Bị đề nghị tổng cộng 30 năm tù
Viện Kiểm sát cho rằng, năm 1993 UBND TPHCM giao khu đất thuộc sở hữu Nhà nước có diện tích 36.676,10ha tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9, TPHCM cho SAGRI làm cơ sở chăn nuôi heo.
Đến năm 2008, UBND TPHCM phê duyệt phương án xử lý tổng thể nhà, đất của SAGRI, chấp thuận cho SAGRI chuyển mục đích sử dụng đối với khu đất trên. Ngày 31/10/2008, SAGRI ký hợp đồng với Tổng công ty CP Phong Phú để hợp tác kinh doanh đầu tư dự án nhà ở trên khu đất này. Ngày 20/8/2014, ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc SAGRI ký nghị quyết về chủ trương hợp tác với Tổng công ty CP Phong Phú thực hiện dự án nhà ở tại khu đất nói trên.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: PV |
Tháng 9/2016, SAGRI ký biên bản thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án với Tổng công ty CP Phong Phú, sau đó thực hiện các thủ tục để hoàn thành việc chuyển nhượng dự án cho Tổng công ty CP Phong Phú. Theo Viện Kiểm sát, việc chuyển nhượng dự án trên là không đúng quy định, không đủ điều kiện và căn cứ pháp lý để chuyển nhượng, nhất là SAGRI không thoái hết số vốn theo yêu cầu của UBND TPHCM... gây thất thoát cho ngân sách nhà nước 672 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhận định, trong vụ án này ông Hùng có vai trò cầm đầu, do đó cần có mức án nghiêm khắc với bị cáo Hùng. Ông Hùng còn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ, hợp đồng khống cho cán bộ, nhân viên SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài để chiếm đoạt 13,3 tỷ đồng của SAGRI. Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt Lê Tấn Hùng 14 - 16 năm tù, về tội “Tham ô tài sản” và 12 -14 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, là người đã ký ban hành quyết định chấp thuận chuyển nhượng Dự án khi chưa đủ điều kiện và căn cứ pháp lý là hành vi trái pháp luật. Ông Tuyến thừa nhận quá trình điều tra không bị ép cung, nhục hình. Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt bị cáo Trần Vĩnh Tuyến 7-8 năm tù; Các bị cáo còn lại bị đề nghị phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, đến 28 năm tù.
“Không đánh đổi gia đình với sai phạm”
Tự bào chữa, bị cáo Lê Tấn Hùng nói Viện Kiểm sát luận tội việc mình làm thất thoát tài sản nhà nước là quá lớn so với tưởng tượng của ông. Về hành vi tham ô tài sản, ông Hùng khẳng định không tham ô tài sản của Nhà nước. Ông Hùng nói rất ân hận vì sự việc diễn ra với ông, rồi bất ngờ bật khóc: “Tôi không thể nào đánh đổi gia đình với sai phạm này. Đề nghị HĐXX xem xét cho tôi”.
Bào chữa cho bị cáo Trần Vĩnh Tuyến, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, ông Tuyến thừa nhận trách nhiệm khi ký quyết định 6077 và thực hiện hành vi do có phần nể nang, ơn nghĩa như đã trình bày với cơ quan điều tra trước đó. Thời điểm ông Tuyến ký chấp thuận cho chuyển nhượng Dự án, ông Tuyến không thể hiểu biết đầy đủ về pháp luật.
Luật sư Hoài đề nghị HĐXX xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với ông Tuyến. Ông Tuyến nói đồng ý nội dung bào chữa của luật sư và cảm ơn HĐXX vì đã để cho ông được trình bày trung thực lời khai tại tòa.
Theo Tân Châu/Tiền Phong