Tối 24/7, ông Võ Kim Cự - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, người đã ký giấy chứng nhận đầu tư cho Formosa đầu tư nhà máy luyện thép tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh những dư luận về quá trình cấp phép dự án này có liên quan đến ông.
|
Ông Võ Kim Cự - Ảnh: Nam Trần. |
Sau khi được cấp phép và hoạt động,
Formosa xảy ra sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề tại 4 tỉnh miền Trung.
Tôi bận, chứ không né tránh
* Suốt hơn 3 tháng từ khi xảy ra sự cố môi trường do Formosa gây ra ông hoàn toàn im lặng, dù dư luận "soi" ông rất dữ. Báo chí hỏi không trả lời, báo Tiền Phong dẫn lời lãnh đạo Hà Tĩnh nói Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh gọi ông cũng không bắt máy? Vì sao ông không lên tiếng?
- Báo nào nói Bí thư, chủ tịch Hà Tĩnh gọi mà không bắt máy thì tôi không biết. Nhưng chỉ gần đây khoảng ngày 16 đến 19/7 có vài phóng viên đề nghị gặp nhưng do bận nên tôi từ chối, hẹn sau đại hội Liên minh HTX Việt Nam. Mấy ngày đó quá bận, chúng tôi phải tập trung.
* Nhưng thưa ông, tại hành lang Quốc hội, nhiều phóng viên, trong đó có cả tôi, hỏi ông về vấn đề Formosa ông đều bước nhanh, không trả lời. Chủ tịch Quốc hội cũng nhận được phản ánh này và nói sẽ đề nghị ông trả lời báo chí về Formosa?
- Tại hành lang Quốc hội cũng có phóng viên đề nghị gặp, tôi cũng nói là sẵn sàng gặp, không từ chối. Nhưng thời gian nghỉ giải lao chỉ 20 phút, đủ vào ra, uống chén nước, mà nội dung thì chưa biết phóng viên hỏi gì. Nói dài thì không đủ thời gian mà nói ngắn thì không đầy đủ nên tôi chờ thời gian thích hợp hơn.
Tôi tham gia quản lý dự án Formosa này từ đầu. Tình hình thiệt hại của dân, tâm tư của dân, mình không thể đứng ngoài cuộc được. Đồng thời mình là đại biểu Quốc hội thì phải phản ánh tâm tư nguyện vọng của dân. Trả lời thì chỉ có lợi thôi, tôi không né tránh, không đùn đẩy.
* Nhưng dư luận về ông thì đã có từ lâu, ngay khi sự cố xảy ra, báo chí cũng đã liên hệ, thời gian rất dài hơn 2 tháng. Sao ông không xuất hiện để nói lại vấn đề mà dư luận đặt ra?
- Trước tình hình một vấn đề lớn như vậy liên quan đến đối nội, đối ngoại thì cũng phải kiên trì, chờ đợi xử lý chung toàn cục, chứ đâu thể tự ý phát ngôn theo ý mình được. Tôi không né tránh, nhưng có những việc vượt khỏi thẩm quyền. Không chỉ tôi mà bất kỳ ai cũng chưa thể trả lời ngay được.
"Tôi có phần trách nhiệm"
* Hậu quả Formosa gây ra với bốn tỉnh miền Trung ngày hôm nay ông có từng nghĩ đến khi đặt bút ký giấy phép cho họ?
- Thật sự là bất ngờ. Đùng một cái xảy ra sự cố, nghe như kiểu là "tin giật gân". Vì trước đó chúng tôi đã bắt buộc Formosa tuân thủ luật pháp Việt Nam, đảm bảo môi trường...
Tôi thật sự băn khoăn và trăn trở vì thấy họ đã cam kết, đầu tư một lượng vốn khá lớn, cứ nghĩ như vậy thì họ sẽ làm việc nghiêm túc. Có ai ngờ...
* Thưa ông, với tư cách là người đứng đầu chính quyền Hà Tĩnh lúc đó, là người ký giấy phép cho Formosa, làm sao ông có thể tự “nghĩ” như vậy được mà phải có biện pháp chứ? Ông tin Formosa nhiều quá nên công tác kiểm tra kiểm soát đã không đủ chặt chẽ để buộc Formosa thực hiện?
- Thời gian tôi làm ở Hà Tĩnh thì Formosa chỉ làm mặt bằng, chưa có gây ra ảnh hưởng đến sự cố môi trường biển. Còn quá trình lắp đặt thiết bị là cuối năm 2015 và đầu năm 2016 mới lắp thiết bị và chạy thử, khi đó tôi đã rời Hà Tĩnh, không thể trực tiếp chỉ đạo, giám sát nữa.
