Cưới nhau chưa được bao lâu thì ông phải lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cho tới 14 năm sau thì hai người mới gặp lại nhau. Quãng thời gian đó, mối liên hệ duy nhất giữa hai người chỉ là những cánh thư qua đường giao liên.
Cưới nhau chưa được bao lâu thì ông phải lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cho tới 14 năm sau thì hai người mới gặp lại nhau. Quãng thời gian đó, mối liên hệ duy nhất giữa hai người chỉ là những cánh thư qua đường giao liên. Mỏi mòn chờ đợi người yêu nhưng trong lòng bà vẫn thắp lên niềm hy vọng ông sẽ sớm trở về đoàn tụ. Hai người gặp lại nhau là lúc, mái đầu bắt đầu điểm bạc. Đó là câu chuyện tình yêu đầy sự cảm phục của ông Nguyễn Phương Bá (SN 1929) và bà Vương Thị Tiệng (1933, ngụ đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Trao lời yêu sau 3 ngày hò hẹn
Năm 1954, cũng như bao thanh niên thời đó, chàng trai Nguyễn Phương Bá ra Bắc tập kết. Lúc này, đơn vị của ông đóng quân ở địa bàn vùng núi xứ Nghệ. Một lần tình cờ, ông gặp bà, một cô sơn nữ xinh đẹp. Chút ngượng ngùng, e thẹn của cô gái khiến trong lòng chàng trai đất Quảng dấy lên cảm giác bồi hồi xao xuyến. Sau lần gặp ấy, hình ảnh nàng thiếu nữ ngây thơ, dịu hiền luôn hiện hữu trong tâm trí ông. Biết trái tim đã bị cô gái ấy chinh phục, hôm sau, ông trở lại địa điểm hôm trước chờ đợi, hy vọng nhìn thấy cô gái thêm một lần nữa.
1 ngày, 2 ngày vẫn không thấy người mình thầm thương trộm nhớ xuất hiện nhưng sự nhớ nhung vẫn thôi thúc ông kiên trì chờ đợi. Đến ngày thứ ba, ông không thể giấu được sự mừng rỡ khi người con gái ấy xuất hiện. Quyết không bỏ qua cơ hội, ông mạnh dạn bắt chuyện làm quen và thổ lộ tâm tư. “Nghe ông nói đã ba ngày nay đứng đợi, tôi chỉ biết cúi mặt gượng cười. Ông bảo rằng ngày mai mong tôi sẽ đến vì ông muốn ngày nào cũng được gặp tôi. Những lời tâm sự từ đáy lòng ấy đã khiến tôi bị chinh phục. Vậy là ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau để trò chuyện, tâm sự. Rồi cứ thế, chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay”, bà Tiệng nhớ lại.
Qua 2 tháng hẹn hò, ông mới ngượng ngùng ngỏ lời với bà. Cho đến tận bây giờ, bà vẫn nhớ như in những câu nói ông thổ lộ: “Chúng mình cưới nhau em nhé. Chiến tranh chưa biết bao giờ mới chấm dứt, anh sợ phải xa em. Anh muốn chúng mình hãy dành cho nhau những ngày tháng tốt đẹp nhất của tình nghĩa vợ chồng. Sau này dù có xa em, anh cũng sẽ cố gắng để trở về. Anh đã quyết định rồi, cuộc đời anh không thể sống thiếu em được”. Nhận thấy tình cảm chân thành của ông, bà đã gật đầu đồng ý.
Về phía gia đình bà Tiệng, khi nghe con gái rụt rè xin cưới, mẹ bà bất ngờ vì chuyện tình cảm lâu nay của con gái không ai biết. Mẹ bà hỏi tỉ mỉ về ông. Khi biết ông là người miền Trung theo đơn vị đóng quân ở đây thì bà phản đối: “Mẹ không muốn con lấy chồng xa nên đã làm mối cho con một anh cán bộ ở gần nhà rồi. Như thế, mẹ con lại được gần nhau, con cũng sẽ đỡ vất vả”. Nghe mẹ nói, bà Tiệng thấy như đất trời sụp đổ. Cả trái tim đã gửi cho ông Bá, bà quyết đấu tranh để thuyết phục mẹ. “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, sau cùng, mẹ bà cũng đành ưng thuận cho hai người tổ chức đám cưới, một đám cưới đơn giản nhưng ấm cúng.
