Ngày 21/12, chị Nguyễn Thị Bích Hường gửi đơn kháng cáo bản án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Theo đó, nữ tiếp viên hàng không đề nghị tòa phúc thẩm xét xử theo hướng tăng án và xem xét lại trách nhiệm dân sự đối với Nguyễn Trần Hoàng Phong (32 tuổi), người gây tai nạn.
Năm ngày trước, TAND quận Phú Nhuận đã tuyên phạt Nguyễn Trần Hoàng Phong 7 năm 6 tháng tù. Tòa cũng buộc Phong phải bồi thường gần 2 tỷ đồng cho hai bị hại là ông Lê Mạnh Thường và chị Hường.
Trong đơn kháng cáo, chị Hường cho rằng mức hình phạt mà tòa sơ thẩm đã tuyên là chưa phù hợp, chưa tương ứng với hành vi, hậu quả mà bị cáo đã gây ra.
|
Chị Nguyễn Thị Bích Hường (trái) và luật sư đến dự phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về phần dân sự, theo bị hại, TAND quận Phú Nhuận buộc bị cáo Phong phải bồi thường cho chị Hường số tiền hơn 1,4 tỷ đồng là phù hợp. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chỉ buộc mỗi bị cáo Phong bồi thường là chưa đúng.
Bởi việc giao chiếc xe Mercedes cho bị cáo sử dụng gây tai nạn còn liên quan đến Công ty TNHH TM du lịch vận tải Khang Gia (Công ty Khang Gia) và Công ty TNHH Fumita. Vì vậy, theo chị Hường, hai công ty này phải cùng có trách nhiệm liên đới bồi thường cho những tổn thất của 2 bị hại.
Cụ thể, nguồn gốc chiếc Mercedes mà Phong lái dẫn đến tai nạn là của ông Võ Văn Phúc cho Công ty Fumita thuê. Tuy nhiên, việc ông Phúc cho công ty này thuê xe vẫn chưa được xác minh.
Tại tòa, đại diện Công ty Fumita cho biết họ chỉ thuê xe của ông Phúc qua lời nói vì 2 người có quan hệ cha con, không có hợp đồng cho thuê xe. Thế nhưng, trong hồ sơ vụ án lại có hợp đồng thuê xe giữa hai bên.
"Hợp đồng này có phải là ký 'giả tạo' sau khi tai nạn xảy ra để chứng minh có việc cho thuê xe giữa ông Phúc với Công ty Fumita hay không?", chị Hường đặt câu hỏi trong bản kháng cáo.
|
Bị cáo Nguyễn Trần Hoàng Phong tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Phía chị Hường cũng chỉ ra rằng trong hợp đồng mà ông Phúc cho Fumita thuê xe chỉ có nội dung "quản lý và sử dụng", không được cho thuê lại. Trong khi đó, Công ty Fumita lại cho Công ty Khang Gia thuê xe. Sau đó, Công ty Khang Gia lại cho Phong thuê.
Tuy nhiên, hợp đồng thể hiện giao dịch thuê xe giữa 2 công ty kể trên trong hồ sơ vụ án chỉ đóng dấu mà không có chữ ký. Như vậy là "không có giá trị pháp lý". Hơn nữa, phía chị Hường nhận định có dấu hiệu giả mạo trong hợp đồng cho thuê xe giữa Công ty Khang Gia và tài xế Phong.
Từ đó, chị Hường khẳng định cả 2 công ty có lỗi và liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.
Cuối cùng, đơn kháng cáo nêu lại tình tiết trong thời gian tạm giam, bị cáo Phong đã làm thủ tục sang tên và chuyển quyền sở hữu căn hộ cho mẹ. Hành vi này nhằm mục đích tẩu tán tài sản để tránh né trách nhiệm bồi thường. Chị Hường phản đối việc tòa không áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên căn hộ của bị cáo để đảm bảo việc thi hành án.
Với các lý do trên, chị Hường gửi đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm mà TAND quận Phú Nhuận tuyên vào ngày 16/12.
Theo Hoài Thanh - Thu Hằng/Zing