Mặt đường hư hỏng, ổ gà xuất hiện nhiều, "như ruộng cày” nhất là trong mùa mưa trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên – Đó là thực trạng chất lượng dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ có nguồn vốn tới hơn 4.300 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng.
|
Hiện trường nạn nhân tử vong do sụp ổ gà trên Quốc lộ 1A ngày 10/12. |
Nguy cơ tai nạn cho các phương tiện tham gia giao thông luôn rình rập. Chỉ cách đây ít ngày, một vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra trên tuyến đường này, khi người đi xe máy “sụp” ổ gà, thiệt mạng. Thực trạng chất lượng công trình kém trong lĩnh vực giao thông nói riêng, các dự án đầu tư công chậm tiến độ, thiếu hiệu quả nói chung đã khiến chất lượng sử dụng nợ công suy giảm, ảnh hưởng đến an toàn nợ công quốc gia.
“Cao tốc nghìn tỷ vừa đưa vào sử dụng đã hỏng”, “đường vừa thông xe đã lún nứt”, “đường trăm tỷ vừa xong đã chi chít ổ gà”. Đó là những tít báo quen thuộc, liên tiếp xuất hiện trong thời gian qua, phản ánh thực trạng các công trình giao thông không bảo đảm chất lượng, diễn ra ở khắp nơi, ở mọi cấp độ công trình trên cả nước.
Thời tiết, khí hậu làm hỏng công trình. Đó là lý do luôn được đơn vị thi công đưa ra. Đổ cho thời tiết là dễ nhất!
Đã có những đơn vị, cá nhân phải “kiểm điểm”, “xem xét trách nhiệm”. Nhưng cụ thể, trách nhiệm được làm rõ đến đâu, thì người dân hầu như không được biết. Bởi sau sóng gió dư luận, mọi chuyện lại êm. Và cứ như vậy, lại liên tiếp có những cái tên của các công trình “vừa đưa vào sử dụng đã hỏng”. Người tham gia giao thông- là đối tượng đương nhiên phải gánh chịu những hệ lụy của công trình kém chất lượng.
“Ổ gà”, “ổ voi”, lún, nứt…! Đó là những biểu hiện về chất lượng kém của công trình, dự án đầu tư nhìn thấy ngay được.
Còn những công trình dự án đầu tư công làm xong để đấy, không thể vận hành, thành những dự án bị bỏ xó, hoặc chậm tiến độ, đội vốn… là những thứ lãng phí, biểu hiện của hiệu quả đầu tư kém, khó nhìn ra hơn.
Ổ gà, lún nứt trên đường mới thông xe, hay vừa sử dụng được một thời gian ngắn, liệu có mối liên hệ nào với gánh nặng nợ quốc gia đang phải gánh chịu, và áp lực trả nợ mỗi năm một lớn?
Thật vui khi nghe những con số thống kê được công bố, cùng những dự báo của chuyên gia kinh tế về kết quả tăng trưởng kinh tế cao, có khả năng đạt được trong năm nay. Xuất khẩu vượt trội so với nhập khẩu, nền kinh tế tiếp tục có xuất siêu năm thứ 3 liên tiếp. Thu ngân sách năm nay vượt dự toán.
Đạt được kết quả đó là nỗ lực điều hành của Chính phủ, sự năng động, sáng tạo của hàng trăm nghìn doanh nghiệp, hàng triệu người dân.
Nguồn thu, đầu vào có tăng trưởng tốt, nhưng những thành quả đó sẽ bị bào mòn, khi nguồn chi không được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng hiệu quả cho mục tiêu phát triển.
Thế nên, đã thấy mối liên hệ của những “ổ gà”, những vệt “lún nứt” trên các tuyến cao tốc nghìn tỷ, quốc lộ nghìn tỷ với gánh nặng nợ công.
Chúng ta đi vay để đầu tư phát triển, là lẽ bình thường ở một quốc gia đang phát triển, kỳ vọng đạt được tốc độ cao. Nợ công được kiểm soát hiệu quả, thể hiện ở mức độ vay và khả năng trả nợ. Cho đến nay, nợ công hiện đang “dưới trần” cho phép của Quốc hội, vẫn được xem là an toàn. Nhưng khi áp lực trả nợ đang tăng nhanh, theo báo cáo của Bộ Tài chính, mà nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, thì rõ ràng đang lãng phí nguồn lực đầu tư, hoài công đi vay, xóa nhòa nỗ lực, thành quả tăng trưởng cao của nền kinh tế. Hệ lụy là gánh nợ càng thêm nặng với ngân sách Nhà nước.
Quay trở lại với 66km của dự án mở rộng quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên, sau 3 năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, đầy rẫy ổ gà thì mới đây, Bộ Giao thông vận tải vừa phê duyệt “gói” đầu tư bổ sung một số hạng mục trị giá hơn 113 tỷ đồng, trong đó kinh phí dành cho khắc phục, sửa chữa mặt đường đã là gần 57 tỷ đồng.
Đường “ổ gà”, ngân sách mất thêm tiền khắc phục. Dự án chậm tiến độ, đội vốn… ngân sách mất thêm tiền để đẩy tiến độ, mất thêm tiền để trả lãi vay, hiệu quả sử dụng vốn vay giảm.
Nếu không siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, kiểm tra giám sát chặt các dự án đầu tư, xử lý nghiêm các sai phạm, xóa đi những “ổ gà” trong tư duy của những nhà quản lý vô trách nhiệm thì e rằng, mục tiêu ngân sách bền vững, an toàn nợ công là khá mong manh!