Mánh lới tuyển chọn người bán hàng rong
Để có được một đội ngũ phù hợp với công việc, các đối tượng đứng đầu đường dây chăn dắt người bán hàng rong cũng rất tinh vi. Không phải ai bọn chúng cũng lấy về mà phải có sự tuyển lựa sao cho phù hợp với công việc.
Thông thường chúng ta vẫn hay thấy những cháu nhỏ, người già, phụ nữ và cả những người bị khuyết tật đi bán hàng rong ở trên các tuyến phố, những nơi công cộng có đông người qua lại. Không phải là tất cả trong số đó đều bị chăn dắt nhưng đại đa số là có kẻ đứng đằng sau điều khiển.
|
Các thế lực "chăn dắt" thường chọn người có ngoại hình khắc khổ. |
Những người bán hàng rong thường có ngoại hình khắc khổ, họ có vẻ bề ngoài là những người ở nông thôn có cuộc sống nghèo khó. Trong thâm tâm của mỗi người từ xưa đến nay thường là “áo lành đùm áo rách”. Thấy người khác khó khăn hơn nên ai cũng muốn chia sẻ phần nào, giúp họ bớt khó khăn. Lợi dụng tính nhân văn ấy, những kẻ “đầu mào” của đường dây chăn dắt bán hàng rong đã áp dụng triệt để.
Tìm cách thoát khỏi "thế lực ngầm"
Theo chia sẻ của một cụ bà tên Hoa (hơn bảy mươi tuổi), quê ở một huyện vùng miền núi của tỉnh Hòa Bình: “Ngày trước, khi tôi mới lên đây làm nghề này, tôi cũng bị một người đàn ông khoảng ngoài ba mươi tuổi bảo về với cơ sở của người này. Lúc ấy tôi mới lên Hà Nội kiếm sống nghe người đàn ông này nói sẽ trả lương hàng tháng nếu về làm ở đó nên tôi cũng theo về”.
“Lúc mới đến tôi được người này dạy cách đi bán hàng rong, phải đến những nơi có đông người qua lại, có nhiều hàng quán. Khi vào chào bán hàng phải tỏ ra mình là người khó khăn, bệnh tật ốm yếu để người ta thương hại giúp đỡ.
Tôi thấy ở đấy có khoảng gần chục cháu nhỏ từ vài tuổi đến khoảng hơn chục tuổi, cũng có vài người già và vài người phụ nữ trung tuổi. Nói chuyện thì biết họ đều ở những nơi xa đến. Nhưng về sau tôi thấy làm ở đó phụ thuộc quá nên không làm”, bà Hoa kể.
|
Bà Hoa phải tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của các "thế lực ngầm". |
Được biết, thời gian bà tham gia vào đội ngũ bán rong có những người giật dây đã cách đây đã 4 năm. Tuy nhiên bà cũng cho hay, hiện nay vẫn có tình trạng này.
Cũng theo chia sẻ từ một số người bán hàng rong khác từng là thành viên của những đường dây này, những người được đưa về các cơ sở này đều ở cách xa Hà Nội, có cuộc sống khó khăn. Khi vào tham gia các đường dây, họ đều không nghĩ mình bị lợi dụng để kiếm tiền cho kẻ cầm đầu.
Những “ông trùm” thường đi tìm người ở vùng sâu, vùng xa, kém hiểu biết để về làm việc cho đường dây, thuận tiện cho việc sống “kí sinh” nhờ vào sức lao động của người khác. Những kẻ cầm đầu đường dây thường là những con nghiện hoặc những thành phần bất hảo trong xã hội. Đối tượng tham gia hệ thống làm việc cho chúng cũng được lựa chọn theo đúng ý đồ đã định sẵn.
Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin