|
Video: Rác thải trên kênh "nước đen" Tân Hóa - Lò Gốm.
|
Theo ghi nhận của PV, hiện nay nước kênh Tân Hóa - Lò Gốm (qua ba quận 6, 11 và Tân Phú) đang trong tình trạng ô nhiễm. Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt cùng xác cá trôi nổi trên dòng nước đen kịt, sủi bọt khí và bốc mùi khó chịu.
Chị Nguyễn Thị Kim Ngân (30 tuổi, người dân ở quận 6) cho biết, sau mỗi trận mưa, rác từ hệ thống cống trôi ra kênh. Bên cạnh đó, nước thải chưa qua xử lý cũng được xả vào dòng kênh do đó môi trường nước ở kênh vẫn chưa được cải thiện.
“Túi ni lông, hộp xốp và đủ loại rác sinh hoạt, xà bần được người ta đổ xuống kênh khiến tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt lúc nước cạn, dòng kênh lộ bùn đen và bốc mùi”- chị Ngân chia sẻ.
Công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm được hoàn thành vào năm 2015 với kinh phí đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Dự án đã thực hiện nạo vét 300.000 m3 bùn, khơi thông dòng chảy, đồng thời xây dựng gần 12 km đường, xây lắp gần 8.000 m cống bao thu gom nước thải. Tuy nhiên, đến nay chất lượng nước của dòng kênh này vẫn chưa được cải thiện.
|
Rác thải cùng lục bình trôi trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
|
|
Rác thải các loại được vứt trên bờ kênh.
|
|
Xác cá chết trôi lềnh bềnh trên dòng kênh nước đen kịt.
|
|
Rác thải đủ loại trôi nổi trên dòng kênh.
|
|
Người dân hai bên bờ kênh Tân Hóa - Lò Gốm mong muốn tình trạng ô nhiễm sẽ sớm được cải thiện.
|
Tương tự, nước thải kèm rác từ hệ thống cống đổ về điểm đầu tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Tân Bình) khiến nước kênh ở khu vực này thường xuyên bị ô nhiễm. Từ đầu năm đến nay, tại khu vực này đã xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt.
|
Công nhân công ty Môi trường Đô thị TPHCM vớt rác và xác cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào tháng 4/2023. Ảnh tư liệu: B.T
|
Thông tin với PV Tiền Phong, ông Đỗ Tấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TPHCM) cho biết, hiện nay khi mưa lớn, lượng rác thải từ cống thoát nước, cống thu từ các nhà dân trên dọc tuyến đường theo nước mưa chảy ra kênh rạch góp phần gây ô nhiễm.
Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TPHCM đã giao công ty Môi trường Đô thị Thành phố tổ chức thu gom định kỳ 2 lần/ngày ở kênh Tân Hóa - Lò Gốm và mỗi ngày 1 lần ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhằm giảm bớt rác thải trên kênh.
“Về việc xử lý ô nhiễm nguồn nước của hai con kênh này, đối với lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hiện nay Thành phố đang triển khai thi công, xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức). Đối với nhà máy xử lý nước thải lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự kiến sẽ được xây dựng tại xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Hiện nay, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị kêu gọi đầu tư. Khi 2 nhà máy xử lý nước thải này hoàn thành và đi vào hoạt động thì chắc chắn nguồn nước trên lưu vực các con kênh sẽ được cải thiện”- ông Đỗ Tấn Long cho biết.
Trước đó, UBND TPHCM đã có văn bản giao UBND quận, huyện và TP Thủ Đức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Quyết định số 3709 ngày 2/11/2022 về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022 - 2025.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng chất thải phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh, xây dựng dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển lượng chất thải phát sinh tại các khu vực.
Đồng thời, các địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khối lượng chất thải phát sinh tại nguồn và chất lượng dịch vụ của các đơn vị đang thực hiện thu gom, vận chuyển trên địa bàn để đảm bảo toàn bộ chất thải phát sinh được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định nhằm tránh nguy cơ ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển và các nơi công cộng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị tăng cường rà soát, quản lý chặt các chủ nguồn thải nhỏ lẻ, hộ gia đình, đảm bảo tất cả các chủ nguồn thải nêu trên tham gia ký hợp đồng thu gom rác thải đầy đủ với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom rác tại nguồn nhằm tránh hiện tượng vứt rác bừa bãi ra môi trường.
UBND TPHCM cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính (thông qua việc trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn) để tăng tính răn đe.
Các địa phương cần chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ trộm chất thải trái phép…
Theo Hữu Huy/Tiền phong