Liên quan đến vụ việc Đại uý Lê Thị Hiền (36 tuổi, quê huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa; trú tại Hà Nội), là cán bộ thuộc Đội Cảnh sát giao thông, Trật tự, Phản ứng nhanh Công an quận Đống Đa (Hà Nội), gây náo loạn tại Sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) ngày 24/9, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã gửi đề xuất giáng cấp bậc quân hàm đối với Đại úy Hiền. Nhưng đến nay bà Hiền vẫn đi làm bình thường và vẫn chưa bị kỷ luật.
Thiếu tướng Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị vẫn đang thực hiện các bước trong quy trình kỷ luật nữ Đại úy Lê Thị Hiền. Vì chưa có quyết định cụ thể nên việc thông tin về hình thức kỷ luật đối với bà Hiền là điều không hay. Thiếu tướng Đào Thanh Hải cho biết thêm: “Sự việc vẫn đang làm, chưa có gì cụ thể, giờ nói ra mức xử lý như thế nhưng sau này không phải thì không hay”.
Lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho hay: "Hiện, Đại úy Hiền vẫn đang đi làm bình thường tại cơ quan và giữ nguyên chức vụ cũ. Đơn vị gửi đề xuất kỷ luật giáng cấp bậc quân hàm lên Công an Thành phố và đang chờ phê chuẩn".
Video Nữ đại uý Lê Thị Hiền náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất
|
Nữ Đại úy Lê Thị Hiền |
Việc chậm trễ đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc khiến nhiều người quan tâm bức xúc. Anh Trần Thưởng, ở Tứ Kỳ - Hải Dương, đặt ra câu hỏi: 2 tháng ròng không có quyết định cụ thể với đại uý Hiền, liệu có ai đứng sau, chống lưng cho chị đại uý này không?".
Trong khi đó, chị Hồng Ngọc ở Châu Long - Hà Nội lại đưa ra ý kiến về vụ việc đại uý Lê Thị Hiền náo loạn sân bay Tân Sơn Nhất, khiến Cục Hàng Không Việt Nam phải ra lệnh cấm bay trong thời hạn 12 tháng. Theo chị, vụ việc xảy ra, báo chí um sùm nên việc công bố kỷ luật là để đối phó, xoa dịu dư luận? Chị Ngọc cũng chia sẻ, những người có cách ăn nói, lối sống như thế này thì nên loại khỏi ngành chứ không chỉ đơn giản là giáng cấp: "Con người với thái độ vậy làm sao mà phục vụ dân được?".
Anh Chương Dương (Nghĩa Hưng - Nam Định) thì tỏ ra "chịu thua" với cách hành xử của nữ đại uý náo loạn sân bay: "Chị ta không xứng đáng được nhận đồng lương của nhân dân, không xứng đáng là cán ngành công an. Chị ta còn tệ hơn mấy kẻ du côn ngoài đường, chỉ phù hợp với khu vực chợ búa mà thôi".
Chị N.C.L - một đồng nghiệp cùng ngành với đại uý Lê Thị Hiền không giấu sự ngại ngần khi nhắc tới sự việc: "Chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi nhưng quả thật chẳng vui vẻ gì khi có một đồng nghiệp "nổi tiếng" theo cách này. Ngành công an vẫn còn rất nhiều tấm gương sáng, tôi hy vọng mọi người sẽ nhắc tới những tấm gương đó nhiều hơn câu chuyện này".
Trước đó, như đã đưa tin, chiều 11/8, tại sảnh A - ga đi quốc nội, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, bà Lê Thị Hiền (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đi cùng chồng và con đến làm thủ tục chuyến bay VN248, hành trình TP HCM - Hà Nội.
Khi làm thủ tục, bà Hiền gửi 4 kiện hành lý đủ tiêu chuẩn miễn cước, nhưng sau đó tiếp tục yêu cầu được ký gửi miễn cước thêm 1 kiện hành lý khác. Do quá cước nên nhân viên làm thủ tục không đồng ý yêu cầu này. Nữ hành khách sau đó thể hiện thái độ bức xúc, la lối, dùng ngôn ngữ thô tục khi bị từ chối miễn cước hành lý. Sau đó, bà Hiền được di chuyển đến khu vực an ninh soi chiếu.
Lúc này, do vô ý làm mất thẻ lên máy bay và phải quay lại quầy thủ tục, bà Hiền tiếp tục lớn tiếng quát tháo, mạt sát nhân viên tại đây. Lo ngại đến vấn đề an ninh, an toàn của chuyến bay, đại diện hãng hàng không tại sân bay quyết định “cắt chuyến”, từ chối vận chuyển bà Hiền trên chuyến bay VN248 đi Hà Nội.
Trước cách hành xử thiếu văn hóa, gây mất trật tự của bà Hiền, đồn Công an Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 200.000 đồng đối với nữ hành khách. Tuy nhiên, mức phạt này bị cho là quá nhẹ. Cục Hàng không Việt Nam sau đó ra lệnh cấm bay trong thời hạn 12 tháng đối với bà Hiền.
Trung Vương