Ô nhiễm từ các bãi rác: Bao giờ người dân hết cảnh… cơm ruồi, rác thối?

Google News

Bãi rác An Hiệp (Bến Tre) đang là điểm nóng ô nhiễm môi trường, khi người dân bức xúc chặn xe chở rác. Nhiều nơi, người dân vẫn phải sống cảnh ăn cơm… ruồi, ngửi mùi rác.

Những ngày qua, câu chuyện người dân gần bãi rác An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) tập trung chặn đường, căng băng rôn không cho xe rác vào bãi vì không chịu nổi ô nhiễm, một lần nữa làm nóng vấn đề ô nhiễm môi trường vốn chưa bao giờ cũ.
Tại nhiều bãi rác khác như Hòa Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), Sâm Bua (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, bãi rác cạnh biển Gò Công Đông (Tiền Giang), bãi rác tạm Đồng Cây Sao (Phú Quốc, Kiên Giang), bãi chôn lấp rác Tân Tạo (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)…, tình trạng quá tải, “rác cao như núi”, xử lý chôn lấp không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường. Người dân ở nhiều nơi phải ăn cơm… ruồi, ngửi mùi hôi thối của rác.
Ngay tại Thủ đô, bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn cũng quá tải. Trước đó, người dân sống gần 2 bãi rác này nhiều lần chặn không cho xe chở rác vào bãi, gây ra tình trạng ùn ứ rác thải trong nội đô.
O nhiem tu cac bai rac: Bao gio nguoi dan het canh… com ruoi, rac thoi?
Bãi rác An Hiệp. 
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống về thực trạng trên, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), cho rằng, để xử lý tình trạng ô nhiễm bãi rác, quan trọng nhất là chính quyền địa phương có thực sự quan tâm hay không.
Dân khổ sở vì các bãi rác chôn lấp
Dư luận đang “nóng” với câu chuyện xử lý rác thải tại Bến Tre khi người dân chặn xe rác do bị ảnh hưởng ô nhiễm chôn lấp rác, ông ý kiến gì về việc này?
Bến Tre, Trà Vinh cũng như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long không có đồi, núi, không có vùng đất cao, việc xử lý rác rất khó. Rác chôn xuống đất như hiện nay sẽ ngấm vào nước ngầm, trong khi đốt không đúng quy trình có thể gây ô nhiễm không khí.
Thực tế ở Bến Tre cho thấy, bãi rác An Hiệp đã quá tải do lượng rác lớn đổ về đây, sau khi Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre tạm đóng cửa. Tình trạng nước rỉ rác hôi thối phát tán ảnh hưởng người dân.
Không chỉ Bến Tre, nhiều địa phương trên cả nước hiện vẫn áp dụng phương pháp chôn lấp rác thải?
Hiện nay, do chưa có giải pháp xử lý hiệu quả khác, chủ yếu các địa phương vẫn xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp. Khu vực được sử dụng để chôn lấp rác ngày càng hẹp, trong khi lượng rác ngày càng nhiều, dẫn đến tình trạng rác chất cao như núi, không được xử lý khoa học, gây ô nhiễm.
Luật pháp đã quy định rất rõ phải có hệ thống xử lý rác. Khoa học chứng minh việc chôn lấp rác thải cũng có mặt tốt, rác hữu cơ sẽ phân hủy. Chỉ có điều nước thải rỉ rác phải thu gom, xử lý trước khi đổ ra môi trường.
Một số địa phương còn có tình trạng bãi tập kết rác thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân, do làm không tốt, không đúng quy trình. Chính quyền địa phương rõ ràng phải có trách nhiệm khi để bãi rác gây ô nhiễm.
O nhiem tu cac bai rac: Bao gio nguoi dan het canh… com ruoi, rac thoi?-Hinh-2
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) 
Giải pháp điện rác, sao không mặn mà?
Trước thực trạng trên, thời gian tới, nguy cơ không còn chỗ chôn lấp rác. Điện rác là một giải pháp, nhưng lại chưa thực sự được các địa phương quan tâm?
Hiện nay, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn rác thải, trong đó, chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Theo dự báo, đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt tăng thêm 10 - 16%, dẫn đến áp lực về xử lý rác thải sinh hoạt ngày càng lớn. Một số địa phương lựa chọn giải pháp đốt rác bằng lò thủ công cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đốt rác phát điện hiện được xem là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề gây ô nhiễm môi trường. Một số địa phương quan tâm nhưng quy trình, thủ tục đầu tư phức tạp, kéo dài và còn nhiều chồng chéo trong các quy định pháp luật về đấu thầu, đất đai, xây dựng, đầu tư…
Thực ra, điện rác hay phương pháp xử lý rác thải nào, bên cạnh mặt mạnh, cũng đều có hạn chế. Quốc gia đốt rác nhiều như Nhật Bản cũng gặp phải những vấn đề nặng nề về dioxin do đốt không đúng quy trình. Sau này, Nhật Bản mới có công nghệ tốt hơn, các buồng đốt sơ cấp, thứ cấp, đốt 2 lần nhiệt độ đúng, mới không phát sinh ra dioxin.
Hà Nội đã đưa nhà máy điện rác vào hoạt động, đánh giá tác động không có vấn đề gì. Tuy nhiên, vẫn công nghệ đó, nếu con người làm ẩu, cơ quan chức năng không kiểm soát chặt, lúc đầu có thể rất tốt nhưng lâu dài có thể nảy sinh vấn đề, lúc đó chạy theo xử lý không kịp.
Không có giải pháp xử lý rác nào mà không có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quan trọng là địa phương chọn phương pháp phù hợp, đồng thời phải liên tục kiểm soát. Vấn đề là chính quyền địa phương có thực sự quan tâm không. Các cơ quan môi trường có tư vấn cho chính quyền chọn giải pháp tốt nhất để xử lý rác tại địa phương mình không...

