Ông Võ Văn Thưởng: Lợi ích của nhân dân là mục tiêu của mọi đường lối

Google News

Trong quá trình xây dựng đất nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát, mục tiêu quan trọng của mọi chủ trương, đường lối', ông Võ Văn Thưởng nói.

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại Hội thảo khoa học tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh (Nghị quyết số 23), diễn ra ngày 24/2, tại Hà Nội.
Nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23, kinh tế đất nước có bước phát triển vượt bậc và quan trọng.
Những kết quả thực hiện Nghị quyết đã đóng góp rất quan trọng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của thời kỳ đổi mới, góp phần để “đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị trí và uy tín quốc tế như ngày nay” - như khẳng định của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ong Vo Van Thuong: Loi ich cua nhan dan la muc tieu cua moi duong loi
 Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN
Dự báo thời gian tới, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tình hình trong nước nhiều thuận lợi xen lẫn khó khăn. Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh vấn đề đặt ra là phải tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng đến năm 2030, tầm nhìn phát triển đất nước đến 2045 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Đại đoàn kết toàn dân tộc là một vấn đề lâu dài, thường xuyên và chiến lược. Trong thời gian tới, mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đảm bảo lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh, phồn vinh hạnh phúc, phấn đấu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, là điểm chung nhất, điểm tương đồng để dựa vào đó đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam trong và ngoài nước.
Trong quá trình xây dựng đất nước, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân phải là điểm xuất phát, là mục tiêu quan trọng. Dân là gốc, sự hài lòng của người dân là thước đo quan trọng nhất của mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, Thường trực Ban Bí thư khẳng định.
Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục củng cố, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường liên minh giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp tri thức; xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng ngày càng vững mạnh.
“Xây dựng cơ sở chính trị-xã hội của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống thói hư tật xấu trong Đảng cũng như trong xã hội. Chúng ta sẽ tiếp tục làm mạnh hơn nữa trong thời gian tới, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng thực sự là công bộc của nhân dân, gương mẫu, đi trước để nhân dân đi theo, "biết lo trước cái lo của dân, vui sau niềm vui của dân". Không ngừng nâng tầm trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo và cầm quyền của Đảng để đưa đất nước vững vàng tiến lên”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Quan điểm đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở.
Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều. Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân...
Để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả hơn quan điểm “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Do đó, chúng ta cần phải đánh giá toàn diện, đầy đủ, thực chất những kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, việc thực hiện Nghị quyết số 23 nói riêng; trên cơ sở đó, tiếp tục thống nhất chủ trương, quan điểm và đề xuất hệ thống giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.
Theo TTXVN