Ngày 9/11, cầu cạn dài gần 2 km qua đường Trường Chinh chính thức thông xe. Tuyến "đường cong mềm mại" sau gần 7 năm thi công mở rộng được hoàn thiện. Hà Nội kỳ vọng giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông nhiều năm ở "điểm đen" này.
Tuy nhiên, từ khi thông cả xe đường phía dưới và đường trên cao, các phương tiện lại bị ùn ứ tại hai nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh. Bốn ngày qua, vào giờ cao điểm dòng phương tiện nối đuôi nhau kéo dài vài trăm mét.
Nguyên nhân đầu tiên được cho đường Đại La đang rào chắn để thi công khiến phương tiện không thể lưu thoát nhanh. Tương tự tại nút giao Ngã Tư Sở, khi đường Trường Chinh mở rộng mỗi bên 5 làn, cầu cạn thông xe với hai làn ô tô thì áp lực giao thông đổ về đường Láng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đường Láng hẹp, chỉ có 3 làn xe và điều này tạo thành nút thắt cổ chai. Các xe không thể lưu thoát nhanh, đặc biệt giờ cao điểm.
Một nguyên nhân khác có thể khiến đường Trường Chinh ùn tắc là do chu kỳ đèn ở nút giao chưa hợp lý. Tại hướng Trường Chinh - Láng, thời lượng đèn đỏ hơn 70 giây, hướng đường Trường Chinh rẽ trái sang đường Nguyễn Trãi hơn 90 giây. Đèn xanh từ 21 giây đến hơn 30 giây. Hơn nữa vào giờ cao điểm, lượng phương tiện lớn, nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đèn đỏ nên vượt, lấn làn, thậm chí dừng trên làn đường ngược chiều, lấn vạch, khiến xung đột giao thông.
|
Hình ảnh ùn tắc tại đường Trường Chinh. Ảnh: VTV. |
Trao đổi với báo chí, Theo ThS. Vũ Anh Tuấn (Phó Trưởng Bộ môn quy hoạch và quản lý GT-VT, Trường Đại học GT-VT), về nguyên tắc, trước khi xây dựng hay cải tạo một tuyến đường thì cần đánh giá xem lưu lượng phương tiện phát sinh là bao nhiêu. Do năng lực lưu thông của đường Trường Chinh đã thay đổi, nên những nút giao với đường hiện hữu chưa được nâng cấp sẽ trở thành “nút thắt”, và đây thực sự là “bài toán” khó:
Trước mắt, khi chưa cải thiện đồng bộ về hạ tầng thì chúng ta có thể xem xét điều chỉnh các chương trình đèn giao thông một cách phù hợp. Còn để giải quyết một cách triệt để thì chúng ta phải cung cấp, bổ sung năng lực phù hợp vào từng đoạn, từng nút; nâng cấp các tuyến đường tránh, đường song song để lưu lượng không bị hút hết sang tuyến đường mới.
Cũng theo ThS. Vũ Anh Tuấn, việc đóng hay mở giải phân cách cứng tại ngã tư Trường Chinh - Tôn Thất Tùng không phải nguyên nhân của tình trạng ùn tắc, mà là do chương trình đèn giao thông chưa hợp lý, cần có sự điều chỉnh dựa trên nghiên cứu và khảo sát thực tế.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, trong lúc chờ giải pháp triệt để là hoàn thiện đồng bộ hạ tầng giao thông thì trước mắt, việc điều chỉnh đèn tín hiệu cho phù hợp sẽ phần nào giải quyết tình trạng ùn tắc:
Cực kỳ khó để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại đây. Giải pháp tình thế thôi, chúng ta có thể nghĩ đến chuyện chặn bớt một số luồng giao thông hướng vào Ngã tư Sở. Chúng ta điều tiết chu kỳ đèn theo thời gian thực, đèn có liên động với camera, liên kết với phần mềm đếm xe. Công nghệ đó đã được áp dụng ở một số nơi trên thế giới và nó không quá đắt. Xuất phát từ số lượng đếm xe mà điều tiết thời gian đèn xanh, đèn đỏ cho mỗi hướng.
TS. Phan Lê Bình cũng cho rằng, với các tuyến đường mới hoặc được nâng cấp, mở rộng, Thành phố cần dành sự ưu tiên cho phương tiện giao thông công cộng như xe buýt với làn đường riêng, từ đó tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân và góp phần giải quyết “bài toán” ùn tắc giao thông.
>>> Xem thêm video: Ngã Tư Sở vẫn hoàn... "khổ" sau vài ngày thông xe vành đai 2 trên cao
Gia Đạt