Chị Minh chia sẻ ngày Tết là một thứ xa xỉ và chưa bao giờ trọn vẹn cùng gia đình khi lịch bay dày đặc, đóng góp thầm lặng cho mỗi chuyến bay an toàn, để nối những nhịp cầu sum họp của nhiều người trên mọi miền đất nước.
|
Tiếp viên hàng không Lê Hồng Minh. |
Kỷ niệm đêm 30 Tết
Những ngày tháng trên các chuyến bay đặc biệt đó lại để trong chị nhiều kỷ niệm khó quên.
Chị nhớ lại, cách đây 5 năm, chuyến bay từ Bắc Kinh về Hà Nội rất đông hành khách với mọi lứa tuổi nhưng chị để ý nhất 2 mẹ con ở ghế ngồi phổ thông. Người mẹ đi cùng 1 trẻ nhỏ khoảng gần 1 tuổi nhưng lại không có đồ đạc, hành lý gì về ăn Tết.
Lúc xuống máy bay và ra nhà ga hàng không, chị Minh nhận thấy hành khách đó vẫn ngồi tại ghế nhà chờ với vẻ buồn bã, hoảng loạn.
Tiếp chuyện thì bà mẹ đó chia sẻ là người dân tộc Tày ở Lạng Sơn đi lao động TQ nhưng bị bắt về làm vợ. Sau 12 năm, chị trốn được khỏi nhà chồng và với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Việt Nam nên trở về quê đón Tết.
''Sau đó, tôi đã liên lạc với an ninh sân bay, nhờ liên hệ với gia đình ở Lạng Sơn để đưa bà mẹ trẻ này về quê'' - chị Minh nhớ lại.
2 ngày ăn ở cùng hành khách, chị vội vã nhờ chồng mang quần áo của con mình để đưa cho em bé mặc. Ngày 30 Tết, người phụ nữ trẻ này gọi điện thông báo đã về tới nhà và cảm ơn vì sự giúp đỡ nhiệt tình này.
Đó là kỷ niệm đáng nhớ trong nghề tiếp viên mà mỗi lần nhắc lại chị Minh cảm thấy rưng rưng trước hoàn cảnh và số phận của người phụ nữ trẻ sao bao năm lưu lạc xứ người đã được trở về đoàn tụ cùng gia đình.
Một kỷ niệm khác cũng khiến nữ tiếp viên hàng không này xúc động. Cách đây nhiều năm về trước, sau hành trình bay từ Nhật Bản về TP.HCM, chị vội vã mua vé máy bay đi Vinh để tiếp tục về Quảng Bình.
Do thời tiết xấu, chuyến bay phải chuyển hướng hạ cánh xuống Nội Bài (Hà Nội). Chị đành phải chờ đến ngày 1 Tết mới có thể mua vé bay về Quảng Bình.
|
Tiếp viên hàng không cứ Tết đến lại phải xa gia đình |
Cơ duyên với nghiệp bay
Nữ tiếp viên Hồng Minh từng là sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Trong thời gian nghiên cứu làm luận văn về ngành hàng không, đọc tài liệu và biết được thông tin Vietnam Airlines tuyển tiếp viên, chị đi thi thử nhưng không ngờ lại đỗ và từ đó chuyển hẳn sang làm tiếp viên.
Với nền tảng tiếng Anh tốt, chị phải trải qua quy trình đào tạo tiếp viên 6 tháng, từ học cách sơ cứu, đi đứng, trang điểm, nở nụ cười, nhận biết phân biệt hàng hóa nguy hiểm, an ninh an toàn hàng không…
|
Tiếp viên Lê Hồng Minh và tổ bay |
Để trở thành tiếp viên trưởng, ngoài việc có bằng ĐH là một ưu thế, tiếp viên phải từng trải qua làm tiếp viên thường, tiếp viên khoang hạng thương gia, tiếp viên trưởng bậc 1 (bay tàu bay nhỏ như A321 hoặc ATR72) và tiếp viên bậc 2 (bay tất cả tàu bay).
“Công việc áp lực và việc ngủ lệch múi giờ khiến nhiều tiếp viên sau khi bay trở về nhà đều cảm thấy mệt mỏi”, chị nói.
Một số tiếp viên mắc bệnh đau dạ dày do thời gian ăn uống thất thường, không đúng giờ, chưa kể sau khi ăn xong vào làm việc luôni. Tiếp viên cũng có thể bị cận thị do làm việc trong điều kiện khoang máy bay thiếu ánh sáng.
“Vào các dịp lễ, Tết tôi mới cảm giác thấm thía việc con mình có thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa. Thậm chí con tôi còn hỏi: Tết này mẹ đón Giao thừa ở nước nào?”, chị Minh tâm sự.
Theo chị Minh, bù lại tất cả các chuyến bay ngày Tết, trước khi bay, các lãnh đạo đều mừng tuổi, tặng quà tổ bay để động viên, chúc Tết. Đội tổ bay cũng chuẩn bị bánh chưng, bánh kẹo mang lên máy bay. Khi các công việc hoàn thành, tiếp viên bóc bánh chưng ăn trên máy bay với cảm giác và hương vị khác xa ngày thường.