Tại phiên tòa phiên xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án Tổng công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) sáng 17/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son bất ngờ thay đổi lời khai và khẳng định không nhận 3 triệu USD từ ông Phạm Nhật Vũ và hàng trăm nghìn USD từ Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone) và Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc Mobifone).
Lý do thay đổi lời khai so với khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Nguyễn Bắc Son nói rằng, khi đó sức khoẻ rất yếu, tinh thần hoảng loạn nên khai số tiền như vậy nhưng thực ra không nhận.
Thậm chí, khi chủ toạ phiên toà dẫn chứng lời khai, thư gửi vợ và con gái của bị cáo với nội dung đề nghị khắc phục hậu quả cũng như việc vẽ vị trí nhận tiền tại nhà và vali nhận tiền từ ông Phạm Nhật Vũ do chính bị cáo thực hiện, ông Nguyễn Bắc Son một lần nữa khai rằng thực hiện những việc trên trong lúc đó sức khoẻ không tốt.
Trả lời HĐXX về việc: “Trong thư gửi cho vợ và con gái viết cái gì? Có phải nói cố gắng sắp xếp khắc phục hậu quả không? Bị cáo có tự nguyện lấy hơn gần 600 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng nộp lại nhà nước không?”, bị cáo Nguyễn Bắc Son khẳng định là có nội dung như vậy nhưng nói chỉ viết như vậy chứ không có nhận tiền.
|
Bị cáo Nguyễn Bắc Son. |
Trước việc bị cáo Nguyễn Bắc Son phủ nhận lời khai trước đó, Chủ toạ yêu cầu Thư ký toà trích lời khai của các bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Nhật Vũ về việc đưa tiền cho ông Son. Toà cũng trực tiếp cho bị cáo Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đứng dậy đối chất và các bị cáo này tiếp tục giữ nguyên lời khai rằng đã đưa tiền cho ông Son. Trích thư mà bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi vợ, HĐXX hỏi: “Lời thư này có phải của một người tinh thần hoảng loạn không?” – Bị cáo Nguyễn Bắc Son im lặng!
Trao đổi với PV Kiến Thức về tình tiết bất ngờ trên, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định pháp luật thì tất cả các tài liệu chứng cứ, tình tiết của vụ án đã được cơ quan điều tra thu thập hoặc các tài liệu chứng cứ do luật sư xuất trình đều phải được kiểm tra đánh giá công khai tại phiên tòa để xác định sự thật của vụ án và đánh giá giá trị chứng minh của các chứng cứ.
Trong trường hợp tại phiên tòa mà bị cáo phản cung, không thừa nhận nội dung lời khai của mình tại cơ quan điều tra, không nhận tội thì hội đồng xét xử cũng sẽ rất thận trọng phân tích, đánh giá, làm rõ từng tình tiết chứng cứ, đặc biệt là các chứng cứ buộc tội mà cơ quan điều tra đã thu thập được trước đó.
Theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự, lời khai nhận tội của bị can bị cáo không phải là căn cứ duy nhất để kết tội, lời khai nhận tội này phải phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác thì mới có cơ sở kết luận sự việc.
Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, việc chứng minh tội phạm phải được thực hiện bằng các chứng cứ được thu thập hợp pháp.
"Bởi vậy, ông Nguyễn Bắc Son có nhận số tiền 3.000.000 USD hay không, nhận số tiền vì mục đích gì thì phải căn cứ vào nhiều nguồn thông tin, tài liệu khác nhau chứ không chỉ căn cứ vào lời khai của ông Nguyễn Bắc Son, cụ thể là lời khai của người đưa tiền, lời khai của người làm chứng phải người liên quan và các dấu vết chứng cứ khác...", Luật sư Cường cho biết.
