Mấy ngày qua vụ việc nước máy Hà Nội bốc mùi lạ do nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng vạn người dân khu vực Tây Nam thành phố Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận.
Đáng chú ý dư luận vô cùng bức xúc với việc Viwasupco phát hiện vụ đổ dầu nhớt thải trộm tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), từ đó, chất thải này lan ra suối rồi chảy vào khu vực hồ Đầm Bài – nơi cấp đầu vào cho nhà máy nước nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội.
Bức xúc hơn, Viwasupco phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm những vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân. Phải đến khi dân phát hiện, báo chí lên tiếng phản ánh thì công ty mới ngưng cấp nước để đánh giá mức độ nguy hại...
|
Dầu thải đổ ra nguồn nước đầu vào khiến nước sinh hoạt sau xử lý vẫn bị nhiễm chất có trong dầu thải. |
Sự bưng bít thông tin này khiến sự cố không được khắc phục kịp thời và suốt thời gian xảy ra sự cố đến ngày 15/10, nhiều người dân không nắm bắt được thông tin vẫn vô tư sử dụng nguồn nước sinh hoạt có hàm lượng Styren trong dầu thải cao hơn giới hạn cho phép từ 1,3 đến 3,65 lần có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên diện rộng và khiến sự việc càng trở nên trầm trọng khi các cơ quan chức năng không nắm bắt kịp thời để vào cuộc khắc phục sự cố.
Trước đó, không lâu, vụ cháy Nhà máy Rạng Đông, hơn một tuần xảy ra vụ cháy, chính quyền TP Hà Nội mới tổ chức họp bàn về nguyên nhân, hậu quả và hướng giải quyết. Trong suốt thời gian đó, người dân không hề thấy một phát ngôn, thông báo nào của lãnh đạo thành phố ngoại trừ tranh cãi giữa lãnh đạo quận Thanh Xuân với cấp dưới và các cơ quan chuyên môn khác.
Đáng chú ý, Công ty Rạng Đông khi đó cũng dấu nhẹm đi thông tin phát tán thủy ngân và vẫn khẳng định môi trường an toàn. Đến ngày 4/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết có khoảng 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường, thì các cơ quan chức năng mới vội vã vào cuộc xử lý. Nhưng nếu lượng thủy ngân lớn hơn bị phát tán ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân thì hậu quả đã xảy ra và không ai lường trước được.
Sự giấu giếm thông tin, thiếu minh bạch của doanh nghiệp và chính quyền khiến người dân liên tục phải sống trong thấp thỏm lo âu, trong khi trên mạng xã hội thông tin thất thiệt tràn lan. Những vụ việc nóng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như ô nhiễm nước sông Đà, cháy Nhà máy Rạng Đông, việc cung cấp sớm những thông tin chính thống cùng sự khuyến cáo người dân sẽ là vô cùng cần thiết. Vậy nhưng những thông tin cần thiết ấy lại không được cung cấp kịp thời, trong khi chính quyền phản ứng chậm trễ khiến dư luận bức xúc.
|
Người dân khốn khổ vì nước sinh hoạt bị ô nhiễm. |
Tại buổi làm việc với Hà Nội về việc đôn đốc nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho thành phố chiều ngày 16/10, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng thẳng thắn nói rằng, các vụ việc ô nhiễm môi trường ở Hà Nội bị người dân và dư luận đánh giá là chính quyền phản ứng chậm trễ, điển hình như sự cố cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước sông Đà, người dân dùng nước ô nhiễm cả tuần nhưng chính quyền không xử lý, giải quyết kịp thời.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói rằng, vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải nếu chúng ta lên tiếng thì lòng dân rất tin, nhưng nếu không lên tiếng, mỗi ngày nói một kiểu hoặc như vụ Rạng Đông, không cảnh báo sớm thì sẽ khiến dân không yên lòng.
Động thái tích cực mới đây của Hà Nội là đã có phản ứng khuyến cáo người dân không dùng nước ô nhiễm để ăn, uống. Đồng thời có cơ chế, chính sách miễn phí cho người dân sử dụng nước sạch trong khu vực. Tuy nhiên, không chỉ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng mà người dân cũng cho rằng, TP Hà Nội phải tìm ra nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của cơ quan cung cấp nước sạch. Tại sao để xảy ra như vậy nhưng công ty cấp nước không minh bạch, không công bố mà ‘ngấm ngầm’, làm như thế là không được.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, liên quan đến sức khỏe người dân phải công bố để cảnh báo và đưa ra các biện pháp khắc phục, không thể cứ giấu và che đậy. Thủ tướng Chính phủ rất không hài lòng khi thấy người dân phản ánh như vậy mà mình cứ che che đậy đậy. Đơn vị cung cấp dịch vụ chưa hoàn thành trách nhiệm.
Lời Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, người dân rất đồng tình và qua những sự việc trên, cần rút kinh nghiệm chung cho cả nước, không phải chỉ riêng Hà Nội. Bởi với những sự việc liên quan đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, thậm chí hàng chục nghìn, trăm nghìn người dân thì sự phản ứng nhanh của các cấp chính quyền là rất cần thiết.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, ai dám đảm bảo những sự cố môi trường, nước sạch như trên không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu chậm trễ thông tin, người dân không nắm được thông tin để phòng tránh, nếu phản ứng chậm, lúng túng trong xử lý khi xảy ra hậu quả thì ai là người có thể chịu trách nhiệm to lớn ấy. Do vậy, không thể khi xảy ra sự việc như vậy rồi bưng bít thông tin như một căn bệnh trầm kha rồi lúng túng xử lý như những vụ việc qua khiến người dân vô cùng hoang mang và không đồng tình với cách làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm như thế.
Thiên Nga