Nhiều học sinh lớp 12 chia sẻ, nếu đề thi THPT quốc gia năm nay có độ khó và độ dài tương đương với đề minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó, thì quả thực là một thách thức với các em, thậm chí là với cả học sinh trường chuyên lớp chọn.
|
Các thí sinh trong một lớp luyện thi năm 2017. Ảnh minh hoạ: Thanh Hùng |
Học sinh trường chuyên than áp lực thời gian
Một nam sinh lớp 12 ở Trường THPT Chuyên Bắc Ninh chia sẻ, nếu như với đề thi năm ngoái, em làm được 9 điểm môn Toán, 9 điểm môn tiếng Anh một cách không mấy khó khăn, thì với đề minh họa năm nay, em phải làm đề Toán 3 lần mới… gần được 9.
“Lần thứ nhất em chỉ làm được 30 câu. Lần thứ hai em làm được 40-42 câu. Lần 3, em làm thêm được vài câu nữa”.
Nam sinh này cho biết, dựa trên mẫu đề tham khảo, trường em và nhiều trường khác đều xây dựng những đề thi thử cho học sinh. Và phổ điểm phổ biến của các em chỉ khoảng 6-7 điểm.
Nam sinh lớp chuyên Tin này đánh giá: “Với đề toán, 30 câu dễ chỉ để đỗ tốt nghiệp, thường thì bọn em chỉ làm trong 15-20 phút. Còn lại thời gian dành cho 20 câu còn lại. Với đề thi trắc nghiệm, mẹo mánh cũng rất quan trọng để giải được bài toán nhanh nhất có thể”.
Chọn khối A1 để đăng ký vào đại học, em này cho rằng, với môn tiếng Anh thì mức độ khó của đề thi tương đối ổn định qua các năm và có vẻ dễ dàng với em hơn là các môn tự nhiên.
Em Nguyễn Phúc Đức, lớp 12 chuyên Toán cùng trường, chia sẻ, trên tinh thần đề tham khảo, tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh khác đều có những đề thi thử cho học sinh và những đề này khó hơn năm ngoái rõ rệt. Đức nói, năm nay lượng kiến thức các em phải ôn tập rộng hơn vì có cả nội dung lớp 11. Vì thế, việc ôn thi khá vất vả.
“Có nhiều câu không phải là bọn em không làm được, nhưng vì dài quá không kịp làm đến đó. Ví dụ như đề tỉnh ra vừa rồi, những những bạn giỏi nhất cũng đã bỏ đến chục câu”.
Đức cũng nhận xét, xu hướng ra đề thi thử và đề minh hoạ đã bắt đầu có nhiều câu vận dụng hơn và để đạt được điểm 8 không hề dễ dàng.
Hiện tại, ngoài học thầy cô trên lớp, các em cũng mày mò trên các diễn đàn học tập những cách làm nhanh nhất.
“Em thấy để làm tốt đề thi trắc nghiệm, phải tìm tòi rất nhiều cái mới, có những công thức mà mình chưa bao giờ nhìn thấy. Các giáo viên còn chia sẻ với bọn em rằng, thi như thế này thì bản thân các thầy cô cũng phải học cùng học sinh”.
Hiện tại, Đức và các bạn đang trong quá trình luyện đề, đồng thời xem mình rỗng kiến thức phần nào thì ôn lại phần đấy. Học lớp chuyên Toán nên đến thời điểm hiện tại, phần lớn các em đang tập trung ôn tập để giải được những câu khó, tìm những cách làm nhanh, như Đức nói là: “Đọc đề bài phải biết cách làm luôn, nếu không thì không kịp”.
Tháng cuối, giờ này học môn kia
|
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 |
Cùng chung chia sẻ, em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Trực, Nam Định cho biết, năm nay các thầy cô cũng đã chuẩn bị tinh thần cho học sinh là đề thi sẽ khó hơn. Hiện tại, khối 12 ở trường em đã học xong chương trình trên lớp và đang ôn lại toàn bộ kiến thức.
Làm thử các đề thi năm trước, em thường đạt khoảng 20-21 điểm 3 môn khối D1. “Em nghe các anh chị thi lại nói là đề toán minh hoạ năm nay khó gấp đôi đề năm ngoái. Các cô cũng nói với bọn em, năm nay để đạt được 8 điểm sẽ khó hơn. Thường khi làm một đề, những câu cuối em không có thời gian để đọc”.
Trang cũng chia sẻ, sau khi cả lớp làm đề tham khảo mà Bộ đưa ra, các em rất lo lắng. “Hiện tại chương trình trên lớp bọn em đã học xong, nên trong giờ thể dục, các bạn thường mang sách vở ra học. Thầy cũng tạo điều kiện cho bọn em ngồi chỗ mát để học các môn phải thi”.
Đó cũng là cảnh tượng quen thuộc mà em Lê Minh Quyết (Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội) chứng kiến trong lớp mình. “Bây giờ thường thì mỗi môn các bạn chỉ theo học một thầy cô, nên em nghĩ là các bạn vẫn sắp xếp được thời gian. Nhưng trên lớp, các bạn vẫn mang sách vở môn khác ra học”.
Nhận xét về một số điểm mới trong đề thi năm nay, Quyết chia sẻ, em thích những câu hỏi thực hành, thí nghiệm. “Nó giống như phao cứu sinh cho em, vì em thích những giờ học thực hành, thí nghiệm hơn là lý thuyết. Với những bạn đến giờ thực hành mà tập trung vào ghi chép quá thì có thể sẽ gặp khó ở những câu này. Với em, những nội dung thực hành, thí nghiệm khá dễ hiểu”.
Chọn khối H (Ngữ văn, Vẽ) để dự định đăng ký vào Trường ĐH Kiến trúc, nam sinh này cho biết, em đỡ áp lực hơn các bạn nhiều vì chỉ cần đạt điểm đỗ tốt nghiệp ở hầu hết các môn.
“Em chỉ nặng ở môn Văn, nhưng các cô cũng đưa ra một trường kiến thức rõ ràng rồi. Còn các bạn thi Toán, Lý, Hóa, Sinh thì đúng là áp lực hơn rất nhiều. Kiến thức môn Hóa lớp 11, lớp 12 không liên quan đến nhau nhiều nên sẽ nặng hơn khi phải mở rộng thêm lượng kiến thức lớp 11. Với môn Vật lý, để học tốt kiến thức lớp 12 thì phải chắc kiến thức lớp 11 nên sẽ đỡ hơn. Theo em nghĩ, việc có thêm kiến thức lớp 11 sẽ khiến các bạn thi khối tự nhiên vất vả hơn gấp nhiều lần việc phải chọi với các bạn học giỏi hơn mình”.
Theo Nguyễn Thảo/Vietnamnet