bộ GD&ĐT đề nghị Trường đại học Luật Hà Nội khẩn trương báo cáo cụ thể về quá trình tuyển sinh, đào tạo tiến sĩ (bao gồm cả việc nộp hồ sơ phản biện, bảo vệ luận án...) và có minh chứng kèm theo đối với hồ sơ của ông Vương Tấn Việt; gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT (qua Vụ Giáo dục đại học) trong ngày 26/6 để tổng hợp.
Trả lời báo chí khi đó, Trường đại học Luật Hà Nội khẳng định tổng thời gian đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt (tức thượng tọa Thích Chân Quang) đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT, và quyết định của nhà trường.
Theo Trường đại học Luật Hà Nội, học viên Vương Tấn Việt sinh năm 1959, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường đại học Ngoại ngữ (nay là Trường đại học Hà Nội); tốt nghiệp đại học ngành luật năm 2019 tại Trường đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học).
Tháng 6/2024, Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì chùa Thiền Tôn Phật Quang bị Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong 2 năm. Nguyên nhân được xác định một số nội dung thuyết giảng về giáo lý nhân quả của ông không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng uy tín Giáo hội.
Tâm Đức