Nhiều người tưởng rằng, Tết đã "nhạt" dần vì thời đại công nghiệp hóa, cái gì cũng sẵn, chỉ một cú click chuột là "Tết đầy nhà". Thế nhưng, nhiều gia đình ở Thủ đô Hà Nội vẫn cầu kỳ gói bánh chưng bằng tay, thậm chí không cần khuôn đúc mà bánh đẹp, vuông vức. Với họ, điều quan trọng là không khí Tết thực sự đầm ấm và giáo dục truyền thống cho con cháu.
Có một điều đặc biệt là, gia đình chị Yến đã nhiều năm duy trì việc gói bánh chưng bằng tay mà không cần khuôn đúc. Những chiếc bánh vuông vức, chứa đựng cả tình cảm của người gói vào trong đó cho một cái Tết đầm ấm, yên vui và đón những niềm vui, may mắn trong năm mới.
|
Ông nội chi Lưu yến là cụ Lưu Văn Xế, năm nay đã 87 tuổi nhưng năm nào cũng cùng con, cháu tự tay gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán mà không cần dùng khuôn. |
|
Bánh được xếp vào nồi cẩn thận và luộc bằng bếp củi trong khoảng 10-12 tiếng đồng hồ. |
|
Trong khi ngồi trông bánh, con cháu quây quần, nướng thịt, nướng khoai. |
|
Chị Yến cũng tranh thủ nướng thịt cho các con nhỏ. |
|
Đám trẻ con trong nhà háo hức ngồi canh bánh chưng. Việc gói bánh chưng đã giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết, là cách thiết thực để giáo dục truyền thống gia đình cho các thế hệ sau. |
|
Bánh sau khi chín được vớt ra và rửa, lau, xếp rất cẩn thận. |
|
Anh Phạm Đức Mạnh, một người bạn thân thiết của gia đình cũng lên chơi và gói bánh cùng. Trong ảnh, anh Mạnh đang rửa bánh, mẹ chị Lưu Yến là bà Nguyễn Thị Nguyên và bố là ông Lưu Văn Long đang soi đèn để vớt bánh. |
|
Anh Mạnh đã nhiều năm tham gia gói bánh chưng cùng gia đình chị Yến trong dịp Tết. |
|
Những chiếc bánh chưng được xếp ngay ngắn, ép cho cứng lại. |
|
Có một điều đặc biệt là, gia đình chị Yến đã nhiều năm duy trì việc gói bánh chưng bằng tay mà không cần khuôn đúc. Những chiếc bánh vuông vức, chứa đựng cả tình cảm của người gói vào trong đó cho một cái Tết đầm ấm, yên vui và đón những niềm vui, may mắn trong năm mới. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị Lưu Yến (Hà Nội) chia sẻ lý do lựa chọn gói bánh chưng dù công việc rất bận: "Tôi thấy việc tự tay chuẩn bị từ lá dong đến gạo nếp, đỗ và gói bánh chưng bằng tay mang lại không khí Tết truyền thống. Tôi mong muốn các con, cháu về sau có kỷ niệm đón Tết thực sự đầm ấm, vui tươi, đẹp đẽ như tôi đã từng có. Những ký ức do ông bà, cha mẹ tạo ra từ nồi bánh chưng tự chuẩn bị nhiều năm qua đã theo tôi cho đến tận bây giờ. Nét đẹp của văn hóa truyền thống đã giúp tôi tự tin và yêu cuộc sống này hơn. Đó là điều tôi mong các con, cháu mình cũng sẽ cảm nhận được".
Ngồi trông nồi bánh chưng, các con chị rất háo hức, còn chuẩn bị thêm ngô, khoai tây và thịt để nướng ăn, đảm bảo sức khỏe trông nồi bánh chưng trọn vẹn trong suốt nhiều giờ luộc bánh. Đặc biệt, nhiều năm nay, năm nào gia đình chị cũng quây quần sum họp bên nồi bánh chưng, từ người già cho đến trẻ nhỏ. Ông nội chị Yến là Lưu Văn Xế đã 87 tuổi nhưng luôn nêu gương gói bánh chưng bằng tay cho con, cháu học tập.
"Nhìn các con, tôi lại thấy mình của ngày xưa, cũng từng háo hức, vui tươi và hồn nhiên như thế. Cảm giác đó là một hạnh phúc lớn lao khó diễn tả bằng lời. Bớt một chút thời gian sau cả năm bận rộn miệt mài với công việc và bao lo toan cuộc sống để nhận lại niềm vui và nụ cười con trẻ, nhận lại sự trưởng thành trong tâm hồn và hành động của các con, tôi nghĩ cũng đáng để làm lắm", chị Yến vui vẻ nói.
Nhiều người khen ngợi chị khéo tay vì gói bánh chưng vuông sắc lẹm mà không cần khuôn và cho rằng, việc gói bánh chưng như chị mới là "chuẩn không khí Tết". Chị Yến chỉ cười, bảo rằng, việc tự tay gói bánh chưng cũng là xuất phát từ mong muốn của bản thân.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm gói bánh chưng "chuẩn không khí Tết", chị Yến cười khiêm tốn: "Việc gói bánh chưng, tôi nghĩ rất nhiều người còn khéo tay hơn mình. Ở cùng ông bà nên nhà tôi gói tất cả 25kg gạo nếp. Do vẫn phải đi làm nên tôi chỉ tranh thủ ít thời gian ngày nghỉ cuối tuần, gói bánh sớm hơn mọi năm. Việc rửa lá và cắt sống lá là bà ngoại chuẩn bị hết từ trước. Gạo thì nhà làm ra nên chỉ cần vo sạch, sóc muối sau đó là gói luôn".
Cũng theo lời chị Yến, công đoạn chuẩn bị khá cầu kỳ. Đỗ ngâm và đãi sạch vỏ. Thịt thường để 1 lạng/1 cái nên miếng thịt cũng được thái rất to, ướp tiêu, muối cho ngấm. Lá bánh khi cắt phải lọc lá to, lá bé ra riêng để người gói biết cách lựa chọn. Thường khi gói bánh, nếu là lá bé thì ghép 2 lá làm lá vỏ và sẽ mất 4 lá cho 1 cái bánh. Còn lá bánh to thì chỉ mất 3 lá.
Để bánh được dẻo và rền thì sau khi đun sôi nồi luộc bánh phải duy trì lửa và nước ngập bánh trong vòng 10-12 giờ đồng hồ. Muốn bánh không bị thiu, sau khi bánh chín, vớt bánh ra phải rửa lại với nước để cho lá bánh và những chất keo từ bánh không bám ở ngoài lá bánh. Rửa xong để bánh ráo nước, nguội bánh thì cho vào ép để bánh cứng lại.
Một trong những việc cần lưu ý là cọng cứng của lá bánh khi cắt đi bao giờ cũng để lại, lúc luộc bánh cho xuống đáy nồi, chống cháy. Xếp bánh vào đun phải xếp lần lượt, chèn bánh sao cho vừa đủ chặt để khi cho nước vào, bánh không bị nổi.
Một mẹo nhỏ là nên buộc bánh thành từng cặp cho vào nồi để khi vớt bánh không bị nóng.
Theo Dương Thu/Người Đưa Tin