Những cánh thư kết nối tình yêu
|
Hạnh phúc của đôi vợ chồng nuôi tình yêu qua những cánh thư. |
Sau khi cưới, đến năm 1961, đơn vị của ông được lệnh hành quân vào miền Nam để tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Lúc này, bà cảm thấy vô cùng lo lắng. Chiến tranh ác liệt không biết khi nào mới kết thúc. Nhiều đêm nghĩ về quãng thời gian biền biệt xa cách, bà chỉ biết nằm khóc một mình. Tháng ngày gần gũi và những kỷ niệm đẹp bên nhau rồi sẽ trở thành những chuỗi ngày sống trong nhung nhớ và chờ đợi. Rồi đây, bà không biết liệu mình có thể chịu đựng được những chuỗi ngày vò võ ngóng chờ. Biết được nỗi lòng của bà, ông lại động viên an ủi: “Anh đi vì nhiệm vụ với đất nước. Anh cũng buồn vì sắp phải xa em nhưng em đừng lo lắng. Nhất định sau ngày đất nước thống nhất, anh sẽ quay về và bù đắp cho những tháng ngày em phải chịu thiệt thòi. Em hãy đợi và tin ở anh. Vào đó anh sẽ thường xuyên viết thư cho em”.
Ngày chia tay để ông lên đường nhiệm vụ, đôi vợ chồng trẻ quyến luyến không muốn rời xa. Bà cố gắng kìm lại, không để những giọt nước mắt rơi vì sợ sẽ làm ông chùn bước. Kể từ ngày đó, hai người liên hệ với nhau qua những lá thư giao liên, cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện trong chiến đấu, trong cuộc sống… Hồi tưởng lại những kí ức, bà Tiệng chia sẻ: “Những lúc tôi gặp khó khăn về tư tưởng, trong thư ông luôn nhắn nhủ động viên, an ủi hãy giữ gìn sức khỏe, khuyên tôi cố gắng học tập và đừng lo lắng cho ông. Ở nơi kia, ông cũng nhớ tôi nhiều lắm. Nghe những lời đó, tôi xúc động đến trào nước mắt. Nghe lời ông, tôi luôn phấn đấu trong công việc để làm ông vui rồi khoe những gì tôi đã làm được”. Trả lời thư của bà, ông viết: “Anh mừng lắm khi nghe tin em cố gắng học tập và công tác tốt như vậy. Em phải yên tâm và tích cực học tập, phấn đấu để trở thành người cán bộ tốt. Được như vậy đó là phần thưởng cao quý nhất mà em gửi đến anh. Em phải luôn cố gắng nhé... Anh sẽ về với em vào một ngày sớm nhất”.
Chiến tranh loạn lạc, có những lúc do điều kiện khó khăn mà những bức thư ông gửi bị thất lạc hoặc không về được tới nơi. Những lúc ấy, trong lòng bà lại dâng lên cảm giác bất an, bà lo lỡ ông có mệnh hệ gì. Đêm trằn trọc, bà lại lấy những lá thư trước đây ông viết ra đọc lại cho vơi bớt nỗi buồn và sự lo lắng. Thấy thế, bạn bè luôn khuyên bà hãy tìm cho mình hạnh phúc riêng, bởi chiến tranh ai đâu biết thế nào. Bỏ mặc những lời khuyên đó, bà chỉ biết im lặng bởi trong lòng bà, trái tim bà luôn hướng về người chồng nơi phương xa. Bà tin phép màu sẽ đến, ông sẽ trở về.
Cho tới năm 1975, hạnh phúc như vỡ òa khi bà gặp lại ông sau 14 năm xa cách. Ông không còn là chàng trai trẻ trung, bà cũng không còn là cô gái tuổi đôi mươi như ngày nào nữa. Bà Tiệng xúc động cho biết: “Lúc ông trở về, tôi đang công tác Hải Dương. Ông bị thương nên được chuyển đến bệnh viện tỉnh Hải Dương để điều trị. Tôi cũng không nghĩ sẽ gặp ông trong trường hợp như vậy”. Gặp nhau, ông bà tâm sự những tháng ngày xa cách, cùng hứa với nhau sẽ xây dựng một cuộc sống hạnh phúc trong tương lai.
Chiến tranh là những mất mát đau thương, là sự tàn khốc ác liệt nhưng chính nó cũng là môi trường để thử thách tình yêu. Nhiều tình yêu hạnh phúc được vun đắp trong thời chiến. Có người may mắn sống sót trở về, có người phải lìa xa nhau mãi mãi. Có những tình yêu không chung thủy khi sự chờ đợi vượt quá sự chịu đựng của con người. Giờ đây, trở về cuộc sống thường ngày, họ sinh con rồi cùng chung tay nuôi con cái khôn lớn trưởng thành. Nhìn lên chồng thư ông bà gửi vào đó bao nỗi niềm cho nhau, chúng tôi thầm cảm phục một tình yêu chung thủy.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình:
Theo Gia Đình & Xã Hội