Hổ, báo đâu ra mà lắm thế...
Trong quá trình tìm kiếm tư liệu thực hiện loạt bài này, PV được một số người từng buôn bán động vật quý hiếm bắt mối cho gặp ông H. – cao nhân đã giải nghệ. Theo dân trong nghề, ông H. là cả một kho tư liệu sống về buôn bán hàng cấm không chỉ ở khu vực miền Đông, Tây Nguyên mà cả bên Lào, Campuchia về. Xin được địa chỉ, PV lên đường đi Bình Phước, nơi ông H. đang sinh sống.
Điều kỳ lạ, đến địa phận huyện Bù Gia Mập, hỏi thông tin về ông H., người dân nơi đây không ai biết. Phải lân la mãi, PV mới tìm được nơi cư ngụ của ông. Lúc chúng tôi đến, ông H. đang hàn mái che cho một người gần nhà. Biết PV muốn hỏi chuyện ngày xưa về mua bán động vật hoang dã, ông cười chua chát: “Chuyện có gì đâu, xưa lắm rồi nhắc lại làm gì. Hồi xưa, thiếu hiểu biết, lại khó khăn nên đâm đầu vào món hàng hóa ấy, chứ có ai muốn. Tuy nhiên, hồi đó tôi cũng chỉ mua bán khỉ, trăn thôi, còn hổ, báo, thì không”.
|
Nanh, da hổ, báo được các đối tượng rao bán tràn lan trên mạng. |
Được biết, ông H. (năm nay đã ngoài 60 tuổi) từng là một tay sành sỏi trong nghề buôn bán động vật hoang dã (khỉ và trăn) vào những năm 80 của thế kỷ trước tại khu vực Sông Bé xưa (tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay), Lâm Đồng. Dù không buôn bán hổ, báo nhưng ông cũng biết được khá nhiều chuyện về mặt hàng này. Ông H. kể: Ngày xưa còn có hổ, báo, người dân tộc thỉnh thoảng còn săn bắn được. Dân săn bắn chuyên nghiệp mới mong hạ được nó nhưng cũng là chuyện hết sức hi hữu. Vì thế để mua được da hổ, da báo hoặc nanh hổ, nanh báo thật là chuyện rất khó khăn.
Theo lời ông H., ở vùng này có nhiều người Stiêng sinh sống. Họ sống gần những bìa rừng, một số còn sống cả trong rừng. Họ mưu sinh chủ yếu bằng săn bắn, hái lượm, sau có trồng được một số cây ăn trái như bắp, lúa. “Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó nghe bà con dân tộc nói, còn thấy hổ về trong đêm nhưng cũng không thấy ai hạ được con nào. Bà con đồng bào dân tộc cũng có nhiều người săn bắn giỏi, họ làm nỏ, cung... thì tuyệt vời. Tuy nhiên, hổ cũng đâu có đùa, nó nhanh và ranh, tinh dữ lắm”, ông kể.
Nhắc lại chuyện xưa để nói rằng, bây giờ mà kiếm được nanh hổ, báo là hết sức hiếm hoi (chứ không phải không có). Cách đây khoảng 10 năm về trước, ông H. có mấy người bạn hay đi sang Lào và Campuchia, họ săn được một số nanh nhưng chủ yếu là của heo rừng. Còn móng gấu thì nhiều hơn, nhưng cũng khó tìm. Vì một phần gấu được nuôi nhốt nhiều để chích lấy mật, có những con chết đi người ta bán móng, vuốt của nó mà thôi.
“Nhiều người nói, kiếm được da hay nanh hổ, báo, thật sự tôi không biết họ tìm đâu ra. Cũng có thể lý giải là nhiều vườn thú mọc lên, một số người cũng nuôi hổ, báo nhưng không có chuyện họ nuôi để bán nanh, bán da. Chuyện này rất khó xảy ra, vì họ nuôi không phải vì mục đích đó”, ông H. đặt câu hỏi.
Theo ông H., hổ, báo trong các cánh rừng ở Việt Nam hầu như rất ít. Chắc nhiều người còn nhớ, cách đây vài năm, tại Lâm Đồng, người ta nháo nhác bàn tán xôn xao chuyện báo hoa mai xuất hiện tại đây. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những dấu chân mà nó để lại, chứ thực sự không ai nhìn thấy tận mắt. Nhắc đến chuyện này để nói rằng, báo, hổ... như đang vào miền cổ tích và mỗi khi nhắc đến hoặc xuất hiện cũng trở thành sự kiện hết sức lạ lùng. “Vì vậy, chuyện mua da hổ, báo hoặc nanh hổ, báo... là chuyện hoang đường, hầu hết đều là hàng giả. Chúng chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, được đúc, ép bằng nhựa tổng hợp trông rất giống với đồ thật”, ông H. cho biết.
