Ngày 17/2, Công an phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng cho biết, đã mời N.T.T.V. (37 tuổi) và H.D.H. (34 tuổi, người địa phương) đến lấy lời khai để làm rõ việc hành hung chị Phương Anh (phóng viên VTV8 tại Đà Nẵng).
Phóng viên giải thích đang tác nghiệp theo nhiệm vụ của cơ quan giao nhưng 2 người này vẫn lăng mạ, chửi bới chị trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường.
Phóng viên Phương Anh cho hay: "Mặc dù hình ảnh tôi quay không có họ, nhưng 2 người vẫn chửi bới, thậm chí lao vào định đánh tôi. Thấy tình hình căng thẳng nên buộc tôi phải đưa máy cho họ xem và họ xóa hết hình ảnh trong camera".
Sau đó, Phương Anh cầm máy camera đi vào phòng của nhân viên trực gác chắn thì 2 người này tiếp tục xông vào hành hung. Hình ảnh camera tại đây ghi lại cảnh cô gái mặc áo đen đã tát nữ phóng viên.
Rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng tình hình có vẻ vẫn diễn biến phức tạp.
|
Camera ghi lại cảnh người phụ nữ đánh phóng viên. Ảnh cắt từ clip.
|
Theo quy định tại điều 9, Luật báo chí thì trong các hành vi bị cấm đối với hoạt động báo chí bao gồm các điều, khoản sau: “Cản trở việc in, phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí hợp pháp tới công chúng.
Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”.
Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà hành vi cản trở sự tác nghiệp của báo chí sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Hành vi cản trở các nghiệp của nhà báo thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau có thể là hành hung gây thương tích cho nhà báo, đập phá máy quay, phương tiện kĩ thuật của nhà báo, chửi bới, xúc phạm hoặc có những hành vi khác.
Với những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nhà báo gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về các tội danh như: Tội giết người, tội cố ý gây thương tích, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tội làm nhục người khác...
Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức độ phải xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số: 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.
|
H. tại cơ quan Công an.
|
Theo quy định tại Điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP thì hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp, cản trở hoạt động báo chí sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
+ Uy hiếp tính mạng nhà báo, phóng viên;
+ Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên;
+ Thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên.
Ngoài các mức chế tài hành chính nêu trên, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
- Buộc xin lỗi đối với hành vi vi phạm;
- Buộc trả lại phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí đối với hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu...
Như vậy, đối với nữ phóng viên VTV8 bị hành hung, buộc phải xóa dữ liệu trong máy ảnh thì người vi phạm trong tình huống này sẽ bị xử phạt hành chính là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Trong trường hợp có những lời nói, hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động ở Nhật thì sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 điều 7, Nghị định 159/2013/NĐ-CP nêu trên.
Ngoài ra, nếu đối tượng cản trở nhà báo tác nghiệp có những hành vi vi phạm pháp luật khác thì cũng sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp cản trở nhà báo tác nghiệp như vậy thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh để đảm bảo hoạt động đúng đắn của báo chí, duy trì trật tự và công bằng xã hội.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Cũng cần nói rằng pháp luật quy định quyền tự do hình ảnh, tự do thông tin cá nhân. Tuy nhiên, quyền tự do này không phải là không có giới hạn, quyền tự do này sẽ bị hạn chế khi công dân, cá nhân không tuân thủ pháp luật, có những hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của cá nhân. Trong những trường hợp này thì quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh bị giới hạn.
Các phóng viên, nhà báo có quyền hoạt động nghề nghiệp trong đó có hoạt động phóng sự điều tra, xác minh, thu thập các thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật, các sai phạm, các bất cập trong đời sống xã hội.
Đây là các quyền năng cơ bản mà pháp luật quy định đối với báo chí, cũng là những giới hạn của quyền tự do nhân thân, tự do hình ảnh của cá nhân.
Với những hình ảnh đã được công khai, hình ảnh nơi công cộng thì quyền cá nhân cũng sẽ bị hạn chế hơn, việc sử dụng hình ảnh để phản ánh những tiêu cực xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật thì phóng viên, nhà báo được phép thực hiện theo quy định của luật báo chí.
Việc những người trên yêu cầu phóng viên, nhà báo xóa hình ảnh, tư liệu phóng sự trong hoạt động báo chí là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân biết giới hạn quyền của mình với hình ảnh, giới hạn hành vi của mình và các quy định trong hoạt động của báo chí để người dân hiểu và chấp hành pháp luật, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
>>> Xem thêm video: Hành hung cụ ông 80 tuổi chỉ vì cụ ông tranh giành địa bàn xe ôm