Diễn biến trong phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN), Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch HĐQT - TGĐ PVC) cùng 20 đồng phạm chiều ngày 13/1, tại phần bị cáo tự bào chữa cho mình, bên cạnh việc thừa nhận chỉ vì chỉ đạo quá quyết liệt và nôn nóng nên đẩy thuộc cấp lâm vào hậu quả như ngày hôm nay và nhận toàn bộ trách nhiệm thay cho thuộc cấp thì nguyên Chủ tịch HĐTV PVN mong HĐXX đánh giá công tâm khách quan những kết quả, nỗ lực mà PVN đã đạt được.
|
Bị cáo Đinh La Thăng muốn chết "làm ma tự do chứ không phải ma tù".Ngồi phía sau nghe những lời của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bất ngờ cúi mặt bật khóc. |
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng trong bối cảnh khó khăn, PVN trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước Việt Nam, tăng trưởng từ 3-7 lần, nộp vào ngân sách đến 30%, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đóng góp vai trò quan trọng khi đóng góp điều tiết kinh tế. Trong bối cảnh tập đoàn PVN thực hiện thí điểm mô hình tập đoàn mà mô hình pháp lý chưa đầy đủ, vừa làm vừa sửa nên bị cáo có sai.
Ngoài ra, bị cáo còn dành thời gian để nhắc đến gia đình. Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét có mức án phù hợp, nhân văn vì sau vụ án này còn vụ án khác, bởi vì cùng một thời điểm, cùng bị truy tố một tội danh nhưng lại tách ra thành hai vụ án thì “bất lợi” cho bản thân bị cáo. Bị cáo Đinh La Thăng nghẹn giọng khi chia sẻ về hoàn cảnh hiện nay có bố mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân bị cáo có hai người con gái nhưng một cháu không phát triển bình thường, các cháu rất cần đến sự chăm sóc của cả bố và mẹ.
Tiếp đó, bị cáo Đinh La Thăng trình bày rằng “muốn làm sao chấp hành án trước khi chết được ra tù để chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì bị cáo muốn làm ma tự do chứ không phải ma tù”.
Cuối cùng bị cáo Đinh La Thăng cúi đầu trước HĐXX, gửi lời xin lỗi đến Đảng, nhân dân cùng với các thế hệ người lao động tại PVN vì những sai phạm của bản thân bị cáo.
Trịnh Xuân Thanh bật khóc nói nhớ người thân
Là người tiếp theo lên tự bào chữa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đứng lên bục trước HĐXX trong những câu đầu tiên bị cáo nhắc đến nỗi nhớ gia đình, nhớ vợ và con. Trước khi đứng lên bục, ngồi sau nghe những lời của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã không kìm nén nổi xúc động và bật khóc nức nở.
Tiếp đó, bị cáo Trịnh Xuân Thanh thừa nhận bản thân là người đứng đầu đã không làm đầy đủ trách nhiệm, không đọc hợp đồng khi đưa ra nghị quyết đồng ý ký hợp đồng EPC số 33 thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Bị cáo nói rằng “anh Thăng, anh Thực cùng các lãnh đạo PVN cũng vậy chứ không phải là biết hợp đồng EPC số 33 có sai phạm mà vẫn ký rồi chuyển tiền cho PVC”.
Đề cập đến quá trình thực hiện dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, bị cáo có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng mà bản cáo trạng đã truy tố, bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng, không có một văn bản nào cho thấy điều này. Bị cáo cũng không muốn đổ cho cấp dưới nếu để nhận mà họ không vướng vào vòng lao lý thì bị cáo xin nhận. Tuy nhiên bị cáo mong HDXX chỉ ra việc mà bị cáo đã chỉ đạo bằng cách nào.
Theo lời của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, ngay khi biết việc chuyển tiền sai, bị cáo đã có chỉ đạo nhanh chóng thu hồi và nghiêm cấm dùng tiền vào việc khác và nêu rõ trong các cuộc họp.
Cuối cùng bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho rằng lời khai của các bị cáo khác, các chứng cứ ngoại phạm quy kết bị cáo tội tham ô tài sản là không rõ ràng.
Theo cáo trạng truy tố, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị can Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVN thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PV Power ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và BQL dự án căn cứ Hợp đồng này tạm ứng 6.6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị can Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích, không đưa vào dự án NMNĐ Thái Bình 2, gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 119.8 tỷ đồng.
Hành vi trên đã phạm vào tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong phiên xét xử chiều 11/1/2018, đại diện VKS đề nghị mức phạt từ 14-15 năm tù đối với Đinh La Thăng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, giữ vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC. Trịnh Xuân Thanh đã có hành vi chỉ đạo bị cáo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và trên 1.312 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 119 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về cả 2 tội: “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản". Trịnh Xuân Thanh đề nghị tổng hình phạt là chung thân.
Hưng Bùi