Trong trường hợp ông Nguyễn Bắc Son phản cung, không thừa nhận nội dung lời khai trong giai đoạn điều tra thì hội đồng xét xử cũng sẽ làm rõ lý do tại sao bị cáo lại phản cung, trong quá trình điều tra có bị bức cung, ép cung nhục hình hay không, có tự nguyện khai báo hay không, việc thay đổi lời khai là có căn cứ, có cơ sở hay không, nội dung lời khai thay đổi có phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác hay không để làm cơ sở xác định sự thật của vụ án.
Trong trường hợp bị cáo phản cung tại phiên tòa nhưng nội dung phản cung đó được Hội đồng xét xử đánh giá là không có căn cứ, các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ và các tình tình tiết đã được làm rõ tại phiên toà đã đầy đủ căn cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo thì tòa án vẫn có thể kết tội mà không phụ thuộc vào lời khai chối tội tại phiên tòa.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng tòa án vẫn có đủ căn cứ để kết tội bằng các tài liệu chứng cứ khác, tòa án sẽ xác định là bị cáo không thành khẩn và sẽ có mức hình phạt nghiêm khắc.
Trường hợp hội đồng xét xử thừa nhận nội dung lời khai tại phiên toà của bị cáo, có căn cứ cho thấy bị cáo đã bị bức cung, dùng dùng nhục hình hoặc có những yếu tố khác tác động khiến lời khai tại giai đoạn điều tra không khách quan thì hội đồng xét xử sẽ phải xem xét đánh giá lại các chứng cứ buộc tội thu thập trong giai đoạn điều tra và có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các tình tiết, chứng cứ của vụ án.
Để buộc tội ông Nguyễn Bắc Son và một số bị cáo khác về tội nhận hối lộ thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát cần có các tài liệu chứng cứ để chứng minh những người này đã thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của người đưa hối lộ và thực tế đã nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất sau khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ đó.
Nếu không chứng minh được việc các bị cáo đã nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ hoặc không chứng minh được việc bị cáo thực hiện hành vi sai công vụ là do có sự thỏa thuận với người đưa hối lộ thì không thể buộc tội được các bị cáo.
“Vấn đề này tòa án sẽ phải làm rõ trong các phiên tòa tới đây theo nguyên tắc không oan sai nhưng cũng không thể bỏ lọt tội phạm. Nếu có những tình tiết, chứng cứ của vụ án mà không thể làm rõ tại phiên tòa thì hội đồng xét xử có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các tình tiết, chứng cứ của vụ án, xác định định sự thật của vụ án để làm cơ sở giải quyết vụ án một cách công bằng, đúng pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
>>> Mời độc giả xem video Xét xử Mobifone mua AVG: Luật sư xin xử kín:
Theo cáo trạng, sau khi hoàn thành dự án MobiFone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, đáp ứng được mong muốn của Nguyễn Bắc Son và ông Phạm Nhật Vũ nên ông Vũ đã đến nhà riêng của Nguyễn Bắc Son tại số 14 ngõ 36 C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD.
Ông Nguyễn Bắc Son đã mang 3 triệu USD lên phòng làm việc tại tầng 2 và xếp đầy vào 1 chiếc va li du lịch loại nhỏ màu đen nhãn hiệu Samsonite, xếp đầy 1 ba lô du lịch tối màu, số còn lại cho vào 1 chiếc va li du lịch loại to màu trắng nhãn hiệu Samsonite, sau đó cất ra ngoài ban công được quây kín bằng khung nhôm kính.
Sau đó, toàn bộ số tiền 3 triệu USD, bị can Nguyễn Bắc Son đưa cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 USD đến 400.000 USD trong những lần Huyền từ TP.HCM ra Hà Nội thăm gia đình. Khi đưa tiền cho con gái, bị can Nguyễn Bắc Son dặn không được gửi tiết kiệm, còn đầu tư vào đâu thì tùy.
Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ bị can Nguyễn Bắc Son. Cụ thể, làm việc với cơ quan công an, bà Huyền thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể. Bà Huyền khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà Huyền vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Hải Ninh