Nữ sinh tự tử vì bị tung clip: "Cần xử lý người phát tán hình ảnh"

Google News

(Kiến Thức) - Cái chết của nữ sinh H.T.L. được cho là bị phát tán hình ảnh hôn bạn trai trên lớp, chuyên gia Đào Trung Hiếu cho rằng cần phải điều tra, làm rõ những người có liên quan và xử lý nghiêm.

Dư luận những ngày qua vẫn đang xôn xao bàn tán về vụ việc nữ sinh H.T.L (17 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhảy xuống ao tự tử. Nguyên nhân ban đầu dẫn tới hành động dại dột này được cho là clip nhạy cảm của nữ sinh L. khi “hôn” bạn trai trên lớp bất ngờ bị phát tán lên mạng xã hội, và nhận được những lời chọc ghẹo, bình luận ác ý của bạn bè.
Xoay quanh vụ việc nữ sinh tự tử vì bị tung clip, PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu - Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an).
 Chuyên gia tội phạm Đào Trung Hiếu cho rằng cần phải điều tra, xử lý nghiêm những người có liên quan đến việc phát tán hình ảnh nhạy cảm của nữ sinh L. lên mạng xã hội, vì có thể nguyên nhân đó khiến nữ sinh L. nhảy ao tự tử.
Trước tiên, chuyên gia Hiếu cho rằng, cần phải điều tra, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm những người có liên quan đến cái chết của nữ sinh H.T.L, dù là vô tình hay hữu ý. Bởi một hành động ác ý hoặc thiếu suy nghĩ của một người này có thể gây ra tai họa, bất hạnh đối với người khác. Nhất là khi đưa thông tin, hình ảnh của ai đó, điển hình là trường hợp nữ sinh tự tử L., lên mạng xã hội, nhất là khi có tính chất riêng tư, nhạy cảm, xâm phạm danh dự, nhân phẩm,...
Chuyên gia Hiếu phân tích: Không thể phủ nhận những tính năng tuyệt vời của mạng xã hội trong cập nhật thông tin, liên kết xã hội, nhưng mặt trái của nó lại chính là việc phát tán, lây lan không thể kiểm soát. Trường hợp thông tin đăng tải có tính chất riêng tư, nhạy cảm hoặc bất lợi như vụ việc nữ sinh L. thực sự là một hiểm họa đối với uy tín, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Đáng lo ngại, những thông tin, hình ảnh nhạy cảm, riêng tư của người khác lại có xu hướng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Trên thế giới ảo, người dùng thường vô trách nhiệm trước những phát ngôn của mình, vô tư đưa ra nhận xét theo ý thích, không cần biết điều ấy tác động thế nào đến chủ nhân của hình ảnh đó.
Trung tá Hiếu khẳng định, phản ứng của cộng đồng mạng tất yếu sẽ gây ra những sang chấn tâm lý cho người có hình ảnh nhạy cảm bị phát tán. Đó có thể là xấu hổ, giận dữ, lo lắng, buồn phiền, thậm chí bất an và tuyệt vọng. Tùy thuộc đặc điểm tâm lý cá nhân, khí chất, kinh nghiệm sống, ý thức, trình độ nhận thức, nghề nghiệp … của từng người mà những biểu hiện tâm lý này có sự khác nhau về mức độ. Trường hợp nữ sinh L. là điển hình.
Tuy nhiên, với những người từng trải, dạn dị với cuộc sống, họ thường có tâm thế vững vàng hơn khi đối diện với những thứ bất lợi đang xảy ra với mình. Ngược lại, với người trẻ đang ở độ tuổi thanh thiếu niên, họ chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và trí tuệ, kinh nghiệm sống chưa nhiều, chưa quen với áp lực, khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi chưa cao…nên thường không giữ được sự bình tĩnh và khả năng suy xét cần thiết.
Bên cạnh đó, việc “cường điệu hóa” các nguy cơ, gia tăng áp lực lên chính bản thân sẽ khiến người trẻ dễ lâm vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, biểu hiện ở cảm giác tuyệt vọng, bi quan, chán nản.
Và từ sự chấn động tâm lý ấy, nhiều người cách giải quyết không đúng đắn, trong đó có tìm đến cái chết như một sự giải thoát khỏi bế tắc.
Theo Trung tá Hiếu, để không xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như nữ sinh L. nếu các bậc phụ huynh biết con em mình bị phát tán hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội, cần phải có kỹ năng xử lý khủng hoảng để giữ cho sự việc không tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Để làm được điều đó, trước tiên là thái độ khi tiếp cận sự việc, bởi trẻ rất dễ bị chấn động, kích động khi hình ảnh, danh dự của mình bị xâm hại trên môi trường mạng. Để trẻ bình tĩnh, cha mẹ cần hạ thấp tính chất nghiêm trọng của câu chuyện, đừng làm ngược bằng việc mắng mỏ con cái. Điều này càng đẩy trẻ vào trạng thái tuyệt vọng do không còn nơi bấu víu, nương tựa.
Tiếp đó là nói với trẻ chuyện ấy là bình thường và có rất nhiều cách tháo gỡ. Hãy cho chúng niềm tin rằng mọi việc rồi cũng qua.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chủ động bàn với trẻ về cách tháo gỡ, khéo léo lôi trẻ ra khỏi câu chuyện bằng cách cho chúng tham gia vào việc tham mưu, đề xuất cách giải quyết. Hãy trò chuyện thật nhiều với trẻ, nhấn mạnh rằng những thử thách trong cuộc sống sẽ giúp chúng tôi luyện bản lĩnh con người, cần biến tai họa thành cơ hội để trưởng thành hơn.
Ngoài ra, cần theo dõi sát sao các biểu hiện tâm lý, hoạt động của trẻ, để tránh những cơn kích động bất ngờ. Nên dành nhiều thời gian cho trẻ, có thể tách chúng ra khỏi công việc, học tập, đưa đi chơi. Đặc biệt, cần chủ động cách ly trẻ với mạng xã hội trong thời điểm nhạy cảm, để cảm xúc tiêu cực lắng xuống.
Băng Tâm