Công năng nhờ... lời đồn
Quyết tìm cho được người cung cấp mặt hàng trên, sau buổi trò chuyện, chúng tôi đề nghị ông H. (vốn là người Nghệ Tĩnh) giới thiệu cho một đầu mối mà ông biết để trực tiếp liên hệ mua hàng. Khi giới thiệu, ông H. cũng “dặn” không được tiết lộ danh tính của ông ta. Có được đầu mối, PV liên hệ thử và được người phụ nữ tên L. ở đầu dây bên kia bắt chuyện. Ban đầu bà ta hỏi han khá nhiều, sau một hồi trò chuyện làm tin, chúng tôi ngỏ ý muốn mua một bộ da hổ để trưng trong phòng khách. Bà L. cho biết, hiện nay tại TP.HCM không còn hàng, nếu cần thì đặt trước rồi có người chuyển hàng vào.
Theo bà L., nguồn hàng từ Nghệ An hoặc Hà Tĩnh, vì ở đó gần Lào, nhiều người còn mang hàng về được, chứ trong này thì không có. Đặc biệt, hàng của Việt Nam hầu như kiếm không ra. Để tạo lòng tin, bà L. cho biết, vừa rồi bà mới giao một bộ đi Trung Quốc cho khách đặt. Nói về giá cả và cách thức xem hàng, bà L. nói: “Nếu em thật lòng muốn mua thì có hai cách, một là bay ra ngoài đó (ý nói Hà Tĩnh, Nghệ An) xem hàng, được thì mua luôn. Hai là, chị sẽ chụp hình gửi cho em xem trước rồi quyết định sau cũng được”.
PV đề nghị được xem mẫu hàng qua email, bà L. nói: “Hàng đang ở Lào, ít hôm nữa mới về, khi nào tới chị sẽ gửi cho em. Còn giá thì chốt là 200 triệu đồng cho bộ da hổ nguyên hình, nguyên vẹn cực đẹp, dài khoảng 2m. Bộ này còn nguyên bốn chân và cả đuôi, không sứt mẻ gì cả”.
Thấy chúng tôi thắc mắc về giá, bà L. cho biết: “Nếu em có thiện chí mua thật, chị sẽ nói họ bớt chút đỉnh làm quen, chứ không bớt nhiều đâu. Vì thứ này vừa nguy hiểm, vừa hiếm lại có nhiều người mua. Nếu em không lấy thì về Việt Nam sẽ có người lấy đó, đại gia bây giờ chơi dữ lắm. Đây là hổ Đông Dương nên rất quý”. Câu hỏi mà PV băn khoăn “nữ chúa” này là ai? Và, 200 triệu đồng có mua được bộ da hổ thật không? Nhân vật này xem ra là một ẩn số.
Theo chia sẻ của những người từng buôn bán mặt hàng này, hiện nay, da hổ, da báo thuộc dạng hết sức quý hiếm, đặc biệt là những con có tuổi thọ lâu năm. Dù được dân sành sỏi không tiếc công sức, tiền bạc săn lùng nhưng, thực tế, nanh, vuốt hay da hổ, báo cũng không có những công năng siêu phàm như người ta vẫn đồn thổi. Theo lời kể của ông H., năm 1991, tại quê ông (Hà Tĩnh) có một anh đi xẻ gỗ ở Lào về tậu được một chiếc nanh hổ to, đeo vào đi đâu cũng khoe đạn bắn không thấu, làm ăn thì như cá gặp nước... Thế nhưng được mấy năm, anh ta chết vì nghiện ma túy.
Tùy theo vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với PV về tình trạng buôn bán nanh, vuốt, da động vật quý hiếm, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM xác nhận, thời gian qua đã phát hiện, bắt giữ và xử phạt một số trường hợp buôn bán da, nanh, xương động vật hoang dã. Về quy trình, khi tiến hành lập biên bản tịch thu xong, cơ quan chức năng sẽ đem mẫu đi giám định. Nếu kết quả đúng là động vật hoang dã sẽ tiến hành xử lý người vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nếu những lô hàng: Lông, da, xương, nanh… khi lưu hành mà không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.
Theo Người Đưa Tin