Chúng ta cũng cần khách quan là đây là thời điểm chạy thử, bên phía bạn cũng đang tiến hành kiểm tra lại quy trình vận hành, cho nên sự cố này xảy ra cũng là để chúng ta bắt buộc họ làm nghiêm ngay từ đầu. Những cái này thật sự bất ngờ đối với tôi, chứ không phải mình thấy mà lại vô trách nhiệm, không quan tâm.
* Có nhiều ý kiến, trong đó cả các ĐBQH đề nghị đóng cửa Formosa, quan điểm của ông ra sao?
- Nếu Formosa không làm đúng cam kết thì không những đóng cửa nhà máy mà còn phải trừng phạt họ ở mức cao hơn nữa đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân.
* Năm 2008 ông trả lời báo chí nói về viễn cảnh tươi đẹp khi Hà Tĩnh có Formosa: thu ngân sách hàng chục tỉ USD, người dân có việc làm... Bây giờ thì cá chết, hàng vạn ngư dân điêu đứng. Ông có xót xa?
- Tất nhiên là tôi chia sẻ về băn khoăn này, để cho hàng vạn người bị ảnh hưởng. Nhưng đúng là nếu không có sự cố này xảy ra thì hàng chục vạn lao động của Hà Tĩnh và các tỉnh thành có việc làm, tạo ra nguồn thu lớn cho tỉnh.
Năm 2014 Hà Tĩnh thu được gần 10 ngàn tỉ, 2015 hơn 10 ngàn tỉ. Như vậy dự báo đó là có tính khả thi thật sự. Nếu như sự cố môi trường này không xảy ra thì rõ ràng là như vậy.
* Nhưng sự cố đã xảy ra rồi, đó là sự đánh đổi quá đắt?
- Đây cũng là bài học xương máu, không chỉ riêng dự án này mà để các dự án tiếp theo, không thể bằng mọi giá mà phải đảm bảo phát triển bền vững, môi trường, xã hội, đảm bảo quyền lợi cho dân.
* Ông là người đã ký giấy phép cho Formosa và kiến nghị rất nhiều ưu đãi cho Formosa, bây giờ sự cố xảy ra ảnh hưởng đến 100.000 lao động (theo báo cáo của Chính phủ). Ông nói ông không sai gì, như vậy ông có hoàn toàn thanh thản?
- Tôi nói là vấn đề cấp phép là đúng quy định. Còn việc vi phạm, nguyên nhân vi phạm là việc hoàn toàn của Formosa, tất nhiên là phải trăn trở. Hai chuyện đó khác nhau.
* Nghĩa là cá nhân ông và lãnh đạo Hà Tĩnh thời điểm cấp phép cho Formosa là không liên quan trách nhiệm?
- Cấp phép là cấp đúng, nhưng thực thi không đúng.
* Thực thi đâu chỉ có Formosa mà kèm theo cả trách nhiệm kiểm soát của cơ quan chính quyền Hà Tĩnh, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh chứ?
- Tất nhiên về phía địa phương Hà Tĩnh cũng có trách nhiệm ở đây nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Họ có cả bộ máy, họ có cả thẩm quyền và trách nhiệm hậu kiểm đằng sau, như các bộ ngành của trung ương.
* Thưa, tôi muốn hỏi trách nhiệm cá nhân ông?
- Bản thân cá nhân tôi cũng có phần trách nhiệm cùng với bộ máy địa phương. Tôi đã nói đây là một bài học kinh nghiệm để cho các dự án tiếp theo. Nhưng phải làm rõ ràng.
* Trong dư luận của người dân, trên mạng xã hội, đã có ý kiến đòi bãi miễn tư cách ĐBQH của ông vì vấn đề Formosa. Ông nghĩ gì?
- Căn cứ nào? Tôi chưa nghe nói. Cái này tôi không bình luận, cái đó thuộc các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
|
Ống xả ngầm ra biển Vũng Áng của Formosa. |
“Cấp phép Formosa 70 năm là đúng luật”
* Trong cuộc họp báo mới đây, Thanh tra Chính phủ cho rằng việc Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa là chưa đúng pháp luật, đồng thời lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trong thời điểm đó cũng phải có trách nhiệm. Ông nói gì về điều này?
- Tôi khẳng định là tôi làm đúng. Khi thẩm định dự án đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... Sau đó báo cáo Chính phủ và Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.
Các căn cứ để cho Formosa thuê đất 70 năm là căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ vào Quyết định 72 và Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Việc cấp phép đầu tư 70 năm là căn cứ vào điều 36 của Luật Đầu tư quy định đối với những dự án có nguồn đầu tư có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và đạt được các tiêu chí như cần khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như luyện thép, cảng biển, sản xuất điện và sử dụng trên 5.000 công nhân trở lên.
Dự án của Formosa đã đạt được cả 4 tiêu chí đó và cấp phép là đúng theo quy định của pháp luật.
Theo Tuổi Trẻ