Nữ trung tá “quỵt tiền” rối loạn phân liệt cảm xúc: Có nên trong ngành công an?

Google News

(Kiến Thức) - Đối với vụ việc nữ trung tá Công an tỉnh Thái Bình bị tố "quỵt" tiền lái xe, cần làm rõ xem có bị tác động bởi yếu tố bệnh lý hay do tính cách của trung tá Linh từ trước đó để có hình thức xử lý phù hợp.

Vụ nữ trung tá công an bị tố "quỵt" tiền lái xe" và có cách ứng xử không chuẩn mực của người cán bộ CAND đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Mới đây, Công an tỉnh Thái Bình cho biết, trung tá Vũ Thùy Linh có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, gia đình đã đưa đi điều trị tại bệnh viện tâm thần tỉnh Thái Bình từ 29/3 đến ngày 11/4/2011 và hiện đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa bà Vũ Thùy Linh đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định.
Mẹ đẻ trung tá Vũ Thùy Linh cho biết, thời gian gần đây, Linh có biểu hiện tái phát bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc, trong cách ăn nói, cư xử, sinh hoạt có nhiều biểu hiện không bình thường.
Dư luận đặt câu hỏi, nữ trung tá rối loạn phân liệt cảm xúc có nên trong ngành công an?
Nu trung ta “quyt tien” roi loan phan liet cam xuc: Co nen trong nganh cong an?
Tài xế phản ánh việc nữ trung tá quỵt tiền lên mạng xã hội. 
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo Công an tỉnh Thái Bình, trung tá Vũ Thùy Linh có tiền sử của bệnh rối loạn phân liệt cảm xúc và đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng gia đình đưa Vũ Thùy Linh đi chữa bệnh và xử lý vụ việc theo quy định.
“Trong trường hợp việc điều trị bệnh không mang lại kết quả tích cực, không đủ sức khỏe để tiếp tục công tác thì có thể cho xuất ngũ theo quy định. Còn trường hợp kết quả điều trị ổn định, nữ trung tá công an này có thể tiếp tục làm việc thì sẽ tiếp tục làm việc và được bố trí công việc phù hợp”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Đối với việc nữ trung tá nợ tiền tài xế taxi, Luật sư Cường cho rằng, cần làm rõ xem có bị tác động bởi yếu tố bệnh lý hay không hay là tính cách của người này từ đó mới có thể có hình thức xử lý phù hợp.
Trước đó, lái xe Bùi Đức Hân (trú tại thôn Đông An, xã Tự Tân, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình) có đơn đề nghị Công an tỉnh Thái Bình giải quyết việc bà Vũ Thùy Linh, cán bộ phòng Hồ sơ, Công an tỉnh Thái Bình có thuê xe của anh vào ngày 8/11/2019 đi một số địa điểm trong và ngoài tỉnh Thái Bình với tổng số tiền là 2.000.000đ (Hai triệu đồng), anh Hân đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa trả.
Theo lái xe này, ngày 7, 8/11/2019 bà Linh có thuê xe của anh để chở đi một số địa điểm trong tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nội, không có hợp đồng bằng văn bản, ngày 08/11/2019 bà Linh trả cho anh Hân 1.000.000đ còn 2.000.000đ anh Hân đòi nhiều lần nhưng bà Linh chưa trả. Anh Hân đề nghị Công an tỉnh giải quyết, yêu cầu bà Linh trả cho anh số tiền trên.
Trong khi đó, Trung tá Vũ Thùy Linh cho biết, bà đã trả cho anh Hân 1.000.000đ. Sau đó anh Hân có đòi chị Linh trả thêm  để đủ 2.000.000đ nữa nhưng chị Linh cho rằng giá thuê xe như vậy là cao nên chưa trả.
Đáng chú ý, dư luận không chỉ bức xúc trước thông tin “quỵt tiền” tài xế mà còn trước cách thể hiện thái độ của không đúng mực của người cán bộ công an nhân dân khi ứng xử trước dư luận.
Cụ thể, qua những dòng tin nhắn được cả nữ trung tá công an và tài xế đăng tải lên mạng xã hội cho thấy, việc xưng hô giao tiếp của nữ trung tá công an không bình thường khi tài xế xưng hô lịch sự và mong muốn đòi lại tiền dịch vụ xe nhưng nữ trung tá lại xưng hô mày tao, thách thức vào trụ sở công an tỉnh để đòi tiền, thậm chí còn nói rằng: “Mày vào trụ sở công an tỉnh đi. Có đứa nó đưa cho mày. Phó giám đốc tao đưa cho mày nhé”.
Chưa dừng lại ở đó, nữ trung tá còn đăng tải dòng trạng thái trên trang cá nhân gọi tài xế bằng “thằng”, thậm chí cho rằng lái xe “láo nháo” và kêu gọi hội lái xe tẩy tray tài xế.
Khi được người khác khuyên ngăn nên trả tiền cho tài xế, nữ trung tá này còn sẵn sàng đối đáp bất cứ người nào khuyên nên trả tiền cho tài xế với ngôn ngữ nặng nề vốn không nên có từ một cán bộ công an đã được qua đào tạo bài bản về nghiệp vụ lẫn đạo đức, am hiểu quy tắc ứng xử của ngành công an và đang giữ hàm trung tá.
So với quy tắc ứng xử của Công an nhân dân được quy định tại Thông tư số 27/2017 của Bộ Công an thì rõ ràng, cách ứng xử của nữ trung tá công an tỉnh Thái Bình đã có dấu hiệu vi phạm quy tắc ứng xử của ngành công an và dư luận đề nghị Công an tỉnh Thái Bình cần xác minh làm rõ nếu có vi phạm cần xử lý theo quy định của ngành và nên tạo điều kiện đưa trung tá Vũ Thùy Linh đi chữa bệnh để không làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cán bộ công an nhân dân.
Mời độc giả xem video Bộ trưởng Tô Lâm: "Phải chấn chỉnh đạo đức công vụ":

Nguồn VTC Now.

Tâm Đức