Mới đây, vụ
nữ nhân viên dọn vệ sinh ở sân bay Nội Bài nhặt được đồng hồ hiệu Cartier của khách bỏ quên nhưng không báo cáo mà cố tình chiếm giữ đang gây xôn xao dư luận.
|
Đồng hồ Cartier có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng (ảnh minh họa).
|
Cụ thể, tại khu vực soi chiếu nội bộ, nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, lực lượng an ninh đã phát hiện bà Dương Thị T. (44 tuổi, trú tại Vệ Linh, Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) nhân viên vệ sinh thuộc Công ty TNHH Hoàn Mỹ mang theo 1 đồng hồ nữ bằng kim loại, màu trắng, hiệu Cartier trong túi đồ cá nhân.
Lúc đầu, nữ nhân viên vệ sinh khai báo đó đồng hồ của mình. Tuy nhiên, khi lực lượng an ninh phỏng vấn xác minh thì nữ nhân viên T. đã thừa nhận lấy đồng hồ của khách.
Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, hiện việc xử lý nhân viên T. sẽ theo đúng trình tự, hồ sơ vụ việc, người, tang vật có liên quan được bàn giao cho Đồn công an sân bay Nội Bài xử lý theo quy định.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM đã phân tích về hành vi và mức xử lý trường hợp của nữ nhân viên T.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nếu phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên thì có hai hướng xử lý là: Trường hợp biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó và trường hợp không biết địa chỉ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.
|
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM.
|
Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, dù biết hay không biết địa chỉ của người đánh rơi, bỏ quên tài sản, dù tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị lớn hay nhỏ thì việc chiếm giữ, chiếm đoạt tài sản cũng được coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Người nhặt được tài sản bị đánh rơi, bỏ quên mà cố ý không trao trả cho người đánh mất hoặc không giao nộp cho UBND cấp xã, công an cấp xã sẽ bị xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
Theo điểm e, khoản 2 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi “chiếm giữ trái phép tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 02 đến 05 triệu đồng.
Mức phạt này cũng được áp dụng với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác như mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó là do vi phạm pháp luật mà có.
Trường hợp nữ nhân viên nhặt được đồng hồ đã cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm khi có yêu cầu đã phạm vào tội "chiếm giữ trái phép tài sản" theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, tội "chiếm giữ trái phép tài sản" được hiểu là hành vi cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi có yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Trong đó, người nhặt tài sản buộc phải biết tài sản đó không phải của mình mà cố tình không trả lại cho chủ sở hữu hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm và cho đó là của mình là đã có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
Theo quy định, người chiếm giữ trái phép tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm. Như vậy, cần giám định định chiếc đồng hồ này có phải chính hãng, trị giá bao nhiêu. Nếu có giám định trên 10 triệu đồng thì hành vi chiếm đoạt tài sản của người nhặt đồng hồ đã cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Luật sư Bình cho biết thêm, người nhặt được của rơi mà tài sản mặc nhiên có người nhận thì thôi, đó là đạo đức xã hội. Trường hợp nhặt của rơi mà báo cho cơ quan có thẩm quyền, sau 1 năm cơ quan ra thông báo nhưng không có người nhận thì người nhặt được của rơi có thể được thưởng.
Cụ thể, đối với tài sản dưới 10 tháng lương cơ bản thì người nhặt được sẽ được giao luôn tài sản đó, còn tài sản trị giá trên 10 tháng lương cơ bản thì phải giao cho nhà nước.
Ngoài 10 tháng lương cơ bản được hưởng, người nhặt được của rơi còn được hưởng thêm 50% giá trị của tài sản nhặt được sau khi đã trừ 10 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, tài sản nhặt được là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa thì không được hưởng 10 tháng lương mà phải trả cho nhà nước nhưng được thưởng và thưởng bao nhiêu thì do nhà nước tùy nghi, không quy định.
>>> Xem thêm video: Tạm giữ 2 đối tượng trộm gần 300 mặt đồng hồ Samsung.