Công ty TNHH Trường Sinh đang là tâm điểm ổ dịch COVID-19 Bệnh viện Bạch Mai khi 27 nhân viên của công ty nhiễm COVID-19. Trong đó đa số là các trường hợp chuyên cung cấp ăn uống, phục vụ nước sôi cho các khoa, phòng của Bệnh viện Bạch Mai.
Đáng chú ý, Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối, mỗi ngày có 5.000-7.000 người đến khám, chữa, thăm hỏi người bệnh và hàng nghìn y, bác sĩ, thực tập sinh ngành y. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, Bệnh viện vẫn duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công đến các khoa, phòng và dịch vụ này do Công ty TNHH Trường Sinh thực hiện.
Việc duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công trong suốt thời gian qua của bệnh viện này đã gây phiền hà cho các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt thời gian qua. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, vì sao bệnh viện không sớm phát triển hệ thống các máy cung cấp nước nóng tại hành lang các phòng khoa?
|
Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TTXVN |
Mới đây, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Bệnh viện Bạch Mai yêu cầu dừng dịch vụ đổi nước sôi, đồng thời cho lắp đặt 100 máy lọc kết hợp đun nước sôi tại các phòng khoa trong viện.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng nói rằng: “Một bệnh viện lớn giữa trung tâm Hà Nội như bệnh viện Bạch Mai không thể để việc này tiếp tục, đây là tiếng xấu nội trú gần 20 năm nay”.
Theo thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi máy lọc kết hợp đun sôi tự động 35 lít/tiếng và 100 máy sẽ đáp ứng được 3.500 lít nước nóng mỗi tiếng cho bệnh nhân.
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức hiện giá mỗi máy lọc nước kết hợp đun sôi tự động không lớn chỉ từ 4 triệu đến 12 triệu đồng/máy và hiện nay trên thị trường sản phẩm máy lọc nước kết hợp đun sôi rất đa dạng. Cho thấy, kinh phí đầu tư máy nước nóng không phải quá khó với một bệnh viện lớn tuyến cuối như bệnh viện Bạch Mai.
Hơn nữa, hiện nay máy lọc nước kết hợp đun sôi tự động đã được nhiều bệnh viện trên cả nước lắp đặt và đưa vào sử dụng từ lâu. Trong khi đó, đến tận sau khi xảy ra dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai mới lắp đặt hệ thống máy đun sôi tự động này để phục vụ bệnh nhân. Điều này khiến dư luận đặt vấn đề về việc ai hưởng lợi khi duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công? Liệu Bệnh viện Bạch Mai có ưu ái Công ty Trường Sinh?
Trước đó, dư luận đã dấy lên hoài nghi về mối liên quan giữa Công ty TNHH Trường Sinh với Bệnh viện Bạch Mai khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói rằng, toàn bộ việc nấu ăn và cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Sinh trực thuộc và dưới sự giám sát của Khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai. Các nhân viên Trường Sinh vào làm việc hợp đồng với Khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai mà không phải công ty tư nhân làm đơn lẻ.
Tuy nhiên mới đây, khi trả lời báo chí, BS.TS Dương Đức Hùng - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Công ty Trường Sinh là đơn vị cung cấp dịch vụ cho bệnh viện. Đây là một trong nhiều doanh nghiệp tư nhân đang cung cấp các dịch vụ cho Bệnh viện Bạch Mai. Doanh nghiệp này chỉ cung cấp đồ uống, suất ăn chứ không phải cung cấp các dịch vụ y tế".
Đồng thời cho biết, các nhân viên của Công ty Trường Sinh không ký hợp đồng lao động với Bệnh viện Bạch Mai, trong danh sách quản lý nhân sự của bệnh viện cũng không có những người đang làm tại Công ty Trường Sinh.
Cũng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh là doanh nghiệp tư nhân, được đăng ký kinh doanh, con dấu, tư cách pháp nhân riêng biệt và một lần nữ khẳng định, doanh nghiệp này không thể là một bộ phận của Bệnh viện Bạch Mai!
Tuy nhiên, dù Công ty Trường Sinh là doanh nghiệp tư nhân không phải là một bộ phận của Bệnh viện Bạch Mai nhưng qua việc bệnh viện vẫn duy trì việc cung cấp nước sôi thủ công do Công ty Trường Sinh đảm nhiệm cho đến khi bùng phát “ổ dịch Bạch Mai” cũng cho thấy hoài nghi của dư luận về sự ưu ái của bệnh viện dành cho doanh nghiệp này là không nhỏ. Bởi dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công với số lượng bệnh nhân và y bác sĩ lớn như ở Bệnh viện Bạch Mai sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho doanh nghiệp này.
Trao đổi với báo chí mới đây, đại diện bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc Trường Sinh vào bệnh viện Bạch Mai có “ô dù” gì thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ sau khi dịch bệnh qua đi.
Dư luận cũng đồng tình với ý kiến cần làm rõ xem công ty Trường Sinh có mối quan hệ như thế nào với bệnh viện Bạch Mai, có hiện tượng “sân sau”, “ô dù” nâng đỡ hay không? Làm rõ bệnh viện Bạch Mai có ưu ái gì với doanh nghiệp này hay không? Đồng thời cho rằng, Bệnh viện Bạch Mai cũng nên chấn chỉnh lại trong vấn đề quản lý chứ không thể mãi chì chệ như việc duy trì dịch vụ cung cấp nước sôi thủ công suốt thời gian dài như vừa qua.
Tạm dừng mọi hoạt động cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Sinh
Ngày 31/3, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã có văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động cung cấp dịch vụ của Công ty Trường Sinh đang cung cấp cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ban chỉ đạo đề nghị Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ (thuộc các tỉnh khu vực Phía Bắc) và Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố (khu vực phía Bắc) khẩn trương rà soát cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng cung cấp dịch vụ với Công ty Trường Sinh.
Đồng thời yêu cầu, tiến hành ngay các biện pháp kiểm soát dịch tại các cơ sở này như: Khử khuẩn toàn bộ cơ sở y tế; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh... Bảo đảm duy trì các hoạt động cung cấp dinh dưỡng cho bệnh viện theo quy định của Bộ Y tế trong thời gian Công ty Trường Sinh tạm dừng hoạt động.
Theo Bộ Y tế, qua rà soát cho thấy Công ty Trường Sinh đang cung cấp dịch vụ tại 5 bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Bạch Mai (cả 2 cơ sở tại Hà Nội và Hà Nam), Bệnh viện Nội tiết trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện A Thái Nguyên.
Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trường Sinh, thành lập tháng 9/2002, địa chỉ trụ sở chính tại số 43 Hoàng Văn Thái, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ngoài ra, công ty này còn có chi nhánh tại xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên.
Công ty Trường Sinh đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống theo hợp đồng không thường xuyên với khách hàng, dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.
Người đại diện pháp luật cho Công ty Trường Sinh là ông Trần Doãn Sinh. Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này được thành lập vào năm 2010. Tháng 8/2019, Trường Sinh tiến hành tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên mức 50 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Nguồn lây chính tại Bệnh viện Bạch Mai là từ công ty Trường Sinh
Tâm Đức