“Ở nước ta, rác thải được xem là việc ‘cha chung không ai khóc’ nên không xác định được rõ đó là trách nhiệm của ai”.

Vấn đề chính là khâu quản lý
Phân loại rác tại nguồn, chú trọng vai trò của người dân được xem là giải pháp để xử lý rác thải một cách khoa học, ông đánh giá thế nào về việc này?
Phân loại rác thải tại nguồn là giải pháp đang được Singapore triển khai theo tiêu chí giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Các loại chất thải đều được phân loại, thu gom (TGR) ngay tại nguồn, bắt đầu từ hộ gia đình. Rác thải sinh hoạt thành những loại chất thải hữu cơ, loại tái chế được, đốt cháy được hoặc độc hại, không thể tái chế. Người dân quốc gia này đều có ý thức thực hiện nghiêm túc.
Mỗi năm lãng phí gần 3 tỷ USD từ rác nhựa
Báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới công bố đầu năm 2022, cho thấy, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam.
Trong số này, 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR). 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 đến 2,9 tỷ USD mỗi năm.
Tại Việt Nam, một số địa phương đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Về lâu dài, đây rõ ràng là việc phải làm. Tuy nhiên, muốn phân loại rác tại nguồn phải đáp ứng nhiều điều kiện. Người dân sẵn sàng ủng hộ nhưng lãnh đạo địa phương phải quyết tâm, quyết liệt mới làm được.
Ở nước ta, rác thải được xem là việc “cha chung không ai khóc” nên không xác định được rõ đó là trách nhiệm của ai. Chính quyền tự “ôm” lấy hết nhưng cũng không giải quyết được.
O nhiem tu cac bai rac: Bao gio nguoi dan het canh… com ruoi, rac thoi?-Hinh-3
 Người dân chặn xe rác vào chôn lấp tại bãi rác An Hiệp (Ảnh: Dân trí)
Trong tất cả giải pháp áp dụng xử lý rác thải, vấn đề phân cấp quản lý rất quan trọng. Ai quản lý, quản lý bằng cách nào phải sớm xác định. Như phân loại rác, ai là người phân loại?
Biết rằng phân loại rác đầu nguồn là rác hữu cơ và rác tái chế cho vào 2 túi khác nhau, nhưng có ai làm túi đâu. Thu tiền rác theo nhân khẩu, bây giờ theo khối lượng, nhưng có ai cần đâu. Đó là những cách làm kiểu “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến người dân không tin và khó thực hiện. Do đó, vấn đề chính là khâu quản lý.
Tôi thấy có cơ sở áp dụng khoa học hẳn hoi, nghiên cứu ra phương pháp xử lý rác bằng khí hóa sa mạc xanh nhưng có được cấp phép đâu. Trước đây, tôi làm tư vấn cho kế hoạch quản lý rác thải của Hà Nội nên, thấy rõ việc hàng năm thành phố phải bỏ ra khoản tiền rất lớn để xử lý rác. Tuy nhiên, con số này đã đúng chưa? Việc kiểm kê rác thải của chúng ta cũng làm chưa đến nơi đến chốn. Chỉ có thể kiểm kê rác thải tốt mới đi cùng với nó là phân loại rác tốt được.
Chúng ta nắm chắc nguồn rác ở đâu, các loại rác gồm những gì… mới ra được kiểm kê rác thải. Hiện, chúng ta vẫn kiểm kê rác thải tính theo đầu người, lúc thì lấy 1,1vkg, lúc 0,8 kg/người… Đó là cách làm không khoa học. Kiểm kê rác thải, phân loại rác tại nguồn mà làm tốt xử lý rác thải, công việc sẽ nhẹ đi rất nhiều, đồng thời cũng giảm rất nhiều ảnh hưởng khi xử lý.
Xin cảm ơn GS.TS Hoàng Xuân Cơ.
70% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý bằng chôn lấp
Mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 60.000 tấn chất thải sinh hoạt (rác thải), trong đó chất thải đô thị chiếm khoảng 60%. Hiện nay, hơn 70% rác thải được xử lý bằng phương thức chôn lấp, nhưng chỉ có 15% được chôn lấp hợp vệ sinh.
Tại Thủ đô, 2 bãi rác lớn là Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Thị xã Sơn Tây) cũng chủ yếu sử dụng công nghệ chôn lấp và hiện quá tải. Bãi rác Nam Sơn được xây dựng từ những năm 1996, đến nay, khối lượng rác trung bình đưa vào bãi khoảng 5.000 tấn/ngày, tương đương 1.825.000 tấn/năm. Do hoạt động nhiều năm, diện tích mở rộng không đáng kể cùng công nghệ chôn lấp, các ô chứa, chôn lấp rác của bãi Nam Sơn đang trong tình trạng quá tải, vượt so với thiết kế khoảng 1,69 triệu tấn.
Trong khi đó, bãi rác Xuân Sơn hiện xử lý rác sinh hoạt cho 12 huyện gồm Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoài Đức, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây, khối lượng 1.500 tấn/ngày.
Những năm qua, hai bãi rác lớn nhất Thủ đô là Nam Sơn và Xuân Sơn thường xuyên bị người dân chặn xe vào bãi do gây ảnh hưởng môi trường, hay không đồng thuận với chính sách hỗ trợ đền bù.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giải quyết bức xúc dân sinh khu vực bãi rác Nam Sơn

Nguồn: Truyền hình Nhân dân

Hải Ninh